18/05/2005 13:51 GMT+7

Nhạc sĩ Phạm Duy và ngày về: Niềm vui hòa hợp

Theo Thanh Niên - VietNamNet
Theo Thanh Niên - VietNamNet

9 giờ 45 ngày 17-5-2005, nhạc sĩ Phạm Duy đã về đến phi trường Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Ông đã nhiều lần về VN, nhưng đây là lần về rất đặc biệt: về ở hẳn.

Kk5wAsrR.jpgPhóng to

Từ trái sang: Duy Minh, nhạc sĩ Phạm Duy, Duy Quang và Duy Cường - Ảnh: VNN

Ban giám đốc khách sạn Saigon Star đã dành riêng cho ông một căn phòng đầy đủ tiện nghi để ở lâu dài. Tại khách sạn, không cần nghỉ ngơi, ông trò chuyện với chúng tôi

* Xin ông cho biết cảm giác của mình ngay lúc này?

- NS Phạm Duy: Rất vui. Lẽ ra tôi tính về sớm hơn nhưng cách đây một tháng, tôi bị xuất huyết ruột, sợ bị ung thư, nên nán lại. Sau khi khám thì bác sĩ cho biết đây chỉ là một trong những trường hợp hay xảy ra với người già. Chính ra tôi muốn về VN ngay ngày 30-4 vừa rồi vì đối với tôi, ngày này là một kỷ niệm. 30 năm trước tôi ra đi cũng ngay thời điểm này nên trở về đúng ngày 30-4 sẽ là một niềm vui... tích cực.

* Nguyên nhân nào để ông quyết định trở về ?

- Tôi có quyết định về VN từ năm 1988. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã cho thế giới thấy một VN cởi mở như thế nào. Từ chuyện muốn về nước, nên tôi đã viết ca khúc Hẹn em năm 2000 và khi nhà tôi mất năm 1999, tôi không còn vướng bận chuyện gia đình nữa, càng thôi thúc tôi phải về hơn. Từ đó đến nay, tôi đã về 10 lần, những gì mắt thấy tai nghe đủ cho tôi quyết định về hẳn.

Tôi đi nhiều nước, chưa có dân tộc nào yêu cuộc sống như dân tộc VN, quyến rũ cả người ngoại quốc. Đời sống của dân mình tôi thấy đã thay đổi hoàn toàn, ngay cả làng mạc nay cũng khang trang, sạch sẽ. Người nông dân tuy còn đi cày, nhưng trên bờ ruộng lại có chiếc Honda, không phải lội bộ như ngày xưa.

* Thưa ông, còn nguyên nhân nào nữa?

- Thời bỏ nước ra đi, những năm đầu đau khổ, tất cả được diễn đạt bằng âm nhạc rồi, tôi không muốn nhớ lại nữa. Kể từ năm 1988, tôi đã thay đổi, sống xa đất nước chỉ viết những gì thuộc về tâm linh, thiền ca, đạo ca, trường ca Hàn Mặc Tử, chỉ những gì liên quan đến lịch sử.

Xã hội năm 2000 khác năm 1945, ngay chuyện tình ca quê hương cũng khác. Chỉ những ai sống cùng đất nước mới có thể viết âm nhạc về đề tài xã hội. Về đây, tôi mới có thể đóng góp một phần nhỏ bé - âm nhạc của tôi - cho nền âm nhạc quê hương.

* Xin ông một cụm từ ngắn gọn nhất để diễn đạt tình cảm của mình về thời gian ở xứ người?

- Một đêm dài. 30 năm qua, một đêm dài, mở mắt ra thấy mặt trời. Tôi đã quên hết tất cả.

* Xin ông cho biết dự định ở một tương lai gần?

- Những ngày đầu tiên ư? Tôi sẽ làm mọi thủ tục như viết đơn xin làm thẻ công dân để đủ tư cách pháp nhân hành nghề, một chiếc xe để đi, căn nhà để ở, và một... cô vợ để sống (cười). Này! 5 năm qua tôi để tang vợ rất trung thành rồi đó !

* Còn lĩnh vực nghề nghiệp, thưa ông?

- Nếu có những tổ chức văn nghệ nào yêu mến Phạm Duy, cần Phạm Duy đóng góp, tôi sẽ sẵn sàng. Và cho dù năm nay đã 86 tuổi rồi, nhưng giọng hát của tôi vẫn còn trong lắm, ai mời thì tôi sẽ hát ngay (cười).

* Xin cám ơn nhạc sĩ.

Suy nghĩ và cảm xúc của các văn nghệ sĩ trước tin Phạm Duy về hẳn VN

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: Sự bao dung đã đánh thức lòng người

1. Nhạc sỹ Phạm Duy có ý niệm về cội nguồn rất mạnh mẽ, nên đã về VN nhiều lần.

Có lần tôi đã nói với anh em nghệ sỹ trong nước là Quảng Trị của tôi mắc nợ Phạm Duy vì ông đã sáng tác cho Quảng Trị 3 bài hát rất nổi tiếng: Bà mẹ Gio Linh, Bà mẹ quê, Em bé quê.

Bài hát Bà mẹ Gio Linh đã để lại ấn tượng sâu thẳm trong lòng người dân Quảng Trị. Lần trước, khi Phạm Duy muốn tìm về trên nền nhà cũ của "bà mẹ Gio Linh" - nhân vật của bài hát - ngoài đời thì có đến hàng trăm bà mẹ nhận bài hát đó là viết cho mình. Đó là hiện tượng của bài hát đã đi sâu vào lòng người. Một bài hát như vậy mà không được phổ biến thì quả là đáng tiếc.

2. Ngày ra đi, cứ tưởng Phạm Duy sẽ không có ngày về. Trong lần về trước, không biết Nhà nước đã nói gì với anh, nhưng anh đã về và được đứng trên nền nhà của Bà mẹ Gio Linh. Điều đó thể hiện sự bao dung của Nhà nước. Tôi cho rằng, chỉ có sự bao dung mới làm cho người ta nghĩ lại mọi thứ. Tôi cũng nghĩ rằng, sự bao dung này không nên coi là đặc ân với riêng ai, mà hãy mở lòng ra với tất cả những người muốn quay về. Như Phạm Duy còn về được, huống chi là những người khác.

3. Nhạc sỹ đại thụ (theo cách nhìn của quốc tế) chỉ có 3 người là Văn cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, thì hai người kia đã mất, chỉ còn Phạm Duy nên việc về ở hẳn của ông rất có ý nghĩa. Rất nhiều công chúng trông mong ông trở về và mừng rỡ trước tin này.

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Nên để những bài hát đẹp, bài hát hay của Phạm Duy được trở về theo ông...

1. Theo tôi, dù ở đâu, phương trời nào trên trái đất này, Phạm Duy cũng không thoát khỏi "con người Việt", không thể tách rời khỏi hồn Việt. Đó là định mệnh của một con người mà gốc gác âm nhạc là từ hồn Việt mà ra. Tôi nói như vậy là vì những lý do sau đây:

- Ông là người đầu tiên đưa dân ca vào ca khúc Việt. Những bài hát của ông thấm đẫm tâm hồn Việt. Nói một cách minh bạch, chúng ta phải ghi công Phạm Duy ở khía cạnh này. Ông cũng là người đầu tiên lấy cảm hứng âm nhạc từ truyện Kiều. Bộ "Kiều ca" của ông được sáng tác khi ở xa nước đủ để đem lại những cảm xúc mới mẻ về tuyệt tác thi ca truyện Kiều cho chúng ta - những người Việt ở trong nước. Cách đây hơn mười năm, khi còn làm TKTS tạp chí Âm nhạc, tôi đã đăng tải bài viết của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường với tiêu đề: "Đêm nghe Kiều ca cùng Phạm Duy ở Paris" qua đó đã có sự chia sẻ sâu sắc với Phạm Duy về tình cảm sâu nặng đối với di sản văn học của đất nước.

- Phạm Duy về nước lần đầu vào năm 1998 - nhưng với tư cách là người về thăm quê hương chứ không phải với tư cách nhạc sĩ. Nhưng trong mấy năm qua, sau những chuyến đi, ông đã làm trên dưới 10 bài hát, hợp thành đĩa "Hương ca". Tôi đã nghe đĩa nhạc này và rất xúc động với hồn quê, hồn nước trong đó. Dù chỉ là những cuộc trở về ngắn ngủi, nhưng những bài hát đó thể hiện sự tha thiết với nguồn cội. Kể cả bài "Tắm truồng" - bài hát bị phê phán - thì tôi cũng thấy thấm đẫm tình cảm của người rất yêu quê. Điều đó chứng tỏ, dù ở đâu ông cũng không xa rời được dân tộc Việt.

- Phạm Duy là người có tên tuổi trong thời kỳ đầu của tân nhạc VN trước 1945. Ông là nhạc sĩ đã tham gia Cách mạng (CM) không chỉ bằng tác phẩm mà bằng sự dấn thân đối với CM. Ông đã từng vào miền Trung, đi thẳng đến chiến trường Bình Trị Thiên, ăn khoai với các bà mẹ, bà chị ở Quảng Trị, nghe những câu chuyện của những bà mẹ có con đi làm Cách mạng và bị chặt đầu. Và ông đã viết một bài hát rất Cách mạng, bài hát vừa thể hiện sự căm thù sâu sắc với giặc Pháp, vừa miêu tả được tấm lòng của những bà mẹ VN anh hùng. Đó là bài hát "Bà mẹ Gio Linh" nổi tiếng. Nhờ bài hát mà sau này có người đề nghị ở Quảng Trị nên có con đường "Bà mẹ Gio Linh". Việc này chưa được thực hiện, nhưng những bài hát như thế của Phạm Duy là tài sản quý của âm nhạc Cách mạng VN, của nhân dân. Đó là sự đóng góp đáng ghi nhận, không thể từ chối.

Trong cuộc đời của Phạm Duy, có những đoạn đời, đoạn đường khác nhau, và ông đã xa quê Bắc của ông hơn nửa thế kỷ, xa Tổ Quốc 30 năm. (Mỗi con người đều có những giai đoạn phức tạp - đó mới là con người). Nhưng trong ông luôn nhớ về cội nguồn như bất cứ người VN nào.

2. Nhạc sĩ Phạm Duy đã trở về nước. Tôi mong muốn những bài hát hay, những bài hát đẹp của ông được trở về với ông trên đất nước này. Nên có một chương trình mà những ca khúc Cách mạng của ông được ra mắt. Những bài hát về quê hương, những tình ca hay, cả bộ Kiều ca của ôngcũng nên đến được mọi người.

Chúng ta, những người yêu đất nước và thực sự nhân văn nên để điều đó được hiển thị.

* Lá rụng về cội* Phạm Duy: Về đây với những thương yêu hàng ngày * Về quê ăn tết, nhạc sĩ Phạm Duy: “Tôi thiết tha về hẳn quê nhà”

Theo Thanh Niên - VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên