Phóng to |
Minh họa: DUY NGUYÊN |
Dù trường đã thay tên đổi họ nhưng mỗi lần đi ngang qua ngôi trường này lòng tôi luôn bồi hồi một cảm giác khó tả, vì tại nơi đây tôi đã trải qua bốn năm học với nhiều kỷ niệm đẹp.
Tôi nhớ ở sân trước của trường có trồng một hàng phượng vĩ song song với lớp học thật đẹp. Biết bao cành hoa phượng đỏ thắm đã được các nữ sinh hái trộm không thương tiếc để ép vào quyển lưu bút, khiến các cây phượng mới trổ hoa đầu mùa đã xơ xác. Cô Thảo hiệu trưởng phải cho thông báo: “Kỷ luật học sinh nào hái hoa phượng”, từ đó sân trường nữ của chúng tôi mới được trả lại vẻ đẹp mỗi khi vào hè.
Lớp chúng tôi có một kỷ niệm khó quên với Kim Thành lớp trưởng. Thành nhỏ người, mỗi ngày phải đạp xe từ Bến Kéo cách trường 10km để đi học. Năm lớp 10, Thành bị đau lưng nặng, phải nghỉ học. Tôi và một nhóm bạn đã chở nhau bằng xe đạp đến nhà Thành kêu gọi bạn đi học trở lại. Khi Thành trở lại học, đến giờ ra chơi Thành kêu đau nhức, nhóm bạn chúng tôi phải đấm bóp cho Thành. Thành đã học tới thi đậu tốt nghiệp cấp III với chúng tôi, sau đó học cao đẳng sư phạm toán và đi dạy học tại một trường trong tỉnh Tây Ninh. Mỗi lần gặp nhau, Thành đều nói vui: “Mình được như ngày nay là nhờ các bạn, mình cám ơn các bạn rất nhiều”.
Không thể nào gặp và nhớ hết những bạn khác đã học cùng tôi ở Trường Ngọc Vạn. Tôi chỉ có thể gặp những bạn như Liền, Vừa, Hầu, Minh Lệ, Kim Phượng, Kim Thành, Ngọc Lệ... , còn những bạn Thư, Hoan, Gái… đã rời xa Tây Ninh hơn 30 năm, giờ không biết ở nơi nào?
Trong bốn năm học ở Trường Ngọc Vạn, tôi luôn nhớ mãi hình bóng của những thầy cô giáo đã dạy tôi. Ở mỗi thầy cô, ngoài chuyên môn, chúng tôi còn được học những kinh nghiệm sống trên đường đời. Với thầy Thế, tới giờ của thầy là chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần thép để đối phó với những lần làm toán chạy khi thầy mới bước vào lớp, để kiểm tra xem chúng tôi có học bài cũ không. Thầy Điền, thầy Công Hoàng luôn hết lòng với học sinh. Cô Lan Anh với khả năng vẽ hình thật nhanh và đẹp. Cô Chí mỗi ngày đến trường với chiếc áo dài màu nhạt giản dị khác xa với những cô Nương, cô Quỳnh Cửu, cô Thiên Hương … với những chiếc áo dài hoa sặc sỡ màu sắc. Tuy nhiên, nhờ các cô này tôi mới biết được ngoài cái đẹp của sự giản dị, người phụ nữ cần phải làm đẹp hơn nữa qua câu nói của người xưa: “Người đẹp nhờ lụa”, vì bản tính của tôi rất xuề xòa.
Sau này khi tôi được đổi về dạy học ở Trường Trần Hưng Đạo chung với cô Chí tôi mới biết hoàn cảnh gia đình của cô. Nhà cô đông anh chị em, các anh chị của cô đã phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ. Riêng cô rất ham học. Thế là từ năm lớp 5 (lớp 1 bây giờ), mới 9 tuổi (ngày đó ở quê, đa số học sinh đều học trễ tuổi), cô phải chạy chiếc xe đạp cao hơn cô, mang theo lon Guigoz cơm để đi học ở Trường nữ tiểu học cách nhà cô gần 10 km. Cô học rất giỏi, luôn được học bổng. Khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành sinh vật, cô đậu thủ khoa và xin về dạy ở tỉnh nhà Tây Ninh, một nơi “nắng cháy da người”. Điều này làm nhiều người bạn của cô kinh ngạc, vì với kết quả thủ khoa đó, cô ưu tiên được dạy các trường ở Sài Gòn hoa lệ với nhiều cơ hội thăng tiến.
Những câu ca dao nhắc về công ơn của thầy cô chúng tôi luôn ghi nhớ: Mười năm luyện tập sách đèn / Công danh gặp bước chớ quên ơn thầy; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa...
Mong sao sẽ có ngày tôi và các bạn cũ được sum họp một lần tại ngôi trường nữ trung học Ngọc Vạn với những thầy, cô giáo đã tận tình giảng dạy cho học trò chúng tôi năm xưa.
Áo Trắngsố 21 ra ngày 15/11/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận