27/05/2005 08:19 GMT+7

Nhập xe cho CSGT mà giống xe... ăn chơi

N.ẨN
N.ẨN

TT - Cuối năm 2003, 150 xe môtô chuyên dụng cho CSGT TP.HCM trị giá 750.000 USD do BQL dự án đầu tư công trình giao thông đô thị (gọi tắt là BQL) TP.HCM làm chủ đầu tư đã được nhập về.

7t1PeHvc.jpgPhóng to
Chiếc xe mẫu đã được nhà thầu đưa đến Phòng CSGT chiều 24-5-2005. Nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT sau khi chiêm ngưỡng, ngồi ướm thử xe đã nhận xét: "Xe quá lùn, không hợp công tác tuần tra" hoặc "giống xe ăn chơi hơn là xe công vụ" - Ảnh: N.H.K.
TT - Cuối năm 2003, 150 xe môtô chuyên dụng cho CSGT TP.HCM trị giá 750.000 USD do BQL dự án đầu tư công trình giao thông đô thị (gọi tắt là BQL) TP.HCM làm chủ đầu tư đã được nhập về.

Đây là một trong những hạng mục của tiểu dự án “Tăng cường năng lực quản lý giao thông TP.HCM”. Số xe trên được dự trù bàn giao lại cho Phòng Cảnh sát giao thông TP.HCM, nhưng đến nay đã gần một năm rưỡi qua đi mà xe vẫn còn trong kho...

Sai lệch hợp đồng

Khoảng ba tháng sau khi xe nhập khẩu về TP.HCM, vào tháng 3-2004 Công an TP có văn bản gửi UBND TP nêu rõ sáu vấn đề chung quanh chất lượng xe. Cụ thể, theo hợp đồng xe nhập phải là nhãn hiệu Kawasaki model EL 252 F (250cc) nhưng thực tế số xe nhập lại mang nhãn hiệu Honda Rebel XMC 234cc; xe có màu sơn đen và đỏ là không đúng màu sơn trắng - màu sơn đặc chủng của CSGT; khung thùng phía sau hai bên hông không phải hàng nhập mà sản xuất trong nước; xe thấp, chiều cao trọng tâm thấp hơn so với tầm nhìn đường; đầu gắn micro phát loa không bảo đảm chất lượng, vị trí gắn chưa hợp lý so với mẫu; các thiết bị thông tin theo xe chưa có.

Xử phạt 10% giá trị hợp đồng 150 xe môtô

UBND TP.HCM vừa ra văn bản chấp thuận tiếp nhận lô hàng 150 xe môtô trang bị cho cảnh sát giao thông TP.HCM do Công ty xây dựng - thương mại - dịch vụ Nguyễn Giáo nhập khẩu, đồng thời yêu cầu đơn vị này phải thực hiện bổ sung các điều kiện: lắp đặt hoàn chỉnh các thiết bị thông tin liên lạc và bàn giao đồng bộ theo xe; điều chỉnh thời gian bảo hành lô xe theo hợp đồng lên 24 tháng thay vì 12 tháng; đơn vị nhập khẩu chịu mức phạt bằng 10% trên giá trị hợp đồng ký kết...

UBND TP.HCM cũng giao cho giám đốc Sở Giao thông công chính TP.HCM chỉ đạo tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân liên quan đến quá trình tổ chức thực hiện việc nhập khẩu 150 xe môtô cho CSGT.

Đồng thời, giao giám đốc Công an TP.HCM chỉ đạo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc xác định tiêu chí xe môtô cảnh sát chưa đạt yêu cầu... làm ảnh hưởng đến việc thực hiện gói thầu cung cấp 150 xe môtô.

Cả hai sở nói trên phải báo cáo kết quả và đề xuất biện pháp xử lý trình UBND TP.HCM trước ngày 31-5-2005.

Theo giải trình của BQL, Công ty xây dựng - thương mại - dịch vụ Nguyễn Giáo (nhà thầu cung cấp xe) cho biết nhà sản xuất Kawasaki đã ngưng sản xuất loại xe EL-252F và sau đó được các cơ quan chức năng thống nhất chọn loại xe Honda Rebel CMX 234cc. Về việc khung, thùng xe không được nhập là do thùng xe tại Mỹ có kích thước lớn hơn thùng xe trong nước nên nhà thầu đã mượn thùng mẫu của CSGT để sản xuất tại VN cho đúng với kích thước thùng mẫu(!?).

Việc nhập xe không đúng màu sơn là để bảo đảm thời gian nhập khẩu về TP.HCM trước tháng 12-2003, đây là thời điểm mà thị trường Mỹ không có sẵn xe màu sơn trắng (!?). Về vấn đề thiết bị thông tin, đơn vị chủ đầu tư lý giải rằng trong thời điểm trước ngày 31-12-2003 thì các thiết bị radio hai chiều chưa có sẵn trên thị trường, do đó đến cuối tháng 11- 2004 đảm bảo mục tiêu, hiệu quả của dự án. Mặt khác đã xảy ra vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng, việc chấp nhận lô hàng có thể gây ra nhiều rủi ro cho chủ đầu tư và đơn vị thụ hưởng trong quá trình sử dụng”.

Trách nhiệm đến đâu?

Trong báo cáo gửi Sở GTCC ngày 1-5-2005, ông Vũ Kiến Thiết - giám đốc BQL TP.HCM - xác định trong quá trình thực hiện hợp đồng, ban quản lý dự án đã không theo dõi chặt chẽ dẫn đến việc thiếu thông tin về màu xe môtô trước khi cung cấp để nhà thầu thực hiện. Khi lô hàng xe môtô nhập về không phải là màu sơn trắng, đơn vị đã chậm trễ có ý kiến bằng văn bản với nhà thầu và tư vấn giám sát để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời. Giám đốc BQL tự nhận trách nhiệm với hình thức phê bình.

Về việc xử lý nhà thầu sai phạm, BQL đề nghị xử phạt 10% giá trị lô thiết bị radio hai chiều với số tiền 6.382 USD. Phạt sai lệch hợp đồng là 3.750 USD. Tính chung, mức đơn vị chủ đầu tư đề nghị xử phạt của toàn bộ 150 xe môtô là 10.132 USD.

BQL cũng xác định trách nhiệm của Công ty tư vấn Ove Arup (Hong Kong) đã không buộc nhà thầu phải sơn xe màu trắng trước khi nhập khẩu vào VN. Đơn vị này không phát hiện việc thiếu thông tin để hướng dẫn nhà thầu thực hiện. Ove Arup cũng không đưa ra được qui định cụ thể và chi tiết về còi hụ và thùng xe.

Rõ ràng việc nhập khẩu 150 xe môtô trang bị cho CSGT đã có những sai phạm. Điểm xuất phát các sai phạm chính là hồ sơ mời thầu, hợp đồng thầu thiếu chặt chẽ nên lô xe nhập về không đúng yêu cầu và nhà thầu được lợi. Bởi vì nhà thầu đặt hãng sản xuất xe ở nước ngoài làm theo đúng hợp đồng thì lợi nhuận không cao so với việc mua “xá” lô xe nhiều màu rồi sơn lại màu trắng.

Tương tự, nếu nhập thùng xe ở nước ngoài chắc chắn giá sẽ cao hơn so với thùng xe sản xuất trong nước. Vì vậy, việc chủ đầu tư đưa ra mức xử phạt Công ty xây dựng - thương mại - dịch vụ Nguyễn Giáo 10.132 USD, tương đương với 1,3% giá trị lô hàng - để rồi chấp nhận 150 chiếc xe môtô không đúng qui cách thì liệu có thỏa đáng?

Điều khó hiểu là đơn vị tư vấn Ove Arup (Hong Kong) - là đơn vị từng tư vấn thiết kế xây dựng phân luồng nút giao thông Phù Đổng Thiên Vương và Công trường Mê Linh đầy tai tiếng - vậy mà trong vụ này Ove Arup chỉ bị chủ đầu tư dự án đề nghị rút kinh nghiệm. Như vậy, liệu có hiệu quả không khi Ove Arup sẽ còn tiếp tục thực hiện các hạng mục khác của dự án “Tăng cường năng lực giao thông” ở TP.HCM?

Thượng tá Phạm Văn THịnh - Trưởng phòng CSGT CA TP.HCM:

Quá nhiều sai sót về thông số kỹ thuật

- Do hợp đồng không chi tiết, cụ thể nên nên dẫn đến có quá nhiều sai sót kỹ thuật. Khi xe nhập về, BQL có giao cho chúng tôi nhưng chúng tôi không nhận, vì sau khi kiểm tra thấy các thông số kỹ thuật không đúng như mẫu mà chúng tôi cung cấp. Công an TP.HCM cũng đã có công văn yêu cầu nhà thầu phải khắc phục về những lỗi kỹ thuật trên.

* Đến nay, toàn bộ 150 xe môtô đã được hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật chưa? Bao giờ thì Phòng CSGT tiếp nhận xe?

- Phía nhà thầu đã chấp nhận chỉnh sửa các lỗi kỹ thuật và cho lắp đặt các thiết bị thông tin. Tuy nhiên có những lỗi kỹ thuật không thể thay đổi như chiều cao của xe quá thấp. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận khi phía nhà thầu đã hoàn chỉnh nốt những chiếc còn lại. Thời gian bàn giao thì do BQL quyết định. Phòng CSGT chỉ là đơn vị thụ hưởng nên không chủ động được việc này.

* Việc chậm trễ này có ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện dự án “tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị không”, thưa ông?

- Chắc chắn là có. Nếu tiến độ thời gian thực hiện dự án nhanh thì lực lượng CSGT có điều kiện, phương tiện để phục vụ công tác tốt hơn. Nếu chậm thì năng lực hoạt động của CSGT sẽ bị hạn chế.

N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên