Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp - Ảnh: V.Dũng |
“Những gì của hôm nay là vô giá của ngày mai” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp (đại biểu Hưng Yên) nói. Vậy mà, theo ông Hợp, nhiều tài liệu lịch sử quý giá đang đi sâu vào lòng đất vì những người mang giữ tài liệu đó ngày càng ít dần. Cuộc chiến tranh lịch sử của ta oai hùng như vậy, nhưng những ghi chép cụ thể rất hạn chế. Tình trạng manh mún, phân tán trong việc lưu giữ cũng khiến nhiều tài liệu bị mất mát.
“Ở các nước bảo tàng dân tộc, bảo tàng quốc gia người ta tập trung lưu giữ được toàn bộ lịch sử dân tộc thể hiện qua ba dòng chảy: dòng chảy văn hóa, dòng chảy kinh tế và dòng chảy chống ngoại xâm - ông Hợp nói - Ở Trung Quốc họ lưu trữ rất tốt, nhiều tài liệu ghi chép các triều đại lịch sử rất chi tiết, từ những chỉ dụ của vua, bàn bạc ở triều đình cho đến việc tối nay ngủ với bà nào, vào mấy giờ... Khu du lịch, bảo tàng về Lưu Bị ở Tứ Xuyên rất đầy đủ tài liệu, ai muốn nghiên cứu về Lưu Bị đến đó có đầy đủ hết”.
"Bí mật quốc gia bao nhiêu năm thì giải mật? Bây giờ ông quân sự muốn giữ, công an muốn giữ, tình báo muốn giữ nhưng tính hệ thống thì không có, không kiểm soát được tài liệu, khi cần không biết đâu mà lần" |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận (đại biểu Quảng Nam) phân vân: “Chỉ một ví dụ là chúng ta có cuộc chiến oai hùng 81 ngày đêm trong Thành cổ Quảng Trị, mỗi ngày một đại đội đi vào đó, nhưng bây giờ không lưu lại được bản danh sách đó, rất buồn”. Theo ông Thuận, nhận thức xã hội của ta về lưu trữ là rất yếu, ý thức bảo vệ không tốt. Nói là lưu trữ nhà nước nhưng quân đội, công an, tòa án... đều có lưu trữ riêng, có chỗ không thể tiếp cận được. Nhưng do kinh phí ít, có nơi tài liệu để đầy trên nóc tủ. Có những tài liệu rất quý đến nay không còn bản chính, bị mất mát rất nhiều. Quan niệm lưu trữ của ta là đào sâu chôn chặt, cho nên tiếp cận rất khó.
Trong khi đó có những trường hợp lại rất mất cảnh giác. “Cách đây khoảng 10 năm, một giáo sư người Nhật chỉ bỏ ra khoảng 10.000 USD tổ chức một cuộc hội thảo, sau đó người ta có được rất nhiều tài liệu về khoáng sản của VN” - ông Thuận cho hay.
Đại biểu Nguyễn Tấn Trịnh (Quảng Nam) lưu ý đừng nên bỏ lỡ cơ hội tiếp cận tài liệu về VN ở nước ngoài. “Tài liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của mình hiện nay ở Pháp rất nhiều. Tôi có lần đi Bồ Đào Nha, người ta cũng nói với tôi là các anh còn nhiều tài liệu về Hoàng Sa ở nước ngoài lắm nhưng các anh chưa khai thác được nhiều” - ông Trịnh cho hay.
Cùng cách tiếp cận rằng tài liệu lưu trữ là để dùng chứ không phải để đào sâu chôn chặt, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long (Đắk Lắk) đề nghị: “Phải phân định rõ các loại tài liệu, loại nào thì lưu trữ đến mức nào, thời gian bao lâu. Tránh tình trạng thời tôi cầm quyền thì tôi nói cái này rất quan trọng phải giữ lại, nhưng đến thời anh khác thì anh ấy bảo phải hủy đi. Vì vậy, nên quy định rõ trong luật những loại nào phải lưu trữ vĩnh viễn, loại nào lưu trữ thời hạn bao nhiêu”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận