28/09/2005 01:30 GMT+7

Nhạc Trịnh: có thể phá cách đến đâu?

NGUYỄN THANH ĐỨC
NGUYỄN THANH ĐỨC

TT - Một yêu cầu lớn trong nghệ thuật là người nghệ sĩ phải luôn luôn tự sáng tạo, làm mới mình, tránh những lối mòn cũ kỹ, nhàm chán.

SszQYHPR.jpgPhóng to
Ca sĩ Đức Tuấn (trình bày ca khúc Tôi ru em ngủ trong chương trình Trịnh Công Sơn - đêm thần thoại) - được coi như một phát hiện mới đầy hứa hẹn - Ảnh: T.T.D.
TT - Một yêu cầu lớn trong nghệ thuật là người nghệ sĩ phải luôn luôn tự sáng tạo, làm mới mình, tránh những lối mòn cũ kỹ, nhàm chán.

Đây chính là một thử thách lớn đầy tính rủi ro, đòi hỏi tự tin và dũng cảm, bởi sự mới mẻ nào cũng phải đứng trước những đối chứng với giá trị cũ đã định hình trước đó, dù là của chính mình. Chỉ cần chệch một chút trong đánh giá khả năng là rất dễ có nguy cơ... thất bại.

6PMnZg46.jpg Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên
6PMnZg46.jpg Một Cõi Đi Về
6PMnZg46.jpg Biển Nhớ
6PMnZg46.jpg Lặng Lẽ Nơi Này

Trong cuộc chiến ác liệt để chứng tỏ đẳng cấp và giành giật thị phần trong lòng công chúng, đời sống âm nhạc VN mấy năm gần đây đã diễn ra nhiều cuộc thể nghiệm tự đổi mới khá táo bạo. Có thể nói Hà Trần (Trần Thu Hà) chính là người phát pháo đầu tiên với album Nhật thực của nhạc sĩ Ngọc Đại (2001).

Mới lạ từ ca từ cho tới âm nhạc và cả phong cách biểu diễn. Không dễ nghe nhưng vẫn được công chúng - nhất là những người vốn yêu thích giọng ca cô ca sĩ này - đón nhận đầy ngạc nhiên, háo hức (dù sau đó cũng quên đi rất nhanh).

Không phải thể nghiệm nào cũng thành công, nhưng ít nhất mỗi ca sĩ đều đã cho thấy nỗ lực sáng tạo đáng trân trọng. Công chúng, tùy cảm nhận riêng của mỗi người, có thể thích hay không thích thành quả thể nghiệm ấy, nhưng hầu hết đều ghi nhận tâm huyết của nghệ sĩ.

Bởi khi tự làm mới mình (hầu hết những album thể nghiệm đổi mới đều do ca sĩ tự thực hiện), chính là người nghệ sĩ đang hướng tới sự phục vụ công chúng sao cho mới lạ hơn.

Tóc ngắn

cũng là một sự tự thay đổi mạnh mẽ về phong cách của Mỹ Linh sau khi cô lập gia đình với nhạc sĩ Anh Quân; và gần đây Chat với Mozart được coi là gan dạ hơn, khi Mỹ Linh chọn thể hiện dòng nhạc cổ điển nước ngoài bằng lời Việt.

Hồng Nhung trong năm 2004 cũng cho ra mắt Khu vườn yên tĩnh với nhiều thay đổi về đề tài và hình thức biểu diễn…

Và... trong dòng thể nghiệm đổi mới ấy, các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được các ca sĩ của chúng ta sử dụng khá tập trung.

Đàm Vĩnh Hưng có album Phôi pha, Phương Thanh có Thương một người, Thanh Lam có Ru mãi ngàn năm và gần đây là Này em có nhớ.

Trong đêm nhạc phục vụ sinh viên TP.HCM vừa qua, Đóa hoa vô thường đã được Mỹ Tâm hát như nhạc rock, thì bài này lại được trình bày như một bản hợp xướng trong chương trình Trịnh Công Sơn - Đêm thần thoại. Cũng trong chương trình không ai chê được về hiệu quả sân khấu thị giác này, nhạc Trịnh đã được thể nghiệm trình bày với dàn nhạc giao hưởng và ca đoàn phụ họa, có cả một giọng opera hàng đầu của TP.HCM dẫn đường...

Lý do nhạc Trịnh được “chiếu cố” nhiều, có lẽ vì dòng nhạc của ông dễ hát và dễ được biến hóa, đồng thời ca khúc của ông vẫn còn được rất nhiều người yêu thích. Chọn nhạc Trịnh để thể nghiệm, ca sĩ có thể yên tâm sẽ dễ thu hút công chúng: họ muốn nghe Trịnh qua ca sĩ X, Y, Z có gì mới?

Tuy nhiên với một tượng đài sừng sững như Trịnh, sự lựa chọn này cũng chính là con dao hai lưỡi. Quá mới mà không đặc sắc hơn cũ, sẽ chỉ được đón nhận dè chừng. Còn quá mới đến mức kỳ quặc, sẽ phản cảm tức thì!

Nghe vài bài hát phá cáchcủa Trịnh Công Sơn do Thanh Lam trình bày

- Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên- Một Cõi Đi Về- Biển Nhớ- Lặng Lẽ Nơi Này

Trường hợp của Thanh Lam có lẽ đã rơi vào cái lưỡi thứ hai ấy. Trong thư từ, ý kiến của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ gần đây, đã có mấy ý kiến than phiền rằng ca sĩ này đã “hành hạ” nhạc Trịnh quá tay qua hai album vừa qua, đặc biệt là với Này em có nhớ - mà bài Một cõi đi về chính là đỉnh cao của sự sáng tạo kỳ quặc.

Quả Thanh Lam chính là một ca sĩ có cá tính rất mạnh, đặc biệt từ khi kết hợp với Lê Minh Sơn thì coi như... hết cản, nhưng có bạn đọc đã bức xúc: “Sự thể nghiệm dù bằng tiền túi đi nữa thì có nên có giới hạn của nó? Nhất là với nhạc của nhạc sĩ khác, một người được cả nước yêu mến. Liệu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nếu còn sống có chấp nhận ca khúc của mình bị đổi lời và bị tra tấn thành dị dạng như thế không?”.

Chưa có câu trả lời (vì ai có thể trả lời ngoài chính nhạc sĩ, nhưng nếu đúng kiểu Trịnh thì mỗi lần bị xử tệ ông chỉ thường cười: “Kệ!”).

Nghệ thuật là vô bờ. Người yêu Trịnh loại hoài cổ thường cứ nghĩ không ai hơn Khánh Ly, Tuấn Ngọc, hoặc chỉ thích nghe Trịnh với một cây guitar gỗ; nhưng nhạc Trịnh vẫn được công chúng lớn lên sau 1975 yêu thích qua Cẩm Vân, Hồng Nhung, và bây giờ là lớp sóng khác của thời @, với Quang Dũng và sắp tới có lẽ là Đức Tuấn, 5 Dòng Kẻ... - diễn trên những sân khấu lớn với cả dàn nhạc.

Cứ mang màu sắc mới, sáng tạo mới và... hay là đáng trân trọng. Đó có lẽ cũng chính là một hạnh phúc của Trịnh mà không phải ai cũng có được.

LTS: Đã có nhiều thư của bạn đọc, tạo cảm hứng cho BTV Nguyễn Thanh Đức viết bài này. Tuy nhiên, vấn đề có lẽ sẽ còn nhiều ý kiến thú vị từ chính bạn đọc. Tòa soạn xin sẵn sàng đón nhận qua địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, hoặc toasoan@tuoitre.com.vn; vanhoavannghe@tuoitre.com.vn

NGUYỄN THANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên