24/06/2017 08:00 GMT+7

​Nhiều biến chứng từ bệnh giun chui ống mật

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định

Bệnh giun chui ống mật hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Những trường hợp giun chui ống mật đa số có tiền sử nhiễm giun đường tiêu hóa.

Người bệnh thường đi cầu ra giun, nôn ra giun, có trứng giun trong phân. Giun có ở đường mật và gan do giun trưởng thành chui lên ống mật hoặc trứng giun nở trong đường mật.

Giun chui ống mật gây nhiều nguy hiểm đến sức khỏe, tiến triển cấp tính hoặc mạn tính. Thể cấp tính tiến triển nhanh thường gặp ở trẻ em, cùng một lúc có thể gặp những tổn thương của cả ống mật, túi mật và gan ở những mức độ khác nhau. Thể mạn tính gặp ở lứa tuổi lớn hơn và ở người lớn, diễn biến chậm hơn và di chứng kéo dài nhiều năm.

Các dấu hiệu của bệnh lý giun chui ống mật là cơn đau bụng gan dữ dội, đột ngột. Bệnh nhân đau cạnh ức và dưới sườn phải từng cơn lăn lộn, chổng mông, trẻ em bắt bế vác lên vai. Nôn nhiều, có khi nôn ra giun. Lâm sàng có phản ứng ở dưới sườn phải, cạnh ức đau, gan và túi mật bình thường, không vàng da, vàng mắt, tình trạng toàn thân chưa thay đổi rõ rệt. Tiền sử nhiễm giun đường tiêu hóa. Siêu âm bụng có thể thấy giun đũa trong đường mật, hình ảnh giống đường ray xe lửa.

Đáng chú ý, người bệnh thường nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng đường mật: cơn đau với tính đặc hiệu như thời gian kéo dài từ 5-10 phút đến nửa giờ, thời gian cách quãng giữa các cơn đau thất thường với tính chất đau đặc hiệu, tư thế giảm đau đó là tư thế gối ngực. Hai điểm đau nhói đặc biệt là sườn lưng trái và cạnh ức. Sốt kiểu nhiễm trùng: nhiệt độ dao động nhưng buổi chiều thường trên 39 độ C, sốt cao kèm rét run. Bệnh nhân biếng ăn, thể trạng nhiễm trùng, môi khô, lưỡi bẩn.

Giun chui lên ống mật đơn thuần dẫn đến viêm nhiễm đường mật, áp-xe gan, sỏi ống mật và sỏi trong gan, phì đại - xơ hóa gan. Bên cạnh đó là các biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như: áp-xe phổi, đường mật và dưới cơ hoành; chảy máu đường mật, viêm phúc mạc, viêm mủ màng phổi; phù tụy cấp và viêm tụy cấp do giun; viêm mủ màng tim (hiếm gặp).

Bệnh lý giun chui ống mật điều trị nội khoa dùng thuốc tẩy giun, thuốc giãn cơ Oddi, dùng thuốc lợi mật, kháng sinh. Với điều trị ngoại khoa, có mở ống mật chủ lấy giun và dẫn lưu, dẫn lưu ổ áp-xe, cắt túi mật, mở tá tràng.

Để phòng bệnh, nên tẩy giun định kỳ, ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng và khám sức khỏe khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên