Bài dự thi tùy bút Xuân hoài hương
Phóng to |
Khoảnh khắc đợi chờ - ảnh của Nguyễn Hữu Xuân Tâm dự thi ảnh Xuân đoàn tụ |
Cái nhớ bắt đầu từ buổi sớm tinh sương ra chợ. Chợ nằm giữa đường kẻ chỉ giữa phố và quê nên họp sớm. Đi loanh quanh rồi cuối cùng ghé vào quán nhỏ nép xiêu xiêu bên gốc mưng già buông vài chùm trái muộn mằn từ hồi nào sót lại, hỏi mua hai lá trầu.
Người mệ già yên rãi ngồi bán. Chợ nhiều hàng bán trầu cau nhưng hàng mệ vẫn đông nhất. Có lẽ tại mua trầu người ta thường tìm đến người già để mua chăng? Cái cách lựa từng lá trầu cẩn trọng, cái cách quệt thêm chút vôi mặn mòi, cái cách gói vào tờ lá chuối kỹ lưỡng… Những cái đó sao giống bà tôi năm xưa. Khi bà lưng còng tóc bạc vẫn ngồi chéo vạt chiếc chõng tre têm những cánh trầu chờ năm mới mời người xông đất. Mùi vị nồng cay âm ấm như ùa về trong sống mũi.
Cái nhớ lan theo bước chân về qua làng hoa gần đấy. Con đường uốn quanh như một dải lụa len thêm chút sương mờ lất phất những ngày cuối năm khiến người đi trôi bồng bềnh như mơ. Ngõ Huế dài sâu lắng. Những vườn hoa nép kỹ sau hiên nhà nên phải vừa đi vừa để ý thật khéo mới có thể gặp được những luống hoa đang trở mình sửa soạn xuân. Đi tìm hoa hay tìm bóng dáng ai của độ xuân thì. Nên không dưng mà nhớ. Nhớ rằng câu thơ có thưở đã từng nghịch ngợm đọc trêu ai ‘Đào hoa y cựu tiếu đông phong’ mà giờ hóa thật. Nên nhớ là nhớ như vậy.
Đi hết con đường ở đây thường gặp những bến đò. Thành phố nhỏ. Năm nào đi cũng chừng đó con đường, vậy mà mỗi lần đi lại gặp một nỗi xao xuyến khác nhau. Bến Tòa Khâm nghe chạnh lòng nước non từ câu hò mái nhì mái đẩy. Bến Thừa Phủ xôn xao áo trắng tóc thề. Bốn mùa thì bến vẫn đứng nhận nại đợi đò sang, mà sao mùa này lại rắc chi mưa phùn, để mắt sương nhìn ra thấy bóng người xưa vời vợi. Nên lơ đãng bước vài dấu chân qua Tràng Tiền, thì lòng cứ nhớ lao xao.
Tết ở đây nhiều tiếng chuông chùa. Chùa xa chùa gần chùa cách núi non hay nằm trong lòng phố cũng dễ nhắc nhớ người xung quanh bằng tiếng chuông thinh lặng. Với người trẻ, cả năm đôi khi bận nghĩ về cuộc sống, tết đến nơi, ở nhà dọn dẹp vài ba bữa, ơ hay mới nghe tiếng chuông đâu đó vẳng thầm, bỗng thấy bần thần một cảm giác lạ thênh thang. Mới hay người xa nhớ đã đành, người ở đôi khi cũng thấy lòng mình tự dưng nhớ.
Mới hay, nỗi nhớ về không chỉ xuất hiện ở người xa, mà người ở đôi khi cũng quắt quay bởi một trời hoài niệm. Mỗi bước mỗi đi lòng mỗi nhớ, như Nguyễn Bính tài danh đã từng buột cả lòng mình ‘Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên’. Buổi này, lang thang trên mảnh đất này, tôi lại bâng khuâng hoài nhớ một mùa xưa cũ. Một mùa mang cái tết trở về từ những ký ức hoài thương.
Coi như là nỗi nhớ giùm người xa xứ.
Cuộc thi Tùy bút Xuân Hoài Hương diễn ra trên chuyên trang tuoitre.vn/Thiviet/Xuan-hoai-huong-2011. Mỗi bạn đọc được quyền tham gia nhiều bài viết, mỗi bài không quá 800 chữ, chưa từng được đăng tải ở bất cứ đâu. Bài dự thi được viết bằng tiếng Việt có dấu, kiểu Unicode. Bài dự thi xin gửi về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn, tiêu đề ghi tùy bút Xuân hoài hương. Thời gian nhận bài dự thi: từ nay đến hết ngày 7-2-2011 (mồng 5 Tết Nguyên đán Tân Mão). Đối tượng dự thi: tất cả bạn đọc của báo Tuổi Trẻ (ngoại trừ cán bộ công nhân viên của đơn vị tài trợ và báo Tuổi Trẻ). Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 33 triệu đồng, với: - Giải nhất (một giải): 7.000.000 đồng - Giải nhì (hai giải): 5.000.000 đồng/giải - Giải ba (hai giải): 3.000.000 đồng/giải - Giải khuyến khích (mười giải): 1.000.000 đồng/giải. Cuộc thi nằm trong khuôn khổ chương trình Online cùng Tết Việt năm thứ 8 do Tuổi TrẻOnline tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận