04/08/2004 16:27 GMT+7

Nhân trường hợp chị thỏ bông

THÚY NGA
THÚY NGA

TT - Tập tản văn của Thảo Hảo (NXB Hội Nhà Văn) đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.

ac63BZhV.jpgPhóng to

Chuyện thời sự, chuyện văn hóa, chuyện ứng xử... ta vẫn thấy, vẫn gặp, vẫn đọc hằng ngày, nó trôi qua ta vùn vụt, nó chẳng làm ta suy nghĩ sâu xa. Vậy mà đọc Thảo Hảo ta bỗng giật mình “ờ nhỉ”, có lúc bật cười vì một cách nghĩ cách nói chẳng giống ai, nhưng cũng có lúc lại hơi sờ sợ, hơi ngài ngại... Nói thẳng, lại thẳng quá như thế, đốp chát như thế... lại làm nhiều người mếch lòng mất thôi!

Nhưng biết làm sao? Làm người lật lại vấn đề, người xét nét khi xem phim, xem kịch, đọc sách, đọc báo, và nhìn sự đời nên tác giả tập sách hay nhìn thấy những cái mà nhiều người... ít nhìn.

Đến nhà trưng bày và triển lãm TP.HCM, thấy “cái cơ hội được treo cho ra treo của tranh, cũng như cơ hội được ngắm cho ra ngắm của người xem tranh, đã bị cướp mất”, vậy là có ngay một bài tự an ủi May mà không biết vẽ.

Nhìn tám trang báo Thanh Niên (số ra ngày 18-9-2002) đặc kín chữ đăng “Dự thảo báo cáo công tác của Trung ương Đoàn”, liên tưởng đến một báo cáo khác cách đó hơn 70 năm (“đọc lên nghe đơn giản, nhưng toàn những việc lớn và cốt tử”) của thanh niên Nguyễn Ái Quốc gửi Ban phương Đông Quốc tế cộng sản, vậy là buồn bã có thư Gửi Đoàn của tôi: “Chúng ta vẫn cứ nói là phải học tập Bác, nhưng chuyện đơn giản nhất, là viết cho gần quần chúng, nói cho quần chúng hiểu, thật vắn tắt, thật cụ thể, thì hình như chúng ta ít làm theo”.

Từ sự kiện hai con bò tót bị giết mà dắt díu thành trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ - những người “sống bằng sự nhớ dai của những người yêu thơ và mến văn”, những người “coi việc khoanh tay đứng bên lề cuộc sống như một việc sang trọng” (Ai sẽ làm việc này đây?).

Từ thông tin trên báo Tuổi Trẻ về một đề thi tốt nghiệp tiểu học của Sở GD-ĐT Cần Thơ - Tìm từ trái nghĩa với từ “bà ngoại”, chỉ có vậy thôi mà cũng có hẳn một bài (Giao trứng cho ác) dài gần bảy trang.

Người viết lẩn thẩn suy nghĩ ngược xuôi mà làm người đọc ngơ ngẩn cười, rồi lan man âu lo... Nỗi lo giáo dục thì nhiều, báo chí viết đủ cả, nên Thảo Hảo cũng viết, theo cách hài hước và chua chát của riêng mình (Sự nan giải của Tí, Món nợ của ngành giáo dục, Cuối cùng là lè lưỡi)...

Những người yêu văn “nhớ dai” vẫn chưa quên được một giọng văn - Phan Thị Vàng Anh của Khi người ta trẻ mấy năm rồi không thấy xuất hiện trên văn đàn. Vàng Anh bây giờ vẫn trẻ, và Thảo Hảo là một bút danh mới của chị - ba năm nay có mặt khá đều đặn trên báo Thể Thao Văn Hóa.

Những bài viết khi bất bình, khi giễu cợt, khi cay đắng, lúc xúc động, lúc lại đủ cả hỉ nộ ái ố... đã làm nên một tiếng nói riêng. Nhanh nhạy, chặt chẽ, sắc sảo (cũng có lúc hơi ngoa ngoắt một tí) và người đọc đã nhìn thấy từ đó một tấm lòng, một trách nhiệm, và cả một tâm trạng nôn nóng của một người cầm bút.

Những bài viết nay được tập hợp thành sách, không dày lắm nhưng có sức nặng. Sức nặng của một cây bút sáng tác có vẻ như đang "mai phục" trong những bài tản văn để sẽ có ngày quay trở lại...

THÚY NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên