29/01/2017 12:00 GMT+7

Nhớ ơi, nhớ à

LÊ GIANG
LÊ GIANG

TTO - Cái nhớ là cái trời cho/Ai mà không nhớ ốm o gầy mòn. Nhớ quá đi thôi! Nhưng cái nhớ hà rầm của tôi lại là nhớ và thương cái “cách” ăn của từng người đáng cho tôi nhớ hoài, lòng cảm thấy ấm lên chi lạ.

Ảnh: Huỳnh Lai
Ảnh: Huỳnh Lai

Viết về cái sự nhớ này sẽ không bao giờ chấm hết. Biết vậy, nhưng không thể không kể, kể tới đâu vui tới đó, dấu yêu tràn ngập mà rưng rưng nước mắt nhớ thương.

1. Tôi nhớ nhạc sĩ Xuân Hồng, khi mấy anh em đang lội bộ trên đường giải phóng “rộng thênh thang tám thước” (1), Xuân Hồng vội tách hàng, xắn quần lội xuống bờ kinh nhổ mấy cọng kèo nèo, thản nhiên cặp nách tiếp tục đi.

- Trưa nay có Huyện ủy mời cơm mà anh Ba.

Tôi thắc mắc nhưng anh Ba làm thinh.

Đi một hồi mấy cọng kèo nèo tươi rói xanh um bị sức nóng của mặt trời, bị cái nách của anh Ba tỏa nhiệt làm kèo nèo xui xị héo queo. Anh Ba vẫn cặp nách chúng về tới chỗ ở. Anh mở vòi nước giũ phạch phạch cho chúng tỉnh lại.

Anh bắt đầu nói về dưa chua kèo nèo, mắm và rau kèo nèo… ở Tây Ninh, quê hương anh. Các bạn nghĩ sao, khi mấy cái lẩu rắn hổ đất hầm sả đang tỏa khói thơm lừng mà bạn đồng hành trên đường thiên lý với anh Ba vẫn nuốt nước miếng thèm các món ăn kèo nèo đặc sản của anh. 

2. Tôi nhớ thầy tôi - bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, thủ trưởng khoa răng hàm mặt, học trò gọi ông bằng Chú Bảy từ khi kháng chiến chín năm tới ngày giải phóng Sài Gòn.

Ông ở Pháp về, vô chiến khu, tôi vẫn là cánh tay đắc lực của ông, nhưng tôi phải luôn đóng vai trò chị nuôi, lo cơm nước cho ông, trừ khi nào thím Bảy ở thành vô thăm ông. Ông chỉ cần món cá rô đồng kho tiêu của tôi. Ông nói món kho tiêu của tôi đủ dinh dưỡng kháng chiến trường kỳ. 

Vật đổi sao dời, thầy trò xa cách mấy chục năm, về Sài Gòn ông thủ trưởng đáng kính của tôi vẫn nhớ tôi - con nhỏ dám giã từ thầy, chia tay đồng nghiệp bước sang một cuộc văn chương đầy phiêu lưu liều mạng. Chú Bảy trách móc can ngăn tôi trong ngày cuối thầy trò chia tay. Chú Bảy xô ghế đứng dậy, bất ngờ cú tôi một cái đau chảy nước mắt, thay cho cái bắt tay trìu mến, chúc may mắn cho người cộng sự lâu năm của mình.

Nên tôi nhớ hoài cuộc gặp đó.

- A lô, 16 giờ, chú sẽ tới, cá rô đồng kho tiêu bằng cái ơ kho quẹt lâu năm của bác gái và dĩa đọt choại luộc phải không?

…Chú kéo ghế, cười hỉ xả. Không phải bộ bà ba vải đen thân thuộc, mà… thầy leo 108 bậc thang để thăm học trò cứng đầu bằng bộ cánh dự tiệc hay họp hành từ khi anh em mình mới ở rừng về chợ. Tuy nhiên, ông vẫn nhìn tôi như đang chia sẻ một điều gì, gương mặt ông vẫn nghiêm nghị, vẫn phúc hậu. Tôi bới cho thầy tôi hai lần, hai chén cơm thơm đậm đà của biển - nước mắm Hòn, cay nồng hạt tiêu Phú Quốc. 

Thầy tạm biệt, ôm vai tôi. Chú Bảy không xô ghế nữa mà nhẹ nhẹ nhấc bổng chiếc ghế đút vô cái bàn của tôi. 

Chiều xuống, chú Bảy cùng người cộng sự, người học trò, mãi mãi là học trò đang bước ra đại lộ từ những con đường rừng chứa chan bao ký ức không thể nào quên của tuổi trẻ và chiến tranh.

Từ bên phải qua: NS Lư Nhất Vũ, NS Hoàng Hiệp, nhà thơ Lê Giang, 
NS Xuân Hồng và NS Diệp Minh Tuyền (trong chuyến đi thực tế về vùng biên giới Tịnh Biên, An Giang) - Ảnh: NVCC
Từ bên phải qua: NS Lư Nhất Vũ, NS Hoàng Hiệp, nhà thơ Lê Giang, NS Xuân Hồng và NS Diệp Minh Tuyền (trong chuyến đi thực tế về vùng biên giới Tịnh Biên, An Giang) - Ảnh: NVCC

3. Tôi nhớ hoài nhớ hủy chuyến đi với các nhạc sĩ Bắc Hà trên đường về thăm đất Mũi Cà Mau. 

… Rời nhà anh nông dân Ba Đông, đứng chờ tàu trên đập Bàu Dừa, sau một đêm ăn đủ thứ chất bổ đồng quê, gương mặt ai cũng tươi roi rói, ai cũng hít thở không khí tràn đầy hương lúa từ các cánh đồng bao bọc ngôi làng.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát được anh em giành nhau dìu dắt xuống tàu, đặt ông nằm trên cánh võng giữa khoang tàu. Kpă Ylăng từ trên núi xuống thấy sông nước mênh mông chóng mặt nên mắt cứ nhắm nghiền. Nhạc sĩ Tô Hải liền miệng gào:

“Ôi giời, mít trồng hai bên bờ chi mà lắm thế?”. Không phải mít đâu bố ơi, cây đước đấy! Nhạc sĩ Huy Du, ca sĩ Quốc Trụ vui quá, nhứt là nhắc lại cái hồi đêm qua, húp trúng rắn lộn, có con rắn lộn bằng con thằn lằn đeo ở cằm cụ Khoát, dưới ánh sáng ngọn đèn trứng vịt coi mới đã đời làm sao!

Đường ra Mũi Đất do nghệ sĩ Kim Chi, trưởng Đoàn ca múa Tam Giang, lo cho chuyến đi. Nàng vui và chu đáo lắm. Võng giăng đầy khoang, mỗi người đong đưa một chiếc, nhưng lòng ai cũng “rạt rào biển mênh mông, sóng vỗ nhịp thân tàu” nên chẳng ai chịu nằm lim dim, vô tư mà tòng teng được. Phải banh con mắt ra mà dòm mà ngó, mãn nguyện đời mình. 

Tàu càng đi càng lầm lũi, bỏ lại phía sau bao điều tràn ngập cảm xúc mà chưa kịp tường tận. Càng trưa, cái mùi nấu nướng thơm tho của Kim Chi càng hấp dẫn lạ kỳ; mùi sả ớt, đậu phộng rang xào lươn khiến mấy cánh võng gần sau lái tàu nhảy mũi quá tay, phải nhảy nai vọt lên mui tàu nuốt nước miếng kêu trời.

Rồi canh chua khóm được múc ra, bộ đồ lòng cá phê phê phơi lên đầu con cá lóc, mà ai cũng bụng bảo dạ phải kính lão đắc thọ! Còn cái đầu cá lóc thì choàm ngoàm bằng miệng tô lé đé tràn nước canh thơm phức ngò om ngò gai. Món gà kho gừng là món thứ ba, là món mặn. Kim Chi vừa làm bếp, vừa bưng dọn, tướng đi trên tàu vững trân, mặc cho tàu lắc bên này, nghiêng bên kia. Cổ còn cười cắm cắc, cái miệng có duyên hết sức. 

Ăn cơm trên tàu ngon ơi là ngon, vui ơi là vui, nhắc còn nuốt nước miếng. Con lươn hồi đó lươn ruộng lươn đồng, thịt mềm ngọt chứ không dai và tanh như lươn nuôi bây giờ. Con cá lóc hồi đó cũng ngon hết ý, còn gà giò kho gừng, cũng đâu phải thịt gà công nghiệp bở rẹt. Người ta nói ăn cơm ngon miệng thiếu điều lủng nồi, còn già trẻ bé lớn của chuyến đi thì ăn ngon quá thiếu điều lủng tàu!

Cơm trưa xong, tàu cũng gần tới Đất Mũi, ai cũng hỏi: đâu, đâu!? Anh em “bản xứ Cà Mau” được đưa những người anh em Bắc Hà đi thăm nơi chót vót xa xăm nên gương mặt người nào cũng rạng rỡ pha chút tự hào. Họ hội ý đè cụ Khoát ra đấm bóp một trận để tỏ lòng hâm mộ. Cụ Khoát nghe lõm bõm tiếng được tiếng mất, nhưng cụ cũng tinh anh lắm, cụ vội vã: Chớ! Chớ!...

Mũi Đất kia kìa! Hòn Khoai đứng đó! Ôi, chim nhạn bay lượn gọi bầy. Ai cũng la, cũng gào, người mãn nguyện chậm nước mắt, người dễ xúc cảm khóc ngon lành. Cảnh nguyên sơ mới hùng vĩ thiêng liêng làm sao! Cảnh các cô gái đi sạt sò trên bãi bùn mới thơ mộng làm sao!... 

(1) Thơ Tố Hữu.

Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Văn Thủ cùng vợ trong bữa cơm đầm ấm ở chiến khu - Ảnh: NVCC
Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Văn Thủ cùng vợ trong bữa cơm đầm ấm ở chiến khu - Ảnh: NVCC
LÊ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên