Phóng to |
Hàng chục quan chức lực lượng tuần duyên châu Á và châu Phi vừa có đợt huấn luyện trên tàu tuần duyên Nhật ở vịnh Tokyo - Ảnh: NYT |
Đến lúc này, mọi dự báo đều khẳng định Đảng Dân chủ Nhật (DPJ) sẽ thất bại trước Đảng Dân chủ tự do (LPD) trong cuộc bầu cử ngày 16-12. Và cựu thủ tướng Shinzo Abe sẽ trở lại với chiếc ghế quyền lực. Theo báo Asahi, trước đó ông Abe đã kêu gọi tăng cường chi tiêu quốc phòng, bãi bỏ những hạn chế do hiến pháp áp đặt với lực lượng vũ trang và đổi tên Lực lượng phòng vệ (SDF) thành quân đội thường trực. Ông Abe còn khẳng định sẽ có thái độ cứng rắn với người láng giềng Trung Quốc.
Kể từ tháng 9-2012, gần như ngày nào Trung Quốc cũng đưa tàu tuần tra xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát. Sự xâm phạm này đã không còn giới hạn trên vùng biển nữa khi ngày 13-12, lần đầu tiên Trung Quốc đưa một máy bay tuần tra xâm phạm vùng trời Senkaku/Điếu Ngư, buộc Nhật phải đáp trả bằng việc ra lệnh cho máy bay chiến đấu F-15 lên ngăn chặn.
Ý thức rõ các mối đe dọa
Hiến pháp Nhật thời kỳ sau Thế chiến 2 hạn chế các chức năng của SDF, chi tiêu quốc phòng bị giới hạn ở mức 1% GDP. Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi do những biến động an ninh trong khu vực. “Người dân Nhật ý thức được các mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên và đặc biệt là sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc” - Kyodo dẫn lời chuyên gia Narushige Michishita, giám đốc Chương trình nghiên cứu an ninh và quốc tế ở Tokyo, cho biết.
Các nhà quan sát ở Nhật dự báo khi trở thành thủ tướng, ông Abe sẽ bắt tay vào thực hiện ngay một số cải tổ quan trọng về quốc phòng, như đưa nhân viên nhà nước đến đóng tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, lập Hội đồng an ninh quốc gia, hủy bỏ quy định hạn chế việc Nhật đưa binh sĩ gìn giữ hòa bình ra nước ngoài... Kế hoạch hủy bỏ quy định hạn chế hình thức “phòng vệ chung” của ông cũng nhận được sự ủng hộ của dư luận.
Hiến pháp Nhật cấm lính Nhật sử dụng vũ lực trừ trường hợp bị tấn công trực tiếp. Điều đó có nghĩa SDF không được phép hỗ trợ lực lượng quân đội Mỹ hoặc các nước đồng minh khi lực lượng này bị tấn công kể cả ở ngay bên cạnh quân Nhật. Dự báo ông Abe sẽ hủy bỏ điều khoản này. “Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Nhật chỉ làm theo Mỹ - báo New York Times dẫn lời ông Keiro Kitagami, cố vấn an ninh cho Thủ tướng Yoshihiko Noda - Với Trung Quốc, mọi thứ đã khác. Nhật phải có lập trường riêng”.
Ngoài ra, nhiều khả năng dưới thời ông Abe, SDF sẽ có quyền sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa để đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương nếu nó đe dọa một quốc gia đồng minh của Nhật Bản. SDF cũng sẽ có quyền đưa quân đến bảo vệ các nước trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Với những thay đổi này, quân đội Nhật Bản sẽ không còn đơn thuần mang tính chất phòng vệ nữa.
SDF hiện có đủ sức mạnh để mở rộng tầm hoạt động. Nhật có một lực lượng quân sự hùng mạnh với 250.000 quân, ngân sách quốc phòng lớn thứ sáu trên thế giới. Lực lượng phòng vệ biển (MSDF) có đủ các loại tàu khu trục hùng mạnh, tàu ngầm tấn công hiện đại, tàu sân bay trực thăng... được đánh giá là chuyên nghiệp hơn hải quân Trung Quốc.
Liên minh khu vực
Thực tế trong năm qua Chính phủ Nhật đã thực hiện nhiều bước đi để mở rộng tầm ảnh hưởng của quân đội nhằm đối phó với nguy cơ Trung Quốc. Theo báo New York Times, Nhật đã hỗ trợ quân sự cho Campuchia, Đông Timor, Philippines và sẽ hỗ trợ Indonesia... Năm 2009, MSDF tập trận quy mô lớn với Úc, lần đầu tiên với một quốc gia ngoài Mỹ. Đến nay Nhật đã tham gia hàng loạt cuộc tập trận hải quân đa quốc gia với các nước Đông Nam Á và Ấn Độ.
“Chúng tôi muốn xây dựng một liên minh khu vực để ngăn chặn Trung Quốc xâm lấn” - chuyên gia Yoshihide Soeya, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á ở Tokyo, nêu rõ. Thứ trưởng quốc phòng Nhật Akihisa Nagashima cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể để Nhật suy yếu một cách lặng lẽ”.
Mỹ và một số nước khu vực đã lên tiếng ủng hộ Nhật. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario mới đây đã tuyên bố Manila ủng hộ Tokyo tái vũ trang để đối phó với nguy cơ Trung Quốc xâm lấn trên biển Đông. “Chúng tôi đã chôn vùi cơn ác mộng thời Thế chiến 2 (bị Nhật tấn công) do mối đe dọa Trung Quốc” - chuyên gia an ninh Rommel Banlaoi thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình, bạo lực và khủng bố Philippines giải thích quan điểm của Manilla.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật Toshimi Kitazawa nhìn nhận: “Tokyo đã thiếu nhạy cảm với nhu cầu an ninh của các nước khu vực. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ”. Theo nhà nghiên cứu Tetsuo Kotani thuộc Viện Quan hệ quốc tế Nhật, chiến lược của Tokyo là cung cấp thiết bị, khí tài và huấn luyện cho các nước nhằm tạo ra “những SDF nhỏ” và “những MDSF nhỏ” ở biển Đông nhằm đảm bảo an ninh cho vùng biển này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận