Phóng to |
Ông Nguyễn Hoàng Minh đi công chứng tại Văn phòng công chứng Đồng Tháp - Ảnh: Ngọc Hậu |
Ông Võ Văn Phúc (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) nói ông vừa trải qua “cơn ác mộng” mang tên công chứng. Ông Phúc bức xúc: “Tôi đã hơn 70 tuổi rồi mà muốn vay được tiền phải lên phòng công chứng cách nhà 20 cây số. Rồi phải chầu chực ở đó hơn một ngày mới xong thủ tục. Mệt hết sức luôn. Nhà nghèo mới vay vốn nhưng bị hành như vậy thì hơi quá”.
Theo ông Phúc, trước đây ông và nông dân trong xã cần vay vốn sản xuất thì chỉ cần đem giấy đỏ, hộ khẩu, chứng minh nhân dân ra UBND xã cách nhà chừng 1km để làm thủ tục, chứng thực chừng 15-20 phút rồi đem ra ngân hàng vay. Còn bây giờ theo quy định mới, tất cả những người vay vốn đều phải ra phòng công chứng ở trung tâm huyện và phải đi hết cả nhà. Mà người dân các xã đều đổ dồn về đó nên phải chầu chực rất vất vả.
Giống như bị hành
Ông Phạm Phước Hải (xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh) nói ông lấy số thứ tự lúc 8g sáng và chờ tới trưa không thấy ai gọi nên ông phải chạy về nhà cách đó hơn 20km vì mẹ già 100 tuổi không ai chăm sóc. Tới chiều hồ sơ của ông mới xong. Không chỉ mất thời gian, phí công chứng cũng cao hơn (100.000 đồng, trong khi phí ở xã chỉ 10.000 đồng).
Ông Nguyễn Hoàng Minh (xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh)ôm hồ sơ vay 100 triệu đồng vượt hơn 20km đường tới Văn phòng công chứng Đồng Tháp. Tại đây ông phải chờ gần hết buổi chiều mới được điểm chỉ vào hồ sơ (vì ông không biết chữ). Vật vạ cả ngày ở quanh phòng công chứng không chỉ mệt mỏi rã rời mà ông còn bị tốn mấy trăm ngàn đồng tiền ăn uống, tiền xe.
Nhưng ông còn đỡ hơn ông Cao Văn Minh, vì ông Minh (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình) muốn tới được Văn phòng công chứng Đồng Tháp phải vượt hơn 50km. Có mặt tại phòng công chứng lúc 8g30 nhưng ông Cao Văn Minh phải chờ từ sáng đến 15g mới được ký tên. Gần nửa đêm mới chạy xe về tới nhà.
Bà Trần Huỳnh Mến, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Đồng Tháp, bức xúc nói: “Đi tiếp xúc cử tri ở huyện nào tôi cũng nghe dân kêu ca việc công chứng hồ sơ vay vốn ngân hàng. Họ phải kéo cả nhà lên phòng công chứng cách đó hơn chục cây số. Tới nơi còn phải chờ vật vã cả ngày mới được công chứng”.
Phải điều chỉnh cho phù hợp
Theo bà Trần Huỳnh Mến, việc chuyển thủ tục chứng thực tại xã sang công chứng tại phòng công chứng đặt tại trung tâm các huyện đã khiến người dân ở các xã xa phải tốn thêm thời gian đi lại, chờ đợi lâu và mất thêm nhiều chi phí. Vất vả nhất là những hộ dân có giấy đỏ được cấp theo hộ vì khi công chứng vay vốn, họ phải kéo cả nhà đi theo, vắng một người cũng không công chứng được.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, trưởng phòng hỗ trợ tư pháp Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp, nói sau khi các văn phòng công chứng ra đời, sở đã nhận được nhiều phản hồi từ phía người dân. Trong đó có chuyện mức thu phí vay từ 100 triệu đồng trở xuống là 100.000 đồng, tức người dân vay 1 triệu đồng thì chỉ còn 900.000 đồng. Sở Tư pháp cũng thấy mức thu này là cao và sẽ đề nghị điều chỉnh.
Cũng theo ông Tuấn, trước đây khi các phòng công chứng khác thành lập, việc chuyển giao công việc từ xã về diễn ra từ từ. Tuy nhiên do Văn phòng công chứng Đồng Tháp là văn phòng công chứng tư nhân, việc chuyển giao được thực hiện ngay khi có quyết định nên người dân bị bất ngờ.
Còn tình trạng quá tải tại các phòng, văn phòng công chứng, ông Tuấn giải thích là do một vụ việc phải có đến 5-6 người trong gia đình cùng đến để giải quyết. Hiện Sở Tư pháp đang phối hợp cùng Sở Tài nguyên - môi trường dự thảo công văn liên tịch hướng dẫn, cho phép những người liên quan có thể thỏa thuận hoặc ủy quyền để giảm bớt số người đến văn phòng công chứng cũng như phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Để thuận lợi cho người dân vùng sâu vùng xa, Sở Tư pháp đang khuyến khích các công chứng viên thành lập các phòng công chứng ở những nơi này để người dân đi lại đỡ vất vả hơn.
Theo ông Nguyễn Thành Thơ - giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có bốn văn phòng công chứng tại huyện Cao Lãnh, TP Cao Lãnh, huyện Hồng Ngự và thị xã Sa Đéc.
Theo quy định, nơi nào có phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng thì người dân địa phương tại đó khi thực hiện các giao dịch liên quan đến hợp đồng thì phải đến đây làm thủ tục công chứng.
Riêng các huyện không có phòng công chứng thì người dân có thể giao dịch bằng hình thức chứng thực tại UBND xã hoặc có quyền chọn lựa bất cứ văn phòng công chứng hiện có để giao dịch. Tuy nhiên thực tế người dân thường chọn UBND cho khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận