29/10/2006 06:04 GMT+7

Nhạc sĩ Hoài Sa: Qui tắc vàng tôi học từ Trịnh Công Sơn

NHẬT BÌNH thực hiện
NHẬT BÌNH thực hiện

TT - Hỏi về nhạc công chơi piano nổi tiếng hiện nay, nhiều đạo diễn, chủ phòng trà trả lời ngay: Hoài Sa. Còn vị trí hòa âm anh cũng thuộc vào hàng top.

lwfhZ0FQ.jpgPhóng to
Ảnh tư liệu

Phần hòa âm phối khí của Hoài Sa ngẫu hứng, thanh thoát, sáng sủa; giai điệu có thần khí. Anh luôn đi thăng bằng trên dây giữa hai con người: nhạc công và nghệ sĩ.

Khi được hỏi “Vì sao Sa không làm album hoặc giới thiệu sáng tác của mình?”, Sa từ tốn: “Phải từ từ, bình tĩnh tôi mới tìm được cân bằng. Tôi chưa vội đưa ra những sáng tác của mình một khi chưa vừa ý, và vẫn mê làm nhạc công. Nếu nói tôi đang tìm cách thoát khỏi cái bóng nhạc công thì sợ anh em trong ban nhạc buồn”.

Có người ví Sa là “cậu bé” Peter Pan không chịu lớn trong vương quốc âm nhạc. “Cậu bé” ngoài 30 ấy suốt ngày nếu không phải tập cùng ban nhạc thì bận ngập đầu phối nhạc hoặc nghiên cứu, cập nhật kỹ thuật mới. Rảnh nữa thì lao vào sưu tập jazz.

Gặp lại một Hoài Sa trong đêm nhạc Tuấn Ngọc. Sa thăm thú mảnh vườn pop-jazz của mình, thêm những khóm xanh blues, để ca sĩ Tuấn Ngọc ướm giọng vào đó không chê vào đâu được. Chính nghệ sĩ Tuấn Ngọc cũng đã khen ngợi anh hết lời: “Hoài Sa và ban nhạc của anh là ban nhạc chơi hay nhất từ trước tới giờ mà tôi được biết”.

Lại nói anh tìm ra Hoài Sa đã lâu rồi và nhắm nếu về VN thì chỉ làm việc với Sa. Cũng là một tay guitar có hạng và rất giỏi phối khí, lại là một nghệ sĩ kén chọn và cầu toàn, vậy mà Tuấn Ngọc đã để Sa hoàn toàn làm theo ý mình bởi anh “chưa tìm ra một ai đồng cảm trong gu âm nhạc đến vậy”.

Hầu hết những chương trình lớn đều có Sa tham gia, chơi cùng dàn nhạc hoặc trong vai trò hòa âm phối khí. Trên sân “Bài hát Việt”, Sa đã hai lần giật giải. Kỹ thuật hòa thanh của Sa được anh lý giải gọn lỏn: “Với tôi, giai điệu là người dẫn đường, nhịp điệu đẻ ra sự hưng phấn, còn hòa thanh là cái xương sống nối hai phần ấy lại.

Người chơi piano thường có lợi thế khi hòa thanh. Đặc biệt, người chơi cổ điển lại càng lợi thế hơn khi chơi nhạc jazz hay phối màu jazz”. Trong mỗi bài phối của Sa bao giờ cũng có một lối “phiêu” rất nhẹ, mỏng manh một nét tài hoa.

* Trong khi các nhạc sĩ khác thích pha trộn nhiều thể loại cho đa dạng phong cách, Hoài Sa lại thiên về nhạc “chay”, tức cổ điển phải ra cổ điển. Có phải vì anh không thích thay đổi?

- Tôi có thể pha trộn được như nhiều người, nhưng nếu chỉ làm được 70-80% sức mình thì chưa thể hài lòng. Với tôi, làm gì cũng phải tới nơi tới chốn. Mình không thể đem khán giả ra thí nghiệm. Tôi quan niệm muốn đánh giá một album, điều đầu tiên không ở phong cách hay kỹ thuật mà quan trọng là CD đó có hay hay không. Tôi ghét làm CD theo kiểu thể nghiệm cho ra tính cách chứ không phải âm nhạc. Bởi một khi anh bán hàng cho khán giả, món hàng đó phải hoàn hảo; nếu không, như lừa người ta.

Còn về phong cách, bản thân tôi từ xưa tới nay vẫn vậy. Tôi yêu cái đẹp lãng mạn. Nghe nhạc là để nghe chứ không là gì khác. Tôi chỉ chơi jazz. Quan niệm đã yêu jazz thì không được phá hỏng nó. Nhiều nhạc sĩ lạm dụng jazz hơi quá. Tôi tâm đắc với nhận xét của một nghệ sĩ nhạc jazz người Pháp khi ông nói một số nghệ sĩ VN thích những bài nổi, trưng trổ, chơi có tính chất “hù dọa”, mà chưa hiểu tác phẩm hay ở chiều sâu như thế nào.

* Nói về âm nhạc để nghe, sức hấp dẫn ở các bản phối của anh có tuân theo nguyên tắc vàng nào?

- Trong các bản phối đó một nửa là của tôi, nửa phong cách còn lại phụ thuộc tác giả bài hát. Mình không áp đặt được phong cách cho người khác mà phải đọc họ. Đầu tiên, khi phối nhạc của bác Phạm Duy, tôi thấy khó. Nhưng càng làm càng thấy rằng phối bài hay không khó, nếu bản thân tác phẩm bật cho mình cảm xúc. Bài Quê nghèo khi nghe kỹ, tôi mường tượng tất cả phần hòa âm rõ ràng ngay trước mắt và có một cảm xúc rất lạ.

Chính vì thế, tôi nghĩ rằng tác phẩm âm nhạc trước hết phải hay thì phần phối mới hiệu quả. Như âm nhạc của Trịnh Công Sơn, trong sáng, giản dị, hát mà như không hát; nhưng không phải ai tơ lơ mơ cũng hát được. Có sự tối giản thì mới lên tới đỉnh - đó là qui tắc vàng khó nhất mà tôi học được ở ông. Ngày còn bé, 7 tuổi đã được cha dạy đàn, đánh được câu nào khó thì mừng lắm. Nhưng lớn rồi, tôi hiểu khi đã có kỹ thuật, mình buộc phải quên nó đi để quay lại từ đầu với sự tối giản.

* Anh có buồn lòng vì cái sự nhiễu trên thị trường âm nhạc?

- Một nền âm nhạc chưa chuyên nghiệp thì không trách được ai, ngay cả ca sĩ. Một số không ý thức được về mình, ít kiến thức, ít học hỏi. Và chưa có thói quen như ca sĩ nước ngoài: họ phải mướn những nhà sản xuất giỏi dù tốn bao nhiêu tiền chăng nữa để người đó hướng dẫn, thậm chí để... chê và chỉ ra cho họ cái dở. Mình thì ngược lại, ai bỏ tiền ra thì bắt người đó làm theo ý mình. Có thể 5-10 năm nữa mới có những nhà sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp.

* Cảm ơn Hoài Sa.

NHẬT BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên