21/11/2016 14:41 GMT+7

Nhập khẩu ôtô có thể bị “đóng băng”

NGỌC AN - LÊ THANH
NGỌC AN - LÊ THANH

TTO - Hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chính hãng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười và người tiêu dùng cũng có khả năng chịu thiệt trước nguy cơ không thể nhập khẩu ôtô.

Thị trường ôtô nhập khẩu đang có nguy cơ bị “đóng băng” do sự trái ngược nhau trong thực hiện quy định của các bộ. Trong ảnh: khách hàng chọn mua xe nhập khẩu tại một showroom ôtô ở TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Theo thông tư 20/2011 của Bộ Công thương, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải có đủ hai loại giấy tờ mới được thông quan, bao gồm: giấy ủy quyền nhập khẩu chính hãng của nhà sản xuất và giấy chứng nhận bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Tuy nhiên, do trong danh mục các điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ từ 1-7-2016 nên Bộ GTVT không thể cấp giấy về bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện.

Mỗi bộ làm một hướng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thế Hùng - chủ tịch HĐQT Công ty Kylin, chuyên nhập khẩu ôtô của Hàn Quốc - cho biết cách đây gần hai tháng đã đặt hàng nhà sản xuất mua 50 chiếc xe và đã chuyển tiền có trị giá lên tới 1 triệu USD. Dự kiến khoảng một tháng tới hàng sẽ cập cảng tại VN, nhưng cũng đúng vào thời điểm này giấy chứng nhận về bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện của công ty ông hết hiệu lực. Mà dù Bộ GTVT không cấp giấy này nữa, nhưng theo quy định của Bộ Công thương, thiếu giấy này thì lô hàng lên tới cả triệu USD có nguy cơ sẽ bị “treo” ở cảng.

“Bộ GTVT nói không cấp nữa, còn Bộ Công thương thì bảo vẫn phải đảm bảo quy định cũ, tức vẫn phải cần giấy chứng nhận của Bộ GTVT

Ông Nguyễn Thế Hùng (chủ tịch HĐQT Công ty Kylin)

Cách đây một tháng, ông Hùng cho biết có lên Bộ GTVT để xin cấp lại giấy chứng nhận bảo hành, bảo dưỡng xe nhưng được thông báo là không cấp nữa vì thông tư quy định này đã được bãi bỏ. Lô ôtô sắp về mà Bộ GTVT nói không cấp, còn Bộ Công thương thì bảo chờ chỉ đạo của Thủ tướng nên vẫn phải đảm bảo quy định cũ. “Tức vẫn phải cần giấy đó của Bộ GTVT” - ông Hùng lo lắng.

Ông Vũ Huy Chỉnh - Công ty TNHH ôtô Nam Sơn - đã đặt hàng từ nhà sản xuất và khi lô hàng về đến cảng thì cơ quan hải quan vẫn yêu cầu phải có hai loại giấy tờ theo quy định của Bộ Công thương. Ông Chỉnh nói đã phải chạy vạy khắp nơi, chấp nhận bỏ ra hàng trăm triệu đồng để nhập “nhờ” giấy chứng nhận của một doanh nghiệp khác, chỉ sử dụng được trong tám tháng là hết hiệu lực (giấy có thời hạn sử dụng ba năm - PV). Nhờ vậy lô hàng mới được thông quan. Tuy nhiên, ông Chỉnh cảm thấy lo lắng nếu tình trạng này cứ kéo dài thì thị trường ôtô nhập khẩu sẽ bị “đóng băng”.

Cần sớm có quyết định rõ ràng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Cục Đăng kiểm VN cho biết theo quy định thì thông tư 19/2012 đã hết hiệu lực nên Bộ GTVT không có cơ sở pháp lý để cấp giấy chứng nhận bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện cho nhà nhập khẩu ôtô. Trên thực tế, dù biết là đã có một số doanh nghiệp nhập khẩu ôtô gặp vướng mắc nhưng cơ quan đăng kiểm cũng chỉ biết thực hiện theo quy định.

Trong khi đó, Bộ Công thương là đơn vị ban hành thông tư 20/2011 khẳng định sẽ bãi bỏ thông tư 20, nhưng lại nêu đã đề nghị Chính phủ cần phải có một quy định tương đương để quản lý rồi mới bãi bỏ. Trong khi đó, mặc dù báo Tuổi Trẻ đã có công văn gửi đến Bộ Công thương để hỏi biện pháp trước mắt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến thông tư 20/2011, song đến thời điểm này Bộ Công thương vẫn chưa có phản hồi.

Trả lời Tuổi Trẻ, Tổng cục Hải quan cho biết đã có công văn gửi Bộ Công thương đề nghị cho biết thông tư số 20/2011 còn hiệu lực áp dụng hay không? Trong công văn trả lời, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cũng thẳng thắn: Thủ tướng đã giao Bộ Công thương chủ trì đánh giá tình hình thực hiện thông tư 20/2011. Hiện nay, Bộ Công thương vẫn “đang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phương hướng điều hành trong thời gian tới”.

Theo cơ quan hải quan, do chưa nhận được văn bản thông báo chính thức dừng thông tư 20/2011 của Bộ Công thương nên hải quan vẫn phải áp thủ tục với ôtô nhập khẩu (chở người từ 9 chỗ trở xuống) theo đúng quy định hiện hành (nghĩa là muốn nhập khẩu, doanh nghiệp phải có hai loại giấy của Bộ GTVT, trong khi Bộ GTVT đã không cấp - PV).

Thông tin từ cơ quan hải quan cho biết tính từ 1-7 đến 15-10, số ôtô nhập khẩu đã được khai hải quan là 34.110 chiếc, số lượng xe chưa được cấp phép thông quan là 1.440 chiếc, tương đương 39,55 triệu USD (gần 900 tỉ đồng).

Ông Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Không thể chần chừ

Đây là sự đáng tiếc của áp dụng luật pháp không nhất quán, mặc dù tuyên bố bên ngoài là bỏ nhưng nội bộ bên trong vẫn chần chừ, nên việc hành xử như bên hải quan là hợp lý vì họ hiểu bên trong chưa thực sự muốn bỏ. Đó là tính bất ổn và không thể tiên liệu, là điểm trừ của môi trường kinh doanh VN. Tôi nghĩ rằng Bộ Công thương lấy lý do phải ban hành một thông tư mới rồi mới bãi bỏ thông tư 20, nhưng không nên “bắc cầu” như vậy, với người dân cái này hết hiệu lực là hết hiệu lực. Đó là sự chần chừ, không tiên liệu môi trường và thiếu sự nhất quán. (NGỌC AN)

NGỌC AN - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên