Đại diện nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho biết, đến thời điểm này đã có khoảng 60% đến 70% nhà cung cấp đề nghị tăng giá bán sản phẩm. Các mặt hàng được đề nghị tăng giá nhiều nhất là thực phẩm chế biến, dầu ăn, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Từ ngày 1-7, giá bán các loại sữa tươi của Vinamilk, Dutch Lady, Nutifood đã tăng thêm 10.000 đồng/thùng, sữa bột tăng 6.000 đến 20.000 đồng/hộp. Công ty Trung Thông, nhà phân phối độc quyền sữa Dumex, cũng vừa thông báo tăng giá bán sản phẩm lần 2 đối với 20 mặt hàng sữa của hãng với mức tăng tổng cộng của cả 2 lần là 16%.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng khác như đồ gia dụng, mỹ phẩm, dầu gội, nước rửa chén, bánh kẹo, nước giải khát, dầu ăn...cũng tăng giá thêm khoảng 10%.
Lý giải về việc tăng giá bán sản phẩm, hầu hết các nhà cung cấp đều cho rằng chi phí đầu vào tăng liên tục trong thời gian qua đã làm cho giá thành sản phẩm bị đội lên.
Ông Michael Oliveriro, Giám đốc hãng dầu ăn Neptune, cho biết giá dầu cọ và dầu đậu nành thế giới đã tăng từ 500 lên 775 USD/tấn so với hồi đầu năm nên việc tăng giá bán sản phẩm là điều khó tránh khỏi.
Công ty Vissan - một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm - cho biết 70% nguyên liệu chế biến của công ty là nhập khẩu nên khi giá nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng, công ty buộc phải tăng giá bán để bù đắp chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, giá điện, xăng dầu, vận chuyển tăng cũng đẩy giá thành sản phẩm tăng theo.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, những tháng cuối năm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, giá hàng hóa sẽ tăng mạnh do nhu cầu của người dân tăng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận