14/03/2017 09:03 GMT+7

'Nhiều người khoe danh hiệu này kia nhưng phải đóng tiền'

THÁI LỘC - VŨ VIẾT TUÂN
THÁI LỘC - VŨ VIẾT TUÂN

TTO - TS Trần Hữu Sơn - phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN nhận xét về thực trạng xét tặng danh hiệu "vàng thau lẫn lộn' hiện nay như vậy.

*** Error ***
Từ trái sang: các nghệ nhân Hoàng Thị Như Huy, Nguyễn Thị Mẫn, Lê Hoành Khánh và Trần Hữu Nhơn được tôn vinh vào cuối năm 2008 - Ảnh: THÁI LỘC

Câu chuyện Bộ VH-TT&DL chỉ đạo các hội dừng việc cấp chứng nhận tôn vinh các danh hiệu - trong đó có danh hiệu nghệ nhân dân gian - đặt ra nhiều vấn đề cần nhìn nhận lại...

Nhiều ý kiến cho rằng văn bản của bộ không cụ thể, rõ ràng, đồng thời cũng có ý kiến nói không nên đánh đồng giữa các hoạt động/danh hiệu tích cực và hoạt động/danh hiệu có tiêu cực...

Hội tặng thêm tiền cho nghệ nhân

Cho đến nay, TS Trần Hữu Sơn - phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN - cho biết đã trao bằng công nhận và tổ chức vinh danh cho gần 600 nghệ nhân thuộc rất nhiều ngành nghề. Ông khẳng định rằng đơn vị này không thu tiền, thậm chí còn tặng thêm tiền cho các nghệ nhân.

Chứng thực điều này, nghệ nhân nghề thêu truyền thống Lê Văn Kinh (89 tuổi, TP Huế) - một trong 15 người được Hội Văn nghệ dân gian phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian đợt đầu năm 2003 - cho biết hội này không những không thu mà còn trao cho ông 600.000 đồng lúc nhận bằng và tôn vinh. Thời điểm ấy, số tiền này đối với ông là rất lớn.

Ông Kinh kể: “Khi được phong tặng nghệ nhân dân gian và được tổ chức vinh danh, tôi đã vô cùng xúc động và vinh dự vì tay nghề được trân trọng, nâng niu một cách kịp thời và đúng mực. ]

Lúc nhận bằng công nhận, tôi còn được chủ tịch hội là GS Tô Ngọc Thanh trao 600.000 đồng. Số tiền ấy là rất lớn đối với chúng tôi, nó vừa có giá trị vật chất vừa có giá trị động viên tinh thần rất lớn, trong tình cảnh trước đó chúng tôi tưởng chừng đã bị lãng quên.

Tôi khẳng định không hề đóng một đồng nào cả. Từ đó đến nay, các nghệ nhân chúng tôi vẫn sinh hoạt đều đặn ở hội, được tạo điều kiện gặp gỡ, đi đây đi đó, được nhiều lần gặp gỡ các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là được khích lệ, động viên trong việc trao truyền và phổ biến nghề của mình”.

Theo TS Sơn, trong tình hình hiện nay, việc phong tặng danh hiệu của một số hội và tổ chức đang tràn lan, lộn xộn: “Tôi đi đến đâu cũng thấy rất nhiều người khoe được phong tặng danh hiệu này danh hiệu kia nhưng đều phải đóng tiền. Chuyện ấy là không được phép. Dù bây giờ là cơ chế thị trường thì cũng không tổ chức hội nào được phép lợi dụng để bắt người dân, bắt nghệ nhân, ban quản lý di tích phải đóng tiền”.

Ông Sơn còn cho rằng chính tác động của việc phong tặng nghệ nhân dân gian của hội mà Bộ VH-TT&DL mới tham mưu cho Chính phủ tổ chức tặng thưởng danh hiệu này. Tuy nhiên, rất tiếc là khi bộ thực hiện được thì đã quá muộn. Ông cũng đồng thời nghi ngờ về căn cứ pháp lý trong câu chuyện “dẹp loạn”...

Cần một quy chế hướng dẫn?

Nghệ nhân Lê Văn Kinh đề nghị: “Bộ VH-TT&DL nên tìm hiểu kỹ danh hiệu nào của hội nào có vấn đề tiêu cực thì nên có biện pháp loại bỏ, danh hiệu nào của hội nào tích cực và cần thiết thì nên khuyến khích hoạt động”.

TS Trần Hữu Sơn cho rằng nếu “dẹp loạn” tình trạng trao tặng danh hiệu tràn lan thì “cần phải có một cơ quan có thẩm quyền ra khuyến nghị nghiêm cấm tất cả các tổ chức hội khi trao tặng danh hiệu này, danh hiệu khác đều không được phép thu tiền. Nếu phát hiện thu tiền thì xử lý nghiêm. Nếu làm được như vậy, tôi tin chắc rất nhiều đơn vị sẽ từ bỏ việc trao tặng danh hiệu tràn lan.

Tôi biết nhiều tổ chức coi đó là một nguồn thu, rồi bổ sung vào quỹ của hội một cách trái phép. Nếu bây giờ các cơ quan điều tra, tôi dám chắc rằng sẽ có rất nhiều hiện tượng như vậy. Ăn theo các hội này có hàng loạt công ty, trung tâm sự kiện... dẫn đến tình trạng có rất nhiều đơn vị đề nghị chúng tôi đứng ra trao tặng danh hiệu để thu tiền. Nhưng chúng tôi kiên quyết không làm”.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc chấn chỉnh tình trạng “loạn danh hiệu, tùy tiện vinh danh” là cần thiết. Song cách làm của Bộ VH-TT&DL thông qua văn bản vừa ban hành là mang tính đối phó, theo kiểu “không quản được thì cấm”.

Điều này thông qua viện dẫn các quy định pháp lý không chặt chẽ, thiếu thống nhất. Ông nhìn nhận cách làm của Hội Văn nghệ dân gian là tích cực, dẫn đến sự kiện sau này Nhà nước có chính sách công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian ưu tú, Nghệ nhân dân gian nhân dân.

“Trước những hiện tượng lệch lạc vừa qua, lẽ ra Bộ VH-TT&DL nên ban hành quy chế hướng dẫn các tổ chức xã hội muốn vinh danh gì thì phải thực hiện đúng quy định về danh hiệu được sử dụng (không được sử dụng danh hiệu mang tính quốc gia, quốc tế chẳng hạn), mỗi danh hiệu có tiêu chí rõ ràng, có trình tự đề xuất và thẩm định đủ thẩm quyền lẫn uy tín khoa học, có chính sách khen thưởng đi kèm với danh hiệu, có những điều ngăn ngừa việc lạm dụng vinh danh danh hiệu... Có thể trước mắt bộ nên bàn dự thảo để lấy ý kiến các tổ chức và chuyên gia trước khi ban hành chính thức” - ông Hoa góp ý.

Danh và thực

“Tất nhiên, có một vấn đề lớn hơn là sự tương hợp giữa “DANH” và “THỰC”. Mọi sự vinh danh, kể cả những vinh danh của các tổ chức nhà nước, nếu làm tùy tiện, mang tính hình thức thì người được vinh danh cũng chẳng được xã hội tôn trọng.

Đã có không ít văn nghệ sĩ từng từ chối lập hồ sơ xin được vinh danh. Hàng chục ngàn công trình được các tổ chức nhà nước công nhận là di tích nhưng thực tế chẳng mấy ai quan tâm. Tôi nghĩ đã đến lúc cần nhìn nhận những giá trị văn hóa một cách căn cơ hơn mới ngăn chặn được những hiện tượng lệch lạc và xuống cấp về văn hóa trong xã hội hiện nay”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa

“Quản lý nhà nước là thiết lập hành lang pháp lý, là “kiến tạo” để khuyến khích các tổ chức xã hội và người dân cùng tham gia gìn giữ và phát triển văn hóa đất nước chứ không phải ngăn cấm từng vụ việc cụ thể!

Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN HOA
THÁI LỘC - VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên