Nhiều khu đô thị "trắng" trường học

VĨNH HÀ - THƯ HIÊN
VĨNH HÀ - THƯ HIÊN

TT - Năm học mới vừa bắt đầu, nhưng ở nhiều khu đô thị tại Hà Nội tình cảnh “trắng” trường học vẫn tiếp diễn.

Read this on Tuoitrenews.vn

1rn7TmWJ.jpgPhóng to
Theo quy hoạch, khu đô thị Việt Hưng có cả nhà trẻ, trường THCS, THPT, nhưng đến nay ở đây chỉ có một trường mẫu giáo đang trong quá trình xây dựng - Ảnh: Việt Dũng

Luật giáo dục quy định mỗi phường phải có một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường THCS. Theo đó, các khu đô thị mới tại Hà Nội có dân số trung bình từ 10.000-15.000 người trở lên, tương đương với số dân một phường ở Hà Nội, cũng cần có trường công lập đủ ở ba cấp học.

Dân đã ở nhưng trường thì chưa

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, ở 25 khu đô thị, khu nhà ở, khu tái định cư mới của thành phố, hiện còn thiếu gần 60 trường công lập từ cấp mầm non đến THCS, trong đó mầm non là 21 trường, tiểu học 20 trường và THCS 18 trường. Nếu tính cả các trường tư thục, mầm non, vẫn đang có tới 13 khu đô thị, khu tái định cư không có trường mầm non, 11 khu đô thị không có trường tiểu học và 10 khu đô thị không có trường THCS.

Thế nhưng, có nhiều khu đô thị đã hoàn thành, có dân đến ở gần chục năm qua như khu đô thị Định Công vẫn không có trường cả công lẫn tư. Còn các khu đô thị Đại Kim, Linh Đàm, Trung Hòa - Nhân Chính... có dân đến ở 7-10 năm qua, nay mới chỉ “lấp khoảng trống” bằng trường tư, không có bóng dáng trường công lập.

Có đến tám khu đô thị mới hiện đã có dân đến ở nhưng vẫn “trắng” trường cả ba bậc mầm non, tiểu học, THCS, như các khu đô thị Văn Phú, Phú La, Thạch Bàn, Văn Khê, Sài Đồng, Việt Hưng, Mỹ Đình - Mễ Trì...

Trong quy hoạch, khu đô thị Việt Hưng (Q.Long Biên) được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, quy mô 35.000 dân. Theo quy hoạch, khu đô thị này có nhà trẻ, trường THCS, THPT. Hiện đã có dân về sinh sống nhưng trường học thì vẫn... chưa. Đến thời điểm tựu trường năm học này, ở đây chỉ có một trường mẫu giáo đang được xây dựng. Tương tự, những khu đô thị Văn Phú, Phú La, Thạch Bàn... nhà ở đã bán cho dân nhưng trường chưa biết đến bao giờ mới có.

Nhà ở đi trước, trường học chờ... đầu tư

Ngành GD-ĐT nhiều năm nay đều phải chạy theo các nhà đầu tư khu đô thị, để giải quyết hậu quả bằng cách bố trí phân tuyến ở các trường học lân cận để trẻ ở khu đô thị mới, khu tái định cư có cơ hội được đến lớp. Chính vì vậy hằng năm trước mùa khai giảng, lãnh đạo ngành GD-ĐT các quận, huyện của Hà Nội lại làm cuộc rà soát nhu cầu học của các khu dân cư mới. Rà soát rồi kiến nghị, kiến nghị rồi chờ đợi, còn việc của ngành giáo dục thì ngành vẫn phải lo. Giải pháp duy nhất vẫn là điều chỉnh phân tuyến, trường cũ khoác thêm gánh nặng mới.

Trưởng Phòng GD-ĐT quận Long Biên Đặng Việt Hà kể: từ khi khu đô thị Việt Hưng có dân đến ở, các trường mầm non, tiểu học, THCS trong quận phải gánh thêm số học sinh mới, biết là quá tải nhưng cũng không có sự lựa chọn khác. Còn theo ông Nguyễn Văn Lâm - chủ tịch UBND xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm), trường học trong xã chỉ đáp ứng nhu cầu đi học của 42.000 dân, nhưng sau khi có khu đô thị mới, phải gánh thêm nhu cầu của 60.000 dân nữa. Trường mới không thêm thì trường cũ phải cố “gồng lên mà gánh”.

Bà Bùi Thị Vân Anh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy - địa bàn tập trung nhiều khu đô thị mới, cho biết: “Ngành GD-ĐT không được mời tham gia họp bàn về quy hoạch khu đô thị mới. Việc xây dựng trường thế nào, công hay tư, quy mô ra sao, bao giờ có trường... chúng tôi cũng không được rõ. Chỉ đến khi người ta giao trường cho mình quản lý thì mới biết”.

VĨNH HÀ - THƯ HIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên