* Hôm nay bắt đầu kiểm tra các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sữa* Hà Nội, TP.HCM, Huế: thu giữ nhiều bột sữa không rõ nguồn gốc * Tăng cường kiểm soát sữa trong các trường học
![]() |
Cán bộ Đội quản lý thị trường 10B tịch thu những bao sữa bột không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc của Công ty TNHH Đức Long Hãng (TP.HCM) - Ảnh: MINH ĐỨC |
Cũng tại Công ty Hoàng Lâm, đoàn thanh tra phát hiện năm 2007 công ty đã nhập 42 tấn sữa nguyên kem từ Công ty Weihai Jinbao Dairying, Trung Quốc. Ngày 16-1-2008, khi hàng về đến VN, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu công ty làm thủ tục công bố tiêu chuẩn chất lượng trước khi bán ra thị trường, tuy nhiên Công ty Hoàng Lâm đã bán hết 42 tấn sữa kể trên mà không làm thủ tục này.
Trong đó có 18 tấn bán cho Công ty Anco (Ba Vì, Hà Nội) sản xuất sữa tiệt trùng, sữa chua..., còn lại bán cho một số doanh nghiệp lớn phía Nam, làng nghề sản xuất bánh kẹo ở Hà Nội. Đoàn thanh tra đã yêu cầu Công ty Hoàng Lâm thu hồi 2 tấn sữa nguyên liệu còn tồn tại Công ty Anco, thông báo với toàn bộ khách hàng việc thu hồi sản phẩm. Trong trường hợp kiểm nghiệm mẫu sữa trên có chất gây sạn thận, công ty phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Bộ Y tế thành lập hai đoàn thanh tra
![]() |
Đoàn thanh tra kiểm tra tại Công ty Hoàng Lâm, Hà Nội. Tại kho của công ty còn 25 tấn kem không sữa xuất xứ Trung Quốc, chưa có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng - Ảnh: PHƯƠNG ANH |
Cùng ngày, trước thông tin hiện có hơn 10 doanh nghiệp ở Hà Nội và TP.HCM nhập sữa nguyên liệu từ Trung Quốc qua cảng Hải Phòng, cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã ký quyết định thành lập hai đoàn thanh tra do các ông Bùi Đức Phong và Nguyễn Văn Nhường - phó chánh thanh tra Bộ Y tế - làm trưởng đoàn.
Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa và sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sữa ở Hà Nội và TP.HCM từ hôm nay (24-9). Đồng thời lấy mẫu sản phẩm, bán thành phẩm, nguyên liệu, phụ gia gửi đến Viện Dinh dưỡng, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM kiểm nghiệm.
Tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, sau khi Tuổi Trẻ phát hiện có 18 tấn sữa tươi YiLi - một trong 22 nhãn sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc - được nhập khẩu vào VN, lãnh đạo cục này mới thống kê và cho biết không chỉ YiLi mà đã có tới 11 loại sữa Trung Quốc khác được nhập khẩu chính thức vào VN. Trong số này có hai loại sữa bột, ba loại sữa nguyên liệu và sáu loại sữa tiệt trùng. Tuy nhiên, ông Hoàng Thủy Tiến - phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - cho rằng chỉ có YiLi nằm trong danh sách 22 nhãn sữa nhiễm melamine.
Chiều qua, Tuổi Trẻ đã trao đổi với tân cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Công Khẩn về việc hồ sơ công bố tiêu chuẩn sữa tiệt trùng YiLi bị thất lạc, cùng chuyện lãnh đạo cục “quên” việc có tới 11 nhãn sữa Trung Quốc đã nhập khẩu vào VN, vì ngay cuối tuần trước Cục An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn khẳng định “chưa có sữa Trung Quốc nhập khẩu vào VN”!.
Ông Khẩn nói: “Đây là điều chúng tôi phải chấn chỉnh. Chúng tôi đang nghiêm túc xem xét có còn hay không sữa Trung Quốc đã được nhập khẩu chính thức vào VN, sữa đó có nằm trong danh sách nhiễm melamine hay chưa... trong thời gian ngắn. Hôm 22-9, sau khi có thông tin YiLi đã được nhập vào VN, chúng tôi nhanh chóng tổ chức tìm kiếm nhưng do có tới hàng vạn hồ sơ gửi đến cục nên việc tìm kiếm có kéo dài hơn, bây giờ đã tìm thấy”.
Phát hiện thêm nhiều sữa không rõ nguồn gốc
Tại TP.HCM, chiều 23-9 Đội quản lý thị trường Q.10 đã kiểm tra xe chở hàng của Công ty TNHH Đức Long Hãng (278/22 Tô Hiến Thành, Q.10), phát hiện trên xe có khoảng 90 bao bột sữa trọng lượng 25kg/bao. Trong đó có một loại chỉ là bao bì trơn, bên ngoài dòng chữ trên đềcan ghi “WMP - 26, Blended power”. Loại còn lại hiệu Farm Cow với phần dinh dưỡng khá chi tiết nhưng không ghi rõ nơi sản xuất, chỉ ghi xuất xứ Malaysia.
Tiếp tục kiểm tra trụ sở công ty, cơ quan chức năng tìm thấy thêm 40 bao bột sữa, trong đó có 28 bao hiệu Farm Cow. Toàn bộ số hàng nói trên công ty không đưa ra được hồ sơ chứng từ liên quan. Hiện số hàng này đã bị tạm giữ chờ xử lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 23-9, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết lô hàng sữa bột hiệu Kana có trọng lượng 250kg chưa rõ nguồn gốc xuất xứ do đội quản lý thị trường số 4 thuộc chi cục thu giữ đã được nhập kho chờ hội đồng các cơ quan tỉnh cho ý kiến xử lý, nhiều khả năng số sữa này sẽ bị tiêu hủy trong nay mai. Trước đó sáng 19-9, đội quản lý thị trường đã kiểm tra và thu giữ 250kg sữa vô chủ này đựng trong 10 bao (loại bao 25kg) bỏ ở ngã ba Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ (P.An Đông, TP Huế). Tại đây, đội cũng tiến hành thu giữ khoảng 100kg sữa bột hiệu Citric Acid xuất xứ từ Trung Quốc không có hóa đơn chứng từ và vô chủ! Đến chiều 23-9, cả hai loại sữa thu giữ trên vẫn chưa có ai đến nhận.
Tập đoàn Sanlu (Tam Lộc) ém thông tin
* Ngày 23-9, Tân Hoa xã dẫn nguồn thông tin từ tổ điều tra sự kiện sữa bột Sanlu xác nhận kết quả điều tra ban đầu cho thấy Tập đoàn Sanlu đã liên tục nhận được phản ảnh từ người tiêu dùng về tình trạng trẻ nhập viện sau khi sử dụng sữa của tập đoàn này từ tháng 12-2007, chứ không phải từ tháng 3-2008 như báo chí đưa tin trong những ngày qua. Động thái này đặt ra mối nghi ngờ lớn về vấn đề bưng bít thông tin. Theo Đài truyền hình CCTV, ngay từ tháng 6-2008 Tập đoàn Sanlu đã tự kiểm tra và phát hiện sản phẩm sữa của họ nhiễm melamine, tuy nhiên vẫn không chịu lên tiếng báo với các cơ quan chức năng ngay lúc đó mà đợi đến hai tháng sau (2-8) mới báo lên chính quyền TP Thạch Gia Trang. Chính quyền TP Thạch Gia Trang sau khi tiếp nhận thông tin, 38 ngày sau (9-9) mới báo lên cấp tỉnh nhưng không báo cho quốc vụ viện cũng như các cơ quan chức năng của quốc vụ viện theo quy định. * Đã có thêm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoặc thu hồi sản phẩm sữa từ Trung Quốc. Ngày 22-9, lãnh thổ Đài Loan, Hong Kong, Canada, Indonesia, Philippines, Bờ Biển Ngà, Burundi, Tanzania... đã ra lệnh cấm nhập khẩu hoặc bán các sản phẩm sữa có xuất xứ từ Trung Quốc. * Theo CCTV, ông Lý Trường Giang - tổng cục trưởng Tổng cục Giám sát, quản lý và kiểm dịch - và Bí thư Thành ủy Thạch Gia Trang Ngô Hiển Quốc đã bị cách chức vì liên đới trách nhiệm trong vụ bê bối sữa. * Theo TTXVN, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 23-9, phó giáo sư sinh hóa Trần Kính Minh thuộc Trường ĐH Trung Quốc (Hong Kong) cho biết chất melamine đã được sử dụng làm thuốc trừ sâu ở Trung Quốc và có thể có trong nhiều loại thực phẩm trên thị trường từ lâu. Theo phó giáo sư Trần Kính Minh, việc sử dụng cyromazine, một dẫn xuất của chất melamine, làm thuốc trừ sâu rất thông dụng tại Trung Quốc. |
---------------
Một số trường mầm non thay bữa sữa của trẻ
Tại các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn TP.HCM, sau khi có thông tin về sữa Trung Quốc nhiễm melamine, một số trường đã ngưng cho trẻ uống sữa hoặc thay các món yaourt, bánh flan, bánh kem trong bữa ăn xế bằng trái cây tươi. Tại Trường mẫu giáo tư thục Phù Đổng (Q.Tân Bình), nhà trường không cung cấp sữa cho trẻ mà phụ huynh trực tiếp gửi sữa vào cho con (bằng bình sữa pha sẵn, sữa hộp giấy, sữa bột), các cô bảo mẫu thường rất khó biết nguồn gốc và chất lượng của các loại sữa này.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, trưởng Phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Sở sẽ có công văn nhắc nhở, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình. Khuyến cáo bếp ăn các trường không sử dụng sữa trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Thông tin về sữa tươi YiLi bán tại VN có melamine đã khiến nhiều phụ huynh có con trong tuổi mầm non ở Hà Nội lo lắng.Tại Trường Chim Non (Q.Hai Bà Trưng), bà Đoàn Thị Minh Nguyệt cho biết để đảm bảo an toàn cho trẻ, trường chỉ mua sữa cao cấp, giá rất đắt. Tuy nhiên, bà Nguyệt cũng bày tỏ lo ngại: nhiều phụ huynh khi đưa con đến trường vẫn gửi kèm sữa, bánh ngọt mua trên đường, những sản phẩm này trường không kiểm soát được. Trong khi đó, người phụ trách Trường tư thục Sunrise - Bắc Linh Đàm (Q.Hoàng Mai) cho biết sau khi có thông tin về sữa Trung Quốc, trường đã cắt luôn bữa sữa trong thực đơn bữa phụ buổi sáng của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ các cháu tự mang sữa đến. Đồng thời yêu cầu cấp dưỡng của trường tự làm sữa chua, kem caramen từ sữa đặc Ông Thọ ngay tại trường để đảm bảo an toàn.
Nhiều cô dạy trẻ ở các trường mầm non, mẫu giáo tại các tỉnh ĐBSCL rất dè dặt khi chọn sữa cho các bé uống. Nhiều trường mẫu giáo cho biết không dám cho các bé uống sữa không có nguồn gốc rõ ràng khi chưa được sự đồng ý của cha mẹ các bé. Ngày 23-9, UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, điểm nuôi dạy trẻ để bảo đảm an toàn trong việc sử dụng sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa.
Tăng cường kiểm soát sữa trong các trường học Ngày 23-9, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Giáo dục - đào tạo đề nghị chỉ đạo phòng giáo dục các quận huyện, hiệu trưởng các trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc sữa và các sản phẩm sữa đang được sử dụng trong trường học. Các bếp ăn tập thể, căngtin tại các trường học chỉ được sử dụng sữa và sản phẩm sữa từ các công ty cung cấp đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, có thương hiệu uy tín trên thị trường để cung cấp, phục vụ học sinh. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm sữa có melamine của các công ty sữa Trung Quốc đã được công bố trên báo đài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận