07/01/2008 07:44 GMT+7

Nhật sửa sách giáo khoa lịch sử

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Hãng Kyodo đưa tin Bộ Giáo dục Nhật thông báo vừa yêu cầu các nhà xuất bản đưa thông tin về việc quân đội có liên quan đến vụ người dân tự sát qui mô lớn trong trận đánh ở Okinawa năm 1945, chỉ vài tháng trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

KJZ6JeF6.jpgPhóng to
Những phụ nữ Triều Tiên từng bị ép buộc làm “nô lệ tình dục” phản đối trước Đại sứ quán Nhật ở Seoul - Ảnh: Reuters
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Có thể coi đây là một bước tiến lớn trong quan điểm của Nhật đối với các vấn đề lịch sử.

Có khoảng 200.000 người gồm lính và thường dân đã thiệt mạng trong trận Okinawa, được coi là một trong những trận quyết định làm suy giảm nhanh chóng khả năng phòng thủ của quân đội Nhật.

Theo tờ International Herald Tribune, người dân ở đây đã bị binh lính Nhật tuyên truyền rằng họ sẽ bị giết khi quân đội Mỹ ập vào, do đó cách tốt nhất là hãy tự sát. Hãng tin AP trích lời các nhà lịch sử cho rằng có ít nhất 500 dân thường vì nghe theo các tuyên truyền đã tự sát và giết cả gia đình mình để tránh bị lính Mỹ bắt giữ.

Dưới thời chính quyền của thủ tướng Shinzo Abe, chính khách theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, hồi tháng tư, Bộ Giáo dục Nhật đã tuyên bố sẽ xóa bỏ các thông tin liên quan đến quân đội trong sách giáo khoa. Vụ việc dẫn đến phản ứng dữ dội của người dân ở đảo Okinawa. Khoảng 100.000 người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối vào tháng mười vừa qua khiến các nhà giáo dục phải thay đổi quan điểm của mình.

Tuy vậy, Bộ Giáo dục Nhật từ chối đưa lại bản gốc của một số sách trước đó có nói quân đội "ép buộc" hoặc "cưỡng bách" người dân ở đây phải tự sát. Thay vào đó họ dùng cách mềm mại hơn là "có liên quan". Chưa thật sự hài lòng nhưng thị trưởng Okinawa Hirokazu Nakaima thừa nhận: "Bộ Giáo dục đã có những nhìn nhận đáng kể về vấn đề này". Nội dung mới của cuốn sách sẽ được đưa vào chương trình trung học năm 2008.

Nội dung sách lịch sử của Nhật từ lâu đã là nguyên nhân căng thẳng giữa Nhật với Trung Quốc và Hàn Quốc, những nước buộc Nhật cố tình né tránh và che giấu quá khứ trong thời kỳ quân phiệt như vụ thảm sát ở Nam Kinh, việc bắt buộc phụ nữ Triều Tiên phục vụ trong chiến tranh... Năm 2005 từng có liên tiếp nhiều cuộc biểu tình lớn chống Nhật ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối việc nước này ra sách giáo khoa lịch sử mới trong đó có những thông tin không chính xác về các cuộc chiến tranh Trung Quốc - Nhật, việc xâm lược Triều Tiên năm 1910, vụ thảm sát Nam Kinh 1937...

Ngay trong nước Nhật, vấn đề sách giáo khoa lịch sử cũng là vấn đề gây chia rẽ. Hiện Hội Cải cách sách lịch sử Nhật gồm những nhà dân tộc chủ nghĩa vẫn đang vận động để sách giáo khoa không đề cập các tội ác trong chiến tranh của quân đội.

Trên trang web của mình, hội này chỉ trích Bộ Giáo dục đã "nhượng bộ trước những áp lực chính trị và đưa ra những nhìn nhận lịch sử một chiều". Nhưng ông Kishore Mahbubani - hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - cho rằng chỉ bằng cách nhìn nhận lại lịch sử, Nhật mới có thể xây dựng được lòng tin từ các nước láng giềng.

Làm sử phải nói sự thật

Việc Bộ Giáo dục Nhật làm đáng để chúng ta suy nghĩ. Thứ nhất, đó là vấn đề sử học. Một sự thật được công bố sau hơn sáu thập niên. Khoảng thời gian không hoặc chưa công bố sự thật này hẳn là có lý do của nó. Lý do ấy, theo tôi, xuất phát từ quan niệm về lợi ích quốc gia của những người có trách nhiệm.

Phải chăng đến thời điểm này là "chín muồi" cho sự công bố trong đó có thể có sự tác động bởi dư luận, trong đó có giới sử học và sức ép ngoại giao?! Điều đó cho thấy không khí chính trị luôn tác động vào việc nhận thức những vấn đề của quá khứ. Vì thế vẫn tồn tại nguyên lý: "Sử học là nói sự thật nhưng không nhất thiết mọi sự thật đều phải nói ra, chỉ có điều đã nói thì không được sai sự thật".

Theo tôi, thái độ đối với sự thật chính là thước đo phẩm chất của một nền chính trị, trong đó có nền giáo dục. Đương nhiên để những sự thật được công bố là kết quả của một quá trình nhận thức trên cả hai khía cạnh khoa học (tính khách quan) và nhận thức về lợi ích (chủ quan).

Thứ hai là vấn đề giáo dục. Sách giáo khoa đặc biệt quan trọng khi mục tiêu của nó là đào tạo nhân cách của con người, ở đây còn là tư cách công dân. Do vậy, sự thận trọng khi công bố những sự thật không thuận với niềm tự hào dân tộc là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc che giấu sự thật với giới trẻ và từ trên ghế nhà trường sẽ phải trả giá một khi chúng trưởng thành về nhận thức và trong thời đại thông tin này, sự che đậy sẽ phải trả giá về lòng tin.

Ở ta, dường như còn quá nhiều vấn đề được gọi chung là "nhạy cảm", kể cả những vùng cấm. Nó có những lý do lịch sử và xã hội, nhất là đối với lịch sử hiện đại. Nó khiến năng lực nhận thức, kể cả của giới sử học, bị hạn chế và còn nhiều khoảng trống không được đề cập tới một cách thấu đáo.

Sử học, trong đó có sách giáo khoa về lịch sử, sẽ mất tính hấp dẫn nếu thiếu hai yếu tố: tính trung thực và sự công bằng. Đó cũng là một trong những ly do khiến giới trẻ ít quan tâm đến lịch sử và môn sử.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên