20/09/2015 08:03 GMT+7

Nhật tranh cãi chuyện bỏ ngành nhân văn

HUYỀN TRANG
HUYỀN TRANG

TT - Bộ Giáo dục Nhật đã yêu cầu các trường đại học cấp quốc gia đóng cửa các khoa đào tạo ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Sinh viên Nhật trong một lần tham gia biểu tình trước tòa nhà quốc hội ở Tokyo hồi tháng 8-2015 - Ảnh: Reuters
Sinh viên Nhật trong một lần tham gia biểu tình trước tòa nhà quốc hội ở Tokyo hồi tháng 8-2015 - Ảnh: Reuters

Theo trang Times Higher Education, cho đến nay đã có 26 trong số 60 trường đại học có đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn đã thông báo kế hoạch đóng cửa các khoa này hoặc chuyển đổi sang mục đích “đáp ứng nhu cầu xã hội tốt hơn” kể từ năm 2016.

Lá thư tay của bộ trưởng

Ngừng tuyển sinh các ngành khoa học xã hội và nhân văn là hệ quả trực tiếp của lá thư yêu cầu của Bộ trưởng Giáo dục Hakubun Shimorura được gửi đi ngày 8-6 vừa qua đến 86 trường đại học cấp quốc gia và cơ sở giáo dục cấp cao trong cả nước, kêu gọi các trường chủ động đóng cửa hoặc chuyển đổi những phòng ban có liên quan.

Bộ trưởng cho rằng đây là động thái cần thiết khi mà Nhật Bản đang trong thời kỳ giảm dân số độ tuổi đại học, thiếu hụt nguồn nhân lực đồng thời sẽ đảm bảo việc đào tạo đại học một cách hiệu quả hơn.

Theo báo South China Morning Post, Bộ trưởng Shimorura cũng gây sức ép qua việc bắn đi lời nhắn nhủ là hỗ trợ tài chính của chính phủ cho các trường sẽ gắn với phản ứng của các trường đại học trước quyết định trên.

Nhiều người tin rằng kế hoạch điều chỉnh ngành đào tạo này là một phần trong chương trình cải cách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe, theo đó giáo dục cấp cao cần tập trung cho thúc đẩy việc giáo dục nghề thực tế thay vì đào sâu nghiên cứu học thuật mang nặng tính lý thuyết.

Theo ông Abe, giáo dục đại học cũng nên tập trung đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước.

Giáo dục đại học Nhật Bản hiện đang đối mặt với những thách thức quen thuộc, tương tự các nền giáo dục ở các quốc gia phát triển khác. Hệ thống giáo dục Nhật Bản đang có những sự thay đổi đáng kể nhằm thích ứng với xu hướng toàn cầu hóa cũng như áp lực từ việc suy giảm dân số trong độ tuổi đi học.

Thay vì nghiên cứu học thuật sâu như cách hiện nay ở giáo dục cấp cao, chúng tôi sẽ hướng đến nền giáo dục nghề nghiệp thực tế hơn để thích ứng tốt hơn các nhu cầu của xã hội

Thủ tướng SHINZO ABE

Gặp phản ứng mạnh

Tuy nhiên, quyết định của chính phủ đã vấp phải những phản ứng gay gắt. Sự can thiệp vào tháng 6 vừa qua từ bộ giáo dục đã gây ra cuộc tranh luận rộng rãi nhằm đánh giá lại tầm quan trọng của các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Báo The Japan Times cho rằng: “Nền tảng của một xã hội dân chủ và tự do là ý thức phản biện được nuôi dưỡng bằng kiến thức về khoa học nhân văn”. “Lịch sử đã cho thấy các quốc gia chuyên chế sẽ luôn chối bỏ kiến thức của khoa học nhân văn, và các quốc gia tiến hành chối bỏ kiến thức như vậy sẽ trở nên độc tài toàn trị”.

Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật bản (Keidanren) cũng đã nhanh chóng phản ứng với kiểu giải thích của chính phủ là cộng đồng doanh nghiệp Nhật chỉ đòi hỏi nguồn nhân lực có kỹ năng thực hành thuần túy.

Ông Sadayuki Sakakibara, chủ tịch Keidanren, phản hồi: “Một số phương tiện truyền thông đưa tin là cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi chỉ tìm kiếm nguồn nhân lực sẵn sàng làm việc chứ không phải sinh viên tốt nghiệp ngành nhân văn. Nhưng thực tế không đúng như vậy và chính xác thì mong muốn của các công ty hoàn toàn ngược lại. Đó là săn tìm các sinh viên có thể giải quyết vấn đề dựa trên những ý tưởng bao hàm các lĩnh vực khác nhau của khoa học và ngành xã hội - nhân văn”.

Hội đồng khoa học Nhật Bản cũng khẳng định rõ vị thế của khoa học xã hội và nhân văn: “Các ngành này đóng vai trò quan trọng trong việc so sánh, đối chiếu và phản ánh cách thức mà con người và xã hội hoạt động cũng như phối hợp với các ngành khoa học tự nhiên nhằm giải quyết những vấn đề đương đại trong nước và quốc tế”.

Ngoài ra, hai trường đại học Tokyo và Kyoto, được xem là có uy tín nhất tại Nhật, khẳng định họ sẽ không thực hiện theo yêu cầu trên.

Vẫn còn quá sớm để dự đoán những ảnh hưởng sâu rộng của sự thay đổi này. Giáo dục đại học Nhật Bản sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới, và liệu việc này có khuyến khích sinh viên Nhật theo đuổi ngành khoa học xã hội và nhân văn ở các quốc gia khác hay không vẫn chưa thể xác định được.

Ít nhất, Nhật Bản đã cung cấp những bài học thiết thực cho các nhà giáo dục trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự về dân số, chuyển đổi kinh tế, cũng như khả năng cạnh tranh toàn cầu.

HUYỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên