Cuộc thi tùy bút Xuân hoài hương trong khuôn khổ chương trình Online cùng Tết Việt năm thứ 8 trên Tuổi Trẻ Online (với sự tài trợ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN - Eximbank) vừa hết hạn nhận bài sau hơn 350 bài viết dự thi. |
Sau lời chúc là rộn rã tiếng cười. Niềm vui không cần phải gợi mở từ điều gì cầu kỳ, xa xôi mà chỉ cần nhắc đến những lo toan của tết. Từ nồi bánh chưng, vại dưa hành, cành đào tết... cũng đủ khiến lòng người hứng khởi. Tôi nhớ chiều 30 tết bác đuổi mãi mới bắt được chú gà trống hoa ngộ nghĩnh. Đêm giao thừa, nồi bánh chưng nhà bác đỏ lửa bập bùng. Có chú mèo mướp già ngủ bên cạnh mặc cho màn mưa xuân như rây bụi trước sân nhà...
Một năm dài đằng đẵng cũng không thiếu chuyện vui buồn, va chạm, cãi cọ. Cuối năm các bà, các chị vẫn xây xẩm mặt mày tính nhẩm nợ nần thất bát. Chiều 30 vẫn còn eo sèo chợ muộn, nhà nhà giục giã con cái nhanh tay dọn dẹp. Ấy thế mà đến giao thừa tất cả như tan biến hết, lòng người nhẹ nhàng, hào hứng đến kỳ lạ như thể được hồi sinh tươi mới trước hơi xuân. Ngày xuân nghe khách nói câu gì cũng thấy quý, thấy vui như thể những câu nói tự đáy lòng bạn có phép mầu nhiệm biến thành cuộc đời thực vậy. Và chính mình cũng thế. Lòng rưng rưng chúc bạn những gì mình cho là đẹp nhất, tốt nhất, quý hiếm nhất mà cho đến cả trong giấc mơ mình cũng chưa hề có.
Sau nhiều năm xa quê hương tôi vẫn đi chúc tết mọi nhà và nhận được muôn vàn lời chúc. Càng lúc càng nghiệm ra lời chúc cũng có thanh có vị. Chỉ có lòng thành thực, hồn nhiên mới có thể đem đến cho nhau lời chúc đậm đà. Một sớm xuân nào đó bước ra phố bạn được ai đó khen đẹp, phong độ... câu nói ấy sẽ sớm tan như sương khói. Nhưng nếu nhận được lời chúc từ một tâm hồn đẹp, bạn sẽ không bao giờ quên được. Tôi luôn nhớ về lời chúc của bác láng giềng nơi cố hương xa xôi cũng vì lẽ đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận