Thí sinh tham dự một kỳ thi học sinh giỏi quốc gia tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Tôi đặt vấn đề ngược lại, nếu giáo viên cũng đi thi xem ai dạy giỏi hơn, chắc không có nhiều người can đảm đi thi! |
Ông Stivi Cooke |
* Phản hồi bài Chán ngán với việc luyện “gà chọi” và bài Nỗi sợ mang tên “vô đội tuyển học sinh giỏi”:
Cá nhân tôi không ủng hộ những cuộc thi như vậy. Chúng chỉ có tác dụng để cho những học sinh giỏi có thêm thành tích vào hồ sơ thi đại học, còn đối với đại đa số học sinh, tôi nghĩ những cuộc thi như vậy chỉ phí thời gian.
Tôi có nghe về việc một số nơi thậm chí còn bỏ học những môn khác để học sinh tập trung ôn luyện một môn nào đó để đi thi.
Tôi tin rằng một ngôi trường thành công phải thực sự nâng cao chất lượng điểm số của học sinh chứ không phải là cho điểm khống (chuyện thường thấy ở VN) hay ép học sinh vào tình huống thi thố.
Điều này đi ngược lại với một nền giáo dục thực sự - nền giáo dục phải chuẩn bị cho học sinh khả năng ứng phó với cuộc sống, các kỹ năng thực tế và những cách tiếp cận sáng tạo để học sinh có thể tạo nên tương lai của chính các em.
Thực tế cuộc sống cho thấy những học sinh nào học ổn tất cả các môn học thường ứng biến với cuộc sống dễ dàng hơn vì các em có một sự hiểu biết rộng hơn về thế giới xung quanh mình.
Vì vậy, ép học sinh tập trung vào học một môn thi học sinh giỏi thay vì học đều các môn khác là nhà trường đã vì thành tích mà gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của học sinh mình.
Ở Úc, chúng tôi cũng có một số cuộc thi học sinh giỏi, chủ yếu là về khoa học và toán. Những cuộc thi này thường chỉ tổ chức cho các lớp cuối cấp phổ thông hoặc bậc đại học.
Nhìn chung, chúng tôi khuyến khích tất cả học sinh học tập một cách vui vẻ và không nghĩ về việc “chiến thắng”. Là người xuất sắc thì cũng tốt thôi, nhưng chúng tôi nghĩ đến một sự tốt đẹp xa hơn cho toàn thể học sinh.
Trước kia, chúng tôi có hai kỳ thi là vào năm cuối lớp 10 để học sinh lấy chứng chỉ của trường và năm lớp 12 để học sinh lấy chứng chỉ cao hơn thường được sử dụng để nộp đơn vào đại học.
Sau kỳ thi cuối năm lớp 10, học sinh được phép bắt đầu học các môn chuyên mà các em có năng khiếu và yêu thích.
Hiện nay học sinh không phải thi kỳ thi vào cuối lớp 10 nữa. Nhà trường sẽ xét thành tích học tập toàn diện của các em để cấp giấy chứng nhận đánh giá học sinh đủ năng lực đậu chứ không có điểm số nữa.
Ấn Độ thi tìm người tài để trao học bổng Ấn Độ có cuộc thi tìm kiếm tài năng cấp quốc gia gọi là National Talent Search Examination, được chính phủ nước này sáng lập từ năm 1963. Cuộc thi này nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông bằng việc phát hiện những học sinh tài năng và trao học bổng cho các em. Theo Hội đồng Nghiên cứu và đào tạo quốc gia Ấn Độ, năm 1964 chương trình đã trao 350 suất học bổng cho học sinh lớp 11 trên cả nước. Những học bổng này được trao dựa trên kết quả của một phần kiểm tra viết, một báo cáo dự án và một cuộc phỏng vấn. Phần kiểm tra viết bao gồm bài kiểm tra năng khiếu và một bài luận về một chủ đề khoa học nhất định. Người tham gia cuộc thi cũng phải nộp một báo cáo dự án cùng lúc với bài kiểm tra viết. Những học sinh có phần kiểm tra viết và báo cáo dự án đạt yêu cầu sẽ được chọn vào vòng phỏng vấn riêng để chọn ra người chiến thắng và trao học bổng. Tùy trường hợp mà học bổng có thể được trao đến tận trình độ tiến sĩ và chỉ được trao cho những học sinh theo học các ngành khoa học căn bản. Cuộc thi này đã trải qua nhiều lần thay đổi về phương thức tiến hành cũng như chính sách học bổng, có khi mở rộng ra cho học sinh lớp 10, 11 và 12. Tuy nhiên, từ năm 2013 chỉ dành cho học sinh lớp 10 và bao gồm hai bài kiểm tra khả năng tư duy và năng khiếu ở dạng trắc nghiệm. Học bổng cũng được mở rộng ra cho các đối tượng theo học các ngành khoa học xã hội, bên cạnh khoa học căn bản như trước kia. Cuộc thi được triển khai ở cấp thành phố trước rồi mới đến cấp quốc gia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận