25/12/2006 19:35 GMT+7

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: Tôi không ăn may

Nguồn: Nguyệt Nhi - Theo Thể thao và Văn hóa
Nguồn: Nguyệt Nhi - Theo Thể thao và Văn hóa

Giải thưởng Hội Nhạc sĩ 2006 đã đem đến cho nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, chuyên về khí nhạc, niềm vui bất ngờ khi đoạt giải về ca khúc. Lời ru cao nguyên của anh đã giành số điểm cao nhất (không có giải A).

oK8AbcJm.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc
Giải thưởng Hội Nhạc sĩ 2006 đã đem đến cho nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, chuyên về khí nhạc, niềm vui bất ngờ khi đoạt giải về ca khúc. Lời ru cao nguyên của anh đã giành số điểm cao nhất (không có giải A).

* Anh có nghĩ… mình gặp may không?

- Tôi nghĩ nếu đã vượt qua được đến 500 bài hát thì cũng khó có thể nói là ăn may. Thực ra, kể cả giải năm nay thì tôi có đến chín giải hàng năm của Hội nhạc sĩ về ca khúc. Cho phép tôi được kể tên các bài đó là: bốn ca khúc nghệ thuật gồm có Mưa…, Bao giờ cho nguôi nhớ, Khúc hát Trương Chi, Phác thảo mùa thu. Và năm ca khúc gồm Hoa lục bình, Mùa thi năm ấy, Tôi vẫn hát, Ngọn gió mùa xuân và năm nay là Lời ru trên cao nguyên.

Trong một số bài báo tôi đã viết về sự phát triển rầm rộ và lệch lạc của thể loại ca khúc quần chúng, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của nền âm nhạc VN. Nếu ai đã đọc những bài báo ấy, có thể nghĩ rằng vì tôi không viết được thể loại nào ca khúc quần chúng nên nghiêng về khí nhạc. Vì vậy, giải thưởng cao nhất của Hội nhạc sĩ về ca khúc mà tôi giành được nhiều năm nay là chiến thắng “kép”. Bởi vì sự thật cũng có một số nhạc sĩ của ta nổi tiếng về khí nhạc nhưng lại không viết được thanh nhạc.

* Vậy thì giữa khí nhạc và thanh nhạc, anh thiên về mảng nào?

- Tôi nghĩ rằng, một nhạc sĩ chuyên nghiệp (tôi luôn nghĩ mình là nhạc sĩ chuyên nghiệp) nên cân bằng cả hai mảng. Hai mảng sẽ có sự bổ sung cho nhau. Khí nhạc sẽ làm cho thanh nhạc khúc chiết, phong phú hơn, thanh nhạc lại làm cho khí nhạc giàu chất giai điệu và bay bổng hơn.

Trong lịch sử âm nhạc thế giới, các nhạc sĩ lớn từ Bach, Mozart cho tới Debussy, Ravel Stravinsky, Shostakovich… đều có mảng thanh nhạc rất phong phú, họ viết từ ca khúc, romance, cho tới opera. Nhưng vì mảng khí nhạc của họ quá vĩ đại nên mảng ca khúc của họ ít người để ý tới hơn.

* Trên con đường âm nhạc chuyên nghiệp của anh, anh đã viết được những gì về thanh nhạc để cân bằng với mảng khí nhạc?

- Năm ngoái, tôi đã hoàn thành tập 10 bài a cappella, sau đó dành hợp xướng 50 người của nhà hát Nhạc vũ kịch VN đã biểu diễn hai đêm ở Nhà hát lớn HN (tháng 4-2005). Còn năm nay, tôi vừa hoàn thành tập Tuyển tập 60 bài romance và ca khúc cho giọng hát và piano. Tôi nghĩ mảng thanh nhạc như thế là tương đối yên tâm và từ năm tới, tôi sẽ chuyên tâm vào khí nhạc.

* Anh có thể nói qua về Tuyển tập 60 bài romance và ca khúc cho giọng hát và piano của anh có gì đặc biệt? Trước anh, ở VN đã có ai viết như thế chưa?

- Hầu hết những người viết ca khúc của VN ta không viết được phần đệm cho chính ca khúc của mình, điều đó nói lên tính thiếu chuyên nghiệp của nền âm nhạc VN. Nếu ta giao lưu với giới âm nhạc chuyên nghiệp của thế giới mà ta chỉ đưa ra những bài hát chỉ có mỗi giai điệu (tất nhiên đã là bài hát thì có cả lời ca nữa) thì tôi chắc chắn rằng họ sẽ không để mắt đến đâu. Và họ sẽ nghĩ gì về nền âm nhạc chuyên nghiệp của ta? Chắc ai cũng đoán được.

* Trở lại với giải thưởng của Hội nhạc sĩ năm nay, nhiều ý kiến cho rằng các ca khúc được giải thưởng của Hội ít ra được thị trường, ít được sử dụng, trong lúc thị trường ca nhạc quá thiếu ca khúc. Có gì là nghịch lí không? Anh có nghĩ là ca khúc của anh sẽ “đắt hàng”, ví như ai đó định mua độc quyền chẳng hạn?

- Ta đâu có thiếu ca khúc, ta đang lạm phát ca khúc vào hàng nhất thế giới thì đúng hơn. Nhưng ca khúc hay thì luôn luôn hiếm. Tất nhiên ca khúc được giải mà ra được thị trường thì rất tốt , nhưng ta cũng nên phân biệt tiêu chí chấm giải của Hội nhạc sĩ và tiêu chí thị trường không phải bao giờ cũng trùng nhau. Điều đó chẳng có gì là nghịch lí cả. Một ca khúc, để có thể nổi nhanh nhất trên thị trường phải có sự lăng xê và các ngôi sao.

Vì vậy, hiện nay rất nhiều nhạc sĩ tầm tầm nhưng đang rất nổi tiếng bởi họ nắm được công nghệ lăng xê và dàn các ca sĩ ngôi sao. Còn riêng tôi, tôi chỉ quan tâm đến việc viết được cái gì mới và hay chứ không quan tâm đến lăng xê tác phẩm. “Đắt hàng” hoặc có ai mua ca khúc của tôi, điều đó xa lạ với tôi và tôi không quan tâm.

* Xin hỏi câu cuối cùng, anh đã phát biểu trên báo chí rằng “tôi không tin lắm và các loại giải thưởng và danh hiệu nghệ thuật ở VN” vậy mà anh đã đoạt rất nhiều giải của Hội Nhạc sĩ và Hội Điện ảnh VN. Vậy những giải thưởng mà anh nhận có đáng tin không?

- Tôi chỉ tin vào sự đánh giá của chính mình với tác phẩm của mình, còn những lời phát biểu của tôi trên báo như trên, tôi vẫn cho là đúng.

Giải thưởng hội Nhạc sĩ Việt Nam 2006

THANH NHẠC:

Ca khúc: Giải nhất: không có, Giải nhì: Lời ru cao nguyên (Đặng Hữu Phúc), Chợ tình Sapa (Phan Long), Trở về đồi cỏ cháy (Đình Nghĩ); Giải ba: Lời tỏ tình năm mới (Nguyễn Khánh Vinh), Trăng xưa (Trần Xuân Tiên), Rồng hóa đá (Đỗ Hoài An), À ơi ví dặm (Phan Thanh Chương), Lấp lánh Cam Ranh (Hình Phước Liên), Rong chơi (Nguyễn Đức) và 14 giải khuyến khích.

Ca khúc thiếu nhi: Giải nhất: Con còng gió (Phạm Quang Trung)

KHÍ NHẠC:

Thể loại giao hưởng: Giải A: không có; Giải B: Một thời và mãi mãi (âm nhạc cho kịch múa của tác giả Doãn Nho - Doãn Nguyên), Tiếng hát sông Hương (Suite Concertante của Hoàng Dương).

Thể loại hòa tấu thính phòng: Giải A: không có; Giải B: Vũ khúc chim sáo (tứ tấu kèn đồng của tác giả Lê Quang Vũ)

LÝ LUẬN:

Sách nghiên cứu - lí luận: Giải A: Lý trong dân ca người Việt (Lư Nhất Vũ - Lê Giang)

Sách biên soạn, tư liệu, sưu tầm: Giải A: không có; giải B: Nhạc VN những vùng sáng tối (Nguyễn Đình San), Men rượu hồng đào (Trương Đình Quang)

Nguồn: Nguyệt Nhi - Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên