12/11/2005 06:48 GMT+7

Nhớ chuyện bó đũa ngày xưa...

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Câu chuyện xưa với hình ảnh mấy anh con trai nghiến răng, gồng tay mà không thể bẻ gãy được bó đũa trước cặp mắt hài lòng của người cha già cứ luẩn quẩn khi tôi dự phiên tòa hành chính xét xử vụ “tranh chấp quyền sử dụng và sở hữu tài sản” ở Tòa án nhân dân TP.HCM.

6KdiyQUY.jpgPhóng to

Bà mẹ H. bên chồng đơn và những cuốn sổ ghi chép trong gia đình từ thời trên nhà sàn - Ảnh: T.Trung

TT - Câu chuyện xưa với hình ảnh mấy anh con trai nghiến răng, gồng tay mà không thể bẻ gãy được bó đũa trước cặp mắt hài lòng của người cha già cứ luẩn quẩn khi tôi dự phiên tòa hành chính xét xử vụ “tranh chấp quyền sử dụng và sở hữu tài sản” ở Tòa án nhân dân TP.HCM.

Không khó khăn gì để nhận ra những nét đặc trưng của một gia đình trên khuôn mặt những người đang ngồi song song, bên nguyên, bên bị...

Trên căn nhà sàn ngày ấy...

Phần tranh luận diễn ra khá gay gắt. Anh trai của H., em gái của H., các giấy tờ của cha mẹ H., sổ lương của xưởng giày lần lượt được đưa ra làm minh chứng cho những lý lẽ của bên nguyên đơn. Ở hàng ghế đối diện, N.S.H. kể rằng anh đã trở thành chủ xưởng giày sau lần trúng số độc đắc, là người điều hành toàn bộ công việc, phát lương cho cả nhà, và dĩ nhiên là người sở hữu toàn bộ tài sản. “Những gì tôi đã mua sắm cho gia đình tôi không tranh chấp.

Nhưng những gì là của tôi thì phải trả cho tôi” - H. nhấn mạnh. Bên nguyên đơn người lắc đầu, người cười nhạt... Suốt phiên tòa, những lập luận của họ cứ ở hai thái cực, không một ánh mắt liếc ngang giữa bên nguyên, bên bị. Thế nhưng vẫn cứ có một điểm chung, vẫn có một câu chuyện khiến tất cả cùng nghẹn lời khi nhắc đến...

Đấy là khi cả H., cả các anh chị, em gái, em trai của H. kể về những ngày mới giải phóng, cả nhà bồng bế nhau lên vùng kinh tế mới phát rừng làm rẫy, trồng khoai mì, đậu phộng kiếm sống. Được vài năm, đàn con chưa kịp lớn, vụ mùa chưa kịp trúng thì người chị gái ngã bệnh sốt rét rồi mất.

Đau buồn, cha mẹ H. bán đổ bán tháo cả nhà, cả rẫy, cả những thúng đậu phộng, thúng mì vừa thu được để về lại thành phố. Một căn nhà sàn được cất ven sông ở khu tái thiết Hoàng Diệu (quận 4, TP.HCM). Toàn bộ số tiền có được, ông bố dồn mở một xưởng giày nhỏ cho người anh lớn đã có nghề trông coi, còn cả nhà cùng học làm thợ. Chẳng được bao lâu, toàn bộ tiền vốn đã trở thành số âm vì thua lỗ...

Mẹ cùng mấy cô con gái mở quán bánh cuốn, sữa đậu nành, những người anh lớn đi làm thợ, H. và mấy cậu em trai đi bán vé số. Suốt ngày cơ cực, buổi tối cả nhà quây quần trên căn nhà sàn bập bênh mà bàn chuyện tương lai. Vài năm sau, một lần nữa, cả gia đình đồng lòng chung tay mở lại xưởng giày. Người cắt, người may, người làm quai, người đóng đế, người giao, người bán..., cả nhà cuốn vào công việc. Từng đôi giày làm ra đều là của chung, từng giọt mồ hôi đổ xuống đều vì tương lai của gia đình.

Gia đình có tất cả mười người con, bảy người đại diện cho bà mẹ ngồi bên nguyên đơn, hai người vắng mặt, một người ngồi bên bị đơn. Chuyện tranh chấp xoay quanh khối tài sản khá lớn gồm hai mảnh đất, một căn nhà, một sạp giày ở chợ An Đông.

Mấy anh em bên nguyên đơn đồng lòng khẳng định tất cả là tài sản của cha mẹ, là thành quả từ công sức lao động của cả nhà ở xưởng giày của gia đình. N.S.H., bị đơn, cũng khẳng định tất cả là tài sản của mình, chỉ của một mình mình thôi và chứng minh bằng những giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu rất hợp pháp.

Trong tập giấy tờ hồ sơ vụ án, tôi tìm thấy những cuốn sổ lương, sổ thu chi dày đặc từng ngày, từng tuần, từng tháng mà ông bố - chủ gia đình - đã cẩn thận, tỉ mẩn ghi chép. Có thể cảm được vị mặn những giọt mồ hôi của cha mẹ, của anh trai, em gái trong cuốn sổ lương; có thể nhìn được nụ cười hỉ hả, thỏa mãn của mọi người mỗi khi cha mua thêm được quạt máy, tivi, đầu video...

Theo dõi từng dòng, từng trang của cuốn sổ nhỏ thấy rõ cuộc sống của cả nhà được cải thiện từng ngày. Chỉ sau mười năm, gia đình họ đã có của ăn của để, mỗi người con trai lấy vợ, con gái lấy chồng đều được cha mẹ tạo cho một cơ ngơi. Những tấm ảnh trong album gia đình thời kỳ này đã chật ních những con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, đã đầy ắp những nụ cười của sự thịnh vượng, no đủ.

Trước tòa hôm nay, nhiều người con đã nghẹn ngào nhắc lại lời bố dặn trước lúc mất: “Bố chết, anh em phải thuận hòa, đừng chia lìa nhau”.

Chuyện của mẹ

Tập hồ sơ dày cộm những lá đơn kêu cứu, đơn yêu cầu tòa án đưa vụ án ra xét xử của bà mẹ, nhưng đến phiên xử thì bà không đến tòa. “Tôi bị bệnh tim cô ạ, đến đấy thì chết mất” - bà than thở. Từ bốn năm nay bà đã nhiều lần tưởng mình chết đi vì những nỗi đau mà con trai gây ra. Hỏi chuyện, bà cứ thở dài: “Tôi là mẹ mà tôi không ngờ, không thể ngờ...”.

Câu chuyện bà kể về H. là về một đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo, biết kính trên nhường dưới nhất nhà. H. làm gì nhất nhất đều hỏi ý kiến cha mẹ, có cái gì nhất nhất đều dành cho các chị, các em. Có lần H. may mắn trúng số độc đắc, toàn bộ số tiền đều đưa cho cha góp vào khoản tích lũy để mua một căn nhà. Các anh chị lớn lập gia đình, ở riêng, H. trở thành đầu đàn ở nhà, tận lực lo công việc kinh doanh của gia đình. “Có con trai như thế sao mà không tin, không thương. Nó bảo sao tôi nghe vậy...”.

Từ ngày xảy ra chuyện kiện tụng, tranh chấp, xưởng giày gia đình tan đàn xẻ nghé. Thường khi nhắc đến những mâu thuẫn trong gia đình, người ta hay nhắc đến cái mất lớn nhất là tình thương yêu. Trong câu chuyện này, bên cạnh tình thương còn có sự mất mát rất thật về vật chất, tài sản, những của cải đã có được từ chính sự đoàn kết, chung tay góp sức của những người trong gia đình.

Mua thêm được mảnh đất, xây thêm được ngôi nhà khang trang vừa để ở, vừa làm chỗ may giày. Thúc giục con trai hơn hai năm mà bà vẫn chưa chuyển được hộ khẩu về nhà mới. Rồi phiếu báo đóng thuế thổ trạch gửi đến, bà mới biết H. và vợ đứng tên đăng ký quyền sử dụng đất. Hỏi, H. bảo đây là đất, nhà của mình. Đơn khởi kiện nộp ở Tòa án nhân dân quận 7 hơn một năm, nhưng rồi quyền sở hữu nhà vẫn được xác lập cho H.. Sạp giày ở chợ An Đông ông bố cho H. đứng tên, đã di chúc miệng để lại cho con gái út bán cũng bị H. lấy lại cho người khác thuê...

Bà bảo có mấy lần gặp vợ chồng H. ngoài đường, ngoài tòa án, nhưng con trai, con dâu, cháu nội không thèm nhìn mẹ, nhìn bà. Bà kể hai hình ảnh về H. mà bà không bao giờ quên. Hình ảnh thứ nhất là sự ấm áp khi H. đi làm về muộn, vào phòng lay mẹ: “Má dậy ăn miếng bánh giò nóng con mới mua”.

Hình ảnh thứ hai lại thật cay đắng: H. gọi công an đến nhà trục xuất mẹ và em ra khỏi căn nhà mình đã có hộ khẩu. Khi xe Jeep đậu trước cửa, công an vào nhà, mẹ run lập cập, các em phẫn nộ thì H. đến bên: “Con nói má rồi mà má không nghe, cứ sang tên cho con cái sạp chợ Bến Thành là êm xuôi cả thôi...”.

Đề nghị cuối cùng trước tòa, tất cả các anh chị em bên nguyên đơn đều khóc, yêu cầu tòa xử công bằng cho mẹ mình. Bên kia, N.S.H. lạnh lùng: “Tôi yêu cầu tài sản của tôi”. Bà mẹ ngồi ở nhà chỉ lắc đầu, không nói.

Khi tôi viết những dòng này, phiên tòa sơ thẩm vừa tuyên án. Bà mẹ được chia 1/11 số tài sản mà bà đã chứng minh bằng tất cả các nhân chứng, vật chứng rằng mình đã đưa tiền cho H. đi mua. Các yêu cầu còn lại đều bị bác bỏ. Nhưng cả bên nguyên đơn lẫn bị đơn đều đã chuẩn bị tinh thần, hồ sơ, chứng cứ cho phiên tòa phúc thẩm từ lâu, trong mấy ngày tòa nghỉ nghị án. Câu chuyện bó đũa hôm nay chưa đi đến được cái kết có hậu...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên