04/08/2015 12:29 GMT+7

Nhiều quy định làm khó luật sư trong giai đoạn điều tra

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Cho rằng quyền có luật sư bào chữa của bị can bị ngăn trở, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa của luật sư.

Luật sư Phan Trung Hoài phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Hoàng Điệp

Góp ý với dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi (do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 4-8 tại TP.HCM), luật sư Phan Trung Hoài (phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đề nghị Ủy ban Tư pháp loại bỏ quy định về việc cấp giấy chứng nhận cho luật sư.

Theo luật sư Hoài, còn việc cấp giấy này thì quyền hiến định phải có luật sư của bị can, bị cáo bị ngăn trở. 

Liên đoàn luật sư đề nghị Ủy ban Tư pháp bỏ hẳn chế định cấp giấy chứng nhận quyền bào chữa. Luật sư chỉ cần mang thẻ chứng nhận luật sư và đơn yêu cầu thì sẽ được tiếp xúc hỗ trợ bị can, bị cáo.

Nói về những khó khăn của luật sư trong việc bào chữa cho bị can trong quá trình điều tra, luật sư Phan Trung Hoài nêu tình trạng nhiều bị can từ chối luật sư. Con số thực tế từ Liên đoàn Luật sư VN cho thấy có đến 141 hồ sơ của luật sư bị gây khó khăn trong quá trình cấp giấy bào chữa.

“Việc bị can từ chối luật sư bào chữa trong quá trình điều tra là rất bất thường và thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa trở thành rào cản lớn nhất đối với quá trình bào chữa của luật sư”, ông Hoài nói.

Luật sư Hoài đề nghị dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi đã có quy định luật sư được gặp và hỏi bị can, nên đề nghị quy định rõ về việc luật sư được gặp bị can, bị cáo một cách chủ động chứ không phụ thuộc vào cơ quan điều tra.

“Giai đoạn khó nhất và luật sư không bảo vệ gì được cho khách hàng chính là giai đoạn điều tra. Thực tế khi tiếp xúc với các bị can trong quá trình điều tra chúng tôi không được tư vấn, trao đổi, không biết chứng cứ buộc tội với bị can thế nào?”, ông Hoài nói.

Luật sư cũng dẫn chứng năm 1987 pháp lệnh về luật sư có quy định về luật sư có quyền gặp riêng bị can nhưng Bộ luật tố tụng hình sự ngày càng tụt lùi, và đến giờ thì quyền gặp bị can riêng của luật sư không còn.

Luật sư Hoài đề nghị luật quy định cụ thể về quyền gặp riêng bị can của luật sư và quy định thêm quyền miễn trừ đối với luật sư bởi trong nhiều trường hợp luật sư tham gia tố tụng bị kiến nghị điều tra khởi tố dù luật sư không vi phạm pháp luật hay vu khống.

100% bị can yêu cầu luật sư sau khi đã kết thúc điều tra

Luật sư Phan Trung Hoài cũng đã chuyển cho bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm UBTP Quốc hội, bảy hồ sơ bị can từ chối luật sư do các luật sư đồng nghiệp chuyển cho ông.

Sau khi coi xong các hồ sơ này, bà Nga đặt vấn đề: “Sáu trường hợp người tạm giam từ chối, một cơ quan điều tra trả lời là chưa khởi tố nên chưa cho tiếp xúc. Theo tôi, sáu trường hợp từ chối là vấn đề nan giải, dù đây có đơn từ chối nhưng còn lý do vì sao từ chối thì chúng ta không biết? Liệu có quyền ép bị can phải có lý do từ chối luật sư không?".

Ngay sau thắc mắc của bà Nga, ông Phan Trung Hoài cung cấp thêm thông tin: “100% số bị can đã từ chối luật sư trong giai đoạn điều tra nhưng khi kết thúc điều tra lại đều đề nghị luật sư bào chữa cho họ”.

Bà Nga cũng đặt vấn đề: "Chúng ta chờ đợi sự tự giác của những người tham gia tố tụng để tránh oan sai hay cần có thiết chế chặt chẽ? Tôi cho rằng pháp luật không thể chờ vào sự tự giác, chúng ta chỉ hi vọng vào lương tâm đạo đức của người tiến hành tố tụng thì đã đảm bảo chưa?".

Cứ gặp luật sư xong là phản cung!

Đại tá Đoàn Tất Kỉnh, phó Chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, nói rằng rất chia sẻ với ý kiến của luật sư Phan Trung Hoài trong vấn đề cấp giấy chứng nhận về bào chữa.

Theo đại tá Kỉnh, hiến pháp quy định quyền nhờ người bào chữa là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ. Quyền bào chữa chỉ phát sinh khi người đó mời.

Theo luật người ta được từ chối, vậy điều tra viên căn cứ vào văn bản của thông tư 70 và nghị quyết của hội đồng thẩm phán TAND tối cao quy định là thân nhân của bị can có quyền mời luật sư nhưng phải lấy ý kiến của bị can. 

Tại hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) đề nghị nếu luật sư thu thập được chứng cứ thì nộp cho tòa, không nộp cho cơ quan điều tra.

Về đề nghị này, đại tá Kỉnh cho rằng: “Như vậy là luật sư không tin cơ quan điều tra. Các điều tra viên nói với tôi cứ luật sư vào gặp bị can là bị can phản cung. Như vậy hai bên đều có vấn đề. Cần phải có cơ chế tin tưởng giữa người bào chữa và điều tra viên”.

Về việc bị can từ chối luật sư trong giai đoạn điều tra nhưng sau đó lại mời luật sư sau khi quá trình điều tra kết thúc, đại tá Kỉnh đề nghị ông Trần Công Phàn (phó viện trưởng Viện KSND tối cao) cho kiểm sát viên hỏi lại tất cả những trường hợp từ chối luật sư xem có khuất tất gì không. 

Đại tá Đoàn Tất Kỉnh, phó Chánh văn phòng cơ quan điều tra Bộ Công an, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Hoàng Điệp
Bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, điều hành hội thảo - Ảnh: Hoàng Điệp
HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên