![]() |
HS lớp 7 Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM - đối tượng được xếp loại theo hướng dẫn mới của Bộ GD-ĐT |
Chương trình THCS thí điểm này áp dụng cho 6, 7 (đại trà) và 8, 9 tại 12 tỉnh, thành (ở TP.HCM là quận 3). Văn bản được ban hành từ đầu năm học, thế nhưng cho đến khi năm học sắp kết thúc, các giáo viên mới phát hiện nhiều điểm bất hợp lý, rối rắm từ văn bản này và những “phiên bản” hướng dẫn tiếp theo, khiến không ít HS bị rơi từ học lực trung bình xuống... yếu!
Giỏi + đạt = đạt?!
Trong chương trình thí điểm, ngoài các môn học được đánh giá bằng định lượng (có cho điểm), có ba môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục được đánh giá định tính: bài kiểm tra của HS không cho điểm mà được xếp thành bốn loại giỏi, khá, đạt, chưa đạt dựa vào mức độ thực hiện yêu cầu và nội dung bài kiểm tra. Cũng như cách đánh giá mới ở tiểu học, việc đánh giá này cũng nhằm giảm áp lực học tập cho HS ở những môn thuộc về năng khiếu mà không phải HS nào cũng có.
Từ cách đánh giá này, HS sẽ được xếp loại học kỳ và dựa vào hai học kỳ để xếp loại cả năm. Cụ thể: HS được xếp loại giỏi cả năm nếu có ít nhất một học kỳ loại giỏi, học kỳ còn lại loại khá; nếu cả hai học kỳ xếp loại khá thì cả năm loại khá; nếu cả hai học kỳ loại “đạt” hoặc ít nhất một học kỳ trung bình trở lên, học kỳ kia chưa đạt thì được xếp loại “đạt”; và những trường hợp còn lại thuộc loại “chưa đạt”.
Nhưng rắc rối bắt đầu xảy ra khi thực tế xuất hiện nhiều tình huống không được văn bản đề cập đến như “nếu một học kỳ khá hoặc giỏi, còn học kỳ kia chỉ đạt thì thế nào? Giải quyết những tình huống này, mỗi quận đều có cách hướng dẫn nhưng chủ yếu phải chọn loại... thấp trong hai học kỳ để xếp loại cả năm, nghĩa là trong trường hợp trên HS chỉ được xếp loại đạt!
Bi kịch không chỉ xảy ra đối với những HS có học lực không ổn định ở các môn này mà còn tùy thuộc ít nhiều vào yếu tố cảm tính của giáo viên (GV). Bởi đội ngũ GV nhạc, mỹ thuật của TP.HCM hiện vừa thiếu vừa chủ yếu là tay ngang (GV phổ thông được đào tạo cấp tốc, bổ sung để dạy các môn trên, GV chưa đủ chuẩn...) nên việc giảng dạy và đánh giá của mỗi GV luôn có sự sai lệch nhất định và vì thế khó có thể chính xác.
Văn bản một đường, hiểu một nẻo!
Trong khi đó kết quả xếp loại các môn này lại liên quan đến xếp loại chung về học lực. Theo văn bản 7713, HS được xếp loại học lực (giỏi, khá, trung bình, yếu) phải dựa trên hai tiêu chuẩn: tiêu chuẩn về điểm trung bình môn học (ở các môn cho điểm) và tiêu chuẩn về xếp loại các môn học chỉ xếp loại (ở ba môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục).
Cụ thể: trường hợp HS được xếp loại giỏi cả năm, “nếu 2/3 số môn học tính điểm trung bình có điểm trung bình cả năm đạt từ 8,0 trở lên, các môn còn lại đạt từ 6,5 trở lên trong đó chỉ có một môn là toán hoặc ngữ văn; đồng thời có ít nhất 2/3 môn học xếp loại cả năm đạt loại giỏi, các môn học xếp loại còn lại đều đạt khá”...
Trong văn bản này, bộ còn lưu ý rất kỹ về quan hệ hỗ tương lẫn nhau của hai tiêu chuẩn này để có sự hợp lý hơn trong đánh giá hai dạng môn học cho điểm và xếp loại: “Nếu do một trong hai tiêu chuẩn trên mà HS bị xếp loại thấp xuống hai bậc thì được điều chỉnh thấp hơn một bậc, nếu thấp xuống ba bậc thì được điều chỉnh thấp hơn hai bậc”.
Văn bản bộ là thế nhưng khi đưa xuống phòng giáo dục, có lẽ do gặp phải thực tế “muôn màu muôn vẻ” nên nhiều nơi đã “hướng dẫn bổ sung” theo một cách riêng. Như trường hợp ở quận 2, TP.HCM, trong hướng dẫn bổ sung ở đây được nhấn mạnh “trường hợp hạ thấp hơn một bậc hoặc hai bậc chỉ áp dụng trong phạm vi từng tiêu chuẩn nêu trên”.
Hướng dẫn này được các trường lý giải như sau: “Nếu HS có điểm trung bình các môn học (tiêu chuẩn 1) cả năm đạt loại giỏi, nhưng các môn học xếp loại (tiêu chuẩn 2) đều chưa đạt, HS từ loại giỏi vẫn bị rơi xuống loại yếu mà không được điều chỉnh lên một bậc” vì “hướng dẫn của phòng giáo dục chỉ được điều chỉnh trong phạm vi từng tiêu chuẩn”.
Từ việc rớt bậc ở cách đánh giá tiêu chuẩn môn xếp loại, khi đánh giá chung hai tiêu chuẩn, HS lại bị “rớt” tiếp vì cách diễn giải này. Trong đó, có không ít HS từ xếp loại trung bình phải rơi xuống yếu và tất nhiên phải thi lại. Có trường mỗi lớp có 2-5 HS rơi vào tình trạng trên một cách oan uổng.
Trước thực tế này, mới đây Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản bổ sung, điều chỉnh việc xếp loại các môn âm nhạc, mỹ thuật và thể dục, trong đó qui định rõ thêm những “tình huống” mà Bộ GD-ĐT chưa lường hết: học kỳ I “đạt”, học kỳ II “khá” - cả năm “khá”; học kỳ I “khá”, học kỳ II “đạt” - cả năm “đạt”; học kỳ I “giỏi”, học kỳ II “đạt” - cả năm “khá”.
Theo các GV, qui định này chừng mực nào đó có bớt “bất công” hơn cho HS nhưng vẫn chưa gọi là hoàn toàn hợp lý khi chỉ lấy kết quả học kỳ cuối làm kết quả chung (trong trường hợp chỉ chênh lệch một bậc xếp loại ở hai học kỳ), thay vì lấy điểm trung bình cộng của hai học kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận