![]() |
Trong chế biến cá tra và cá ba sa, sau khi lấy hai thớ thịt để làm những miếng phi lê dành xuất khẩu, phần còn lại gọi là phế phẩm hay phụ phẩm. ĐBSCL có 80 nhà máy, mỗi năm sử dụng trên 1 triệu tấn cá nguyên liệu sẽ cho ra 700.000 tấn phụ phẩm. Hằng ngày, lượng phụ phẩm khổng lồ đó (gồm thịt vụn, đầu, xương cá) từ các nhà máy được đưa về hàng trăm cơ sở tư nhân để... sản xuất mỡ. Mọi chuyện cũng từ đấy mà ra.
Công nghệ... lấy mỡ cá
Trong gian nhà xưởng rộng của một cơ sở chế biến cá tra ở ấp Hòa Phú 1 (thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang), các công nhân lần lượt khuân từng đống đầu, xương, thịt vụn cá tra đổ đầy những chảo nấu to đùng được đặt sẵn trên miệng lò. Trên mỗi chảo đường kính cỡ 2m có một thiết bị quay đều đảo trộn mớ hổ lốn này. Chảo sôi lên, lớp mỡ màu vàng nhầy nhầy nổi lên trên mặt, người ta vớt nó ra thau. Đấy là mỡ thô. Khi để nguội, nó sẽ phân thành hai lớp: phần lỏng màu vàng nổi bên trên, lớp đặc màu trắng đọng ở dưới.
Mỡ thô được pha thêm hóa chất rồi đem nấu tiếp, dân trong nghề gọi là "luyện", để có loại mỡ trắng không còn tanh mùi cá và có phần lỏng nhiều hơn. Mỡ "luyện" xong thì bơm vào bồn chứa hoặc can nhựa loại 30 lít, sau đó chở đi tiêu thụ. "Cứ một tấn phụ phẩm, với loại thịt vụn sẽ thu được 300kg mỡ, loại đầu, xương thì cho 170-200kg" - một nhân công cho biết. Chỉ riêng ấp Hòa Phú 1 đã có 12 cơ sở "luyện" mỡ, sử dụng hàng chục tấn phụ phẩm mỗi ngày.
Tại các cơ sở khác ở TP Long Xuyên, Cần Thơ, Đồng Tháp... qui trình lấy mỡ từ phụ phẩm cũng diễn ra tương tự. An Giang, Cần Thơ vốn tập trung nhiều nhà máy thủy sản nhưng lượng phụ phẩm tại chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải đặt mua từ các nhà máy chế biến thủy sản bên Đồng Tháp, Vĩnh Long... Do giá nguyên liệu mỗi ngày mỗi tăng, có nơi sử dụng cả mỡ vớt lên từ đường cống thải trong nhà máy, dân trong nghề gọi là... "mỡ cống".
Mỡ cá được dùng bổ sung chất béo trong thức ăn chăn nuôi công nghiệp, trong các loại thực phẩm dành cho người, đặc biệt là dùng chế biến thành dầu ăn. Các cơ sở sản xuất lớn cho biết họ đều có đầu mối thu mua mỡ cá ổn định, TP.HCM và nhiều nơi khác vẫn liên tục đặt hàng với số lượng tính bằng container. Mỡ loại 1 còn được xuất qua một số nước. Giới buôn bán mỡ tiết lộ: "Mỡ cá tra, ba sa có thể làm dầu ăn. Công nghệ này có lâu rồi, nhiều người biết. Người ta dùng nó bởi dầu thực vật giá thành cao".
Ông Hồ Xuân Thiên (Công ty Agifish), người từng nhiều năm nghiên cứu về ứng dụng của mỡ cá và đã nghiên cứu sản xuất thành công dầu biodiesel, cho biết các cơ sở vẫn sử dụng thứ phụ phẩm đầu, xương cá tra hoặc cá ba sa để lâu ngày bị ôi, thậm chí cả xác cá chết, mỡ cống... Đây là loại "nguyên liệu" có nhiều axit béo tự do, để loại chúng ra phải dùng sút (NaOH). Tuy nhiên với công nghệ thô sơ, trang thiết bị và qui trình sản xuất thủ công nên không thể loại hết, hàm lượng axit béo tự do trong mỡ sau khi "luyện" vẫn còn cao, khoảng từ 9%. "Nếu sử dụng thứ mỡ có nhiều axit béo tự do như vậy trong thực phẩm sẽ rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng" - ông Thiên khẳng định.
Mỡ cá cũng từng được người dân ĐBSCL sử dụng chạy các động cơ nổ như máy bơm nước, máy xới, máy xuồng ghe... Có dạo, từ năm 2005 đến năm 2007, một lượng lớn được đưa về các tỉnh miệt biển để pha trong dầu DO. Chuyện chỉ vỡ lở sau khi ở Cà Mau liên tiếp xảy ra nhiều vụ chết máy tàu đánh cá.
![]() |
Sử dụng phụ phẩm bỏ ra trong chế biến cá tra để nấu lấy mỡ bằng những lò nấu thủ công, mất vệ sinh - Ảnh: Đ.VỊNH |
"Trước kia nguồn phụ phẩm từ cá tra và cá ba sa được nấu lên để làm thức ăn chăn nuôi, còn váng mỡ thì vớt bỏ. Sau này người ta hỏi mua nên làm mỡ bán luôn" - chị Nguyễn Thị Mai, một người nuôi cá ở Thạnh Quới (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ), nói. Mấy chủ nuôi cá cho biết họ mua phụ phẩm loại đầu, xương với giá trung bình 4.200-4.500 đồng/kg. Cứ 1 tấn phụ phẩm sau khi nấu thu được 200kg mỡ bán 6.000-8.000 đồng/kg, còn phần xương thịt rã ra (gọi là xác) cho trộn với bột mì, cám làm thức ăn nuôi cá.
Mấy năm nay mỡ cá tra và cá ba sa được tiêu thụ mạnh. Một số nhà máy thủy sản cũng mở phân xưởng chế biến mỡ. "Nơi nơi đua nhau mở lò nấu mỡ cá. Chỉ cần mua được phụ phẩm, kiếm chỗ lắp đặt vài lò nấu là cứ việc... sản xuất đều đều" - anh Huỳnh Thành Tâm, một người buôn mỡ cá TP Long Xuyên, nói.
Tại Thốt Nốt (Cần Thơ) có vô số trang trại nuôi cá mật độ dày, mỗi kỳ dịch bệnh cá chết nhiều, người ta sử dụng cả cá chết để nấu lấy mỡ. Gần đây, một số "đại gia" còn qua cù lao Tân Lộc mở lò nấu qui mô lớn. Ngoài mỡ, hằng ngày họ cho ra lò hàng tấn loại thức ăn chăn nuôi cung cấp cho các chủ ao khác, thậm chí cho cả các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.
Rất nhiều cơ sở sản xuất mỡ cá không hề đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hoặc cam kết bảo vệ môi trường, một số còn không có cả giấy phép kinh doanh. Tại Thốt Nốt (Cần Thơ), nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất mỡ cá đang gây ô nhiễm, Phòng tài nguyên - môi trường cho biết do hầu hết là... tự phát nên không biết con số, tình hình cụ thể. "Các cơ sở phát triển một cách nhanh chóng. Chưa ai quản lý, chưa ai kiểm soát" - bà Bùi Dung, giám đốc Trung tâm Khuyến nông & tư vấn đầu tư phát triển công nghệ An Giang, nhận định.
Thời gian qua, ở Đồng Tháp cũng có nhiều nhà máy chế biến thủy sản ra đời, từ đó xuất hiện các điểm chế biến phụ phẩm. "Không cần đăng ký gì cả. Sau khi hoạt động một thời gian, địa phương chỉ yêu cầu đăng ký kinh doanh để tính thuế. Còn hộ nuôi cá mở lò nấu mỡ thì... chẳng ai hỏi" - một chủ cơ sở ở Lai Vung (Đồng Tháp) nói.
Việc sản xuất mỡ ngày càng tràn lan nhưng chất lượng đang bị thả nổi. Hàng trăm ngàn tấn mỡ được sản xuất, tiêu thụ thế nào cũng không hề được kiểm soát. Bà Mai Thị Ánh Tuyết, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ An Giang, cho rằng: "Cơ sở không đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật, qui trình sản xuất rõ ràng. Sản phẩm chưa đăng ký cũng như chưa được cơ quan quản lý về chất lượng kiểm tra, xác nhận đáng lý ra không được lưu hành, bán ra thị trường".
Ô nhiễm nghiêm trọng
Phụ phẩm của cá tra gom từ nhà máy chế biến thủy sản được vận chuyển bằng xe, bằng ghe rồi đem đổ thành đống trong các cơ sở nấu mỡ cá. Máu cá, mỡ vương vãi khắp từ trong ra ngoài, bốc mùi hôi thối ruồi nhặng bu đầy. Cán bộ phụ trách môi trường các địa phương đều nhìn nhận việc nấu mỡ cá gây ô nhiễm rất nghiêm trọng.
Tại An Giang, bên bờ nam rạch Xếp Bà Lý (khóm Bình Đức 5, P.Bình Đức, TP Long Xuyên), các cơ sở sản xuất mỡ nằm ngay giữa khu dân cư. Mùi tanh của cá bay lan khắp xóm. Phía sau các cơ sở này là nước thải, chất thải đổ ra lâu ngày đọng lại một lớp nhầy nhầy trên mặt đất. "Trời nắng còn đỡ, hễ mưa xuống mùi hôi dậy lên. Đã thở không nổi lại còn ruồi vô số kể. Ăn cơm có khi phải vô mùng" - chị Hồ Thị Mai, nhà sát bên doanh nghiệp Thanh Hòa, than vãn. Một số cơ sở có làm hầm chứa nước thải nhưng khi hầm đầy ứ thì rút vào bồn rồi đổ xuống sông. Sở Tài nguyên - môi trường An Giang cho biết khu vực hai bên rạch Xếp Bà Lý có nhiều cơ sở chế biến phụ phẩm gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại Thốt Nốt (Cần Thơ), Lấp Vò, Lai Vung (Đồng Tháp) các cơ sở "luyện" mỡ cá cũng nằm lẫn giữa khu vực dân cư và gây ô nhiễm nặng. Cạnh quốc lộ 91, đoạn thuộc ấp Thới Hòa B (Trung Hưng, Ô Môn, Cần Thơ) suốt ba năm qua các nhà máy chế biến mỡ cứ tuôn nước thải ra tuyến kênh KH6. Váng mỡ, máu cá trôi đầy, bốc mùi khăm khẳm, trong khi đó hàng trăm hộ sống hai bên bờ kênh KH6 lại chưa có nước máy nên vẫn phải dùng nước lấy từ dưới kênh.
Cần hỗ trợ người dân nâng cao công nghệ * Bà Bùi Dung (giám đốc Trung tâm Khuyến nông & tư vấn đầu tư phát triển công nghệ An Giang): Nên qui hoạch tập trung Chúng tôi sẽ nghiên cứu qui trình, công nghệ sản xuất mỡ hoàn chỉnh, đồng thời sẽ có chính sách hỗ trợ các cơ sở đầu tư công nghệ mới để khắc phục tình trạng ô nhiễm, kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Mỡ cá giờ đã là một thứ hàng hóa, là nguồn lợi kinh tế. Về lâu dài, tỉnh nên qui hoạch tập trung các cơ sở vào các khu, cụm công nghiệp. * Ông Hồ Xuân Thiên (Công ty Agifish): Ý, Mỹ mua mỡ cá làm dầu biodiesel Công ty Italya la Italao of Flack Group của Ý vừa đến tìm hiểu, đặt mua mỡ cá số lượng lớn để sản xuất dầu biodiesel và dùng trong máy phát điện. Đặc biệt, một tập đoàn của Mỹ cũng vừa đến An Giang làm việc với lãnh đạo tỉnh, chính thức đặt vấn đề sản xuất dầu biodiesel qui mô lớn. Trước mắt công ty này đặt hàng ít nhất 500 tấn mỡ/tuần để đưa về Mỹ sản xuất. Kế đó họ sẽ liên kết với Petro VN, Công ty Agifish để sản xuất dầu biodiesel tại Khu công nghiệp Bình Hòa (An Giang). Khả năng của Agifish chỉ đáp ứng 100-150 tấn mỡ/tuần. Với đầu ra thuận lợi như thế công ty sẽ liên kết với các cơ sở sản xuất mỡ lớn nhỏ ở ĐBSCL để cung ứng hàng cho phía Mỹ. Chúng tôi sẽ cùng nhau tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ tối ưu hơn để vừa kiểm soát, nâng cao chất lượng mỡ, vừa khắc phục vấn đề ô nhiễm. * Tiến sĩ Tạ Bá Hưng(giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia): Cần hỗ trợ người dân Trong tình hình hiện nay mỡ cá là một nguồn lợi lớn, góp phần nâng cao giá trị con cá đặc thù của ĐBSCL và nâng cao lợi nhuận trong nghề nuôi, chế biến thủy sản. Cho nên chúng ta cần nghiên cứu, hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ, thiết bị sản xuất hoàn thiện để có sản phẩm tối ưu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận