31/10/2017 15:58 GMT+7

Nhiều bài học sau hai thập kỷ bão Linda đi qua

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Tròn hai thập kỷ bão Linda đổ bộ vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày 2-11-1997, cơn bão này vẫn là nỗi ám ảnh với công tác phòng chống thiên tai khi thiệt hại từ bão này làm 778 người chết, 2.123 người mất tích.

Nhiều bài học sau hai thập kỷ bão Linda đi qua - Ảnh 1.

Sơ đồ đường đi của bão Linda

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Quang Tính, nguyên cục trưởng Cục Đê điều (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), nguyên chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, nói điều ám ảnh duy nhất đến nay chính là sự chủ quan của chính quyền khi đó.

Ông Tính nói: "Cơn bão Linda diễn biến không phức tạp. Bão không đổi hướng, di chuyển rất chậm từ biển Đông qua bán đảo Cà Mau sang đến vùng biển miền Tây. 

Bão đi theo đường gần như thẳng, và chúng ta có đủ thời gian cảnh báo, kêu gọi dân đến nơi an toàn nhưng thiệt hại khi đó rất kinh khủng.

Bài học đau xót nhất về chỉ đạo ứng phó sau cơn bão này chính là sự mặc định, vùng này không bao giờ có bão, không lường trước được thiệt hại nên công tác chỉ đạo ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở Cà Mau lúc bấy giờ rất chủ quan.

Nhiều bài học sau hai thập kỷ bão Linda đi qua - Ảnh 2.

Ông Đặng Quang Tính, nguyên chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương - Ảnh: XUÂN LONG

* Đã 20 năm sau bão Linda, đến nay nhiều người vẫn chưa hiểu hết vì sao bão Linda gây thiệt hại nặng nề như vậy, tới 778 người chết, 2.123 người mất tích?

- Trước hết, phải nói cơn bão Linda ngày 2-11-1997 đổ bộ vào một khu vực mà cả trăm năm không có bão, đó là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Vì yếu tố này nên chính quyền và người dân địa phương cũng "quên" khái niệm vùng này có bão, không thấy sự nguy hiểm khi có bão.

Ngay nhận thức của lãnh đạo địa phương cũng thể hiện vùng này không thể có bão vào vì đây là khu vực không có bão bao giờ. 

Chính sự mặc định trong suy nghĩ như vậy, đến khi dự báo bão đổ bộ vào thì nhận thức của chính quyền, cán bộ, người dân khi đó đều không tin là bão vào nơi mình ở. Vì thế mới có chuyện khi bão Linda vào, người dân còn hồ hởi kéo nhau đi xem bão.

Ông Đặng Quang Tính, nguyên chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương: Video: XUÂN LONG

* Khi đó, việc phòng chống bão Linda đã được triển khai ra sao và đã nhìn nhận ra những nguyên nhân, bài học nào trước thiệt hại kinh khủng, thưa ông?

- Tại thời điểm đó, bão Linda cũng hình thành trên biển Đông, nhưng có phải nó nhanh đến nỗi chúng ta không có thời gian để thông báo, không có thời gian để chuẩn bị? Tôi nghĩ không đến mức như vậy.

Nếu lúc đó bão vào miền Trung hoặc miền Bắc thì sẽ khác vì ở miền Bắc có hệ thống đê biển, miền Trung có hệ thống đồi núi, nên bão vào gặp ma sát trên mặt đất sẽ tan nhanh.

Còn bão Linda vào khu vực miền Nam, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên khi bão đi qua bán đảo Cà Mau, sau đó di chuyển vào khu vực biển miền Tây vẫn giữ nguyên sức mạnh, không hề giảm cấp nên thiệt mạng rất nhiều trên vùng biển miền Tây.

Nhiều bài học sau hai thập kỷ bão Linda đi qua - Ảnh 4.

* Trước thiệt hại về người lớn như vậy, câu hỏi được đặt ra là chúng ta có dự báo được hay không?

- Nói đúng là chúng ta dự báo được, nhưng khi đó không dự báo được cấp độ rủi ro thiên tai. Luật phòng, chống thiên tai bây giờ mới đưa ra cấp độ rủi ro thiên tai, tức là khi dự báo bão, không chỉ dự báo cường độ, sức mạnh, hướng đi của bão mà phải dự báo cả vùng bão đổ bộ vào và khả năng nguy cơ xảy ra thiệt hại, người ta gọi đó là cấp độ rủi ro thiên tai.

Còn với bão Linda, lúc đó không dự báo được nguy cơ có thể xảy ra thiệt hại với vùng bão đổ bộ.

Tiếp nữa, có phải dự báo không đến với người dân, không đến chính quyền hay không? Thực tế không phải vậy. Lúc đó, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương ở ngoài Hà Nội đã chỉ đạo liên tục, chặt chẽ.

Tất nhiên, cũng có thể trách ở trung ương một phần, đó là việc không dự báo được mức độ thiệt hại. Ở trung ương, khi hiểu được bão vào khu vực có địa hình như vậy, có thể gây tổn thất rất lớn thì phải chỉ đạo quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, dù đã có chỉ đạo, cảnh báo đến các địa phương nhưng lúc đó cơ sở không hành động thì việc ứng phó làm gì có sự chủ động.

Thậm chí, công tác kiểm soát tàu thuyền ở biển miền Tây cũng không nắm chắc, bão tan rồi vẫn còn rất nhiều số liệu thống kê thiệt hại khác nhau vì không quản lý được tàu thuyền.

Và một trong những điều đau xót khi đó, đó là lãnh đạo địa phương chủ quan, không làm hết trách nhiệm, thậm chí say xỉn khi bão vào đến nỗi đồng chí Bộ trưởng, trưởng Ban chỉ đạo vào mà phải đợi hai tiếng, hết say mới ra.

Nhiều bài học sau hai thập kỷ bão Linda đi qua - Ảnh 5.

* Từ cơn bão Linda, theo ông, công tác chỉ đạo ứng phó cần phải thay đổi ra sao, đặc biệt trong bối cảnh tác động từ biến đổi khí hậu làm thiên tai diễn biến khó lường như hiện nay?

- Ngay sau bão Linda, đã phải có những thay đổi về việc quản lý trên biển với tàu thuyền và người dân. Nhất là sau bão Chanchu, khi đó Phó thủ tướng Chính phủ là ông Nguyễn Công Tạn nói phải thay đổi cách phát tin dự báo.

Lúc đó, Phó thủ tướng nói các anh cứ nói là bão gần bão xa, bão xa là xa với đất liền, nhưng lại gần với tàu thuyền trên biển nên không thể dùng tin bão xa được mà phải cung cấp tọa độ, địa điểm, đồng thời phải chỉ ra vùng nguy hiểm để ngư dân biết tránh chạy.

Những bản tin dự báo đã thay đổi, còn việc quản lý tàu thuyền cũng đã tập trung làm tốt, lực lượng bộ đội biên phòng cũng tham gia quản lý tàu thuyền chứ không chỉ một ngành thủy sản như trước, vì vậy, thiệt hại trên biển giảm đi rất nhiều.

Và quan trọng nhất là thay đổi trong chỉ đạo điều hành, nhất là ở cấp địa phương, dứt khoát không cho phép chủ quan, đặc biệt là trong bối cảnh tác động biến đổi khí hậu hiện nay. 

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên