Phóng to |
Nhà vườn Huế vẫn tiếp tục chờ chính sách để bảo tồn - Ảnh: M.T. |
Ông Nguyễn Đình Đấu, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết có nhiều lý do gây khó khăn cho việc quản lý, ngăn chặn khai thác cát, sạn trái phép trên các sông. Hiện nay có khoảng 400 hộ dân vạn đò, trong đó một phần lớn sống bằng nghề khai thác cát, sạn và là các hộ nghèo, chủ yếu khai thác thủ công. Hằng ngày có trên 100 thuyền khai thác cát sạn trên các sông của tỉnh, đa số là các thuyền nhỏ có sức chứa dưới 20m3, có khoảng 20 thuyền sức chứa từ 20-60m3. Trong khi đó, hoạt động xây dựng ngày càng tăng khiến nhu cầu cát sạn càng lớn (ước tính hằng năm cần khoảng 1,3 triệu m3 cát và 300.000m3 sạn).
Các sông của tỉnh lâu nay vẫn chưa được khảo sát, đánh giá và quy hoạch nguồn tài nguyên cát, sạn một cách cụ thể; giữa các lòng sông trên địa bàn tỉnh thường là ranh giới giữa các xã, huyện nên gây khó khăn trong công tác quản lý khai thác cát, sạn trái phép.
Trước mắt, để quản lý việc khai thác cát, sạn, theo ông Đấu, cần có các giải pháp như giao ngành chức năng lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát sỏi lòng sông, quy hoạch bến bãi tập kết và kinh doanh cát sạn; đặt các biển báo khu vực cấm hoặc tạm cấm khai thác cát sỏi trên sông Hương và triển khai trên các sông còn lại; các đơn vị chức năng, chính quyền tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát việc khai thác cát, sạn trên địa bàn mình...
Trước nguy cơ mai một nhà vườn Huế, tỉnh cũng đã có đề án chính sách bảo vệ nhà vườn nhưng bốn năm qua vẫn chưa triển khai. Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Tôn Thất Bá cho biết trong quyết định của UBND tỉnh năm 2006 về việc phê duyệt đề án chính sách bảo vệ nhà vườn Huế đến năm 2010, đã giao trách nhiệm cho UBND TP Huế chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành liên quan xây dựng dự thảo “Quy định một số chính sách quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế”.
UBND TP Huế đã khảo sát, lập danh sách 150 nhà vườn thuộc diện cần được bảo vệ trình UBND tỉnh phê duyệt. Thế nhưng, do dự thảo quy định đến nay vẫn chưa thông qua nên chưa triển khai được quỹ bảo tồn nhà vườn Huế (dù đã bố trí vốn 2 tỉ đồng), kéo theo sự dở dang chính sách bảo vệ nhà vườn Huế.
Ông Bá lý giải nguyên nhân dự thảo chưa được thông qua dù đã tổ chức nhiều cuộc họp, lấy ý kiến người dân là do “chưa có cơ chế đặc thù về các loại thuế cho nhà vườn Huế” và chưa có chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất, mua nhà với giá ưu đãi đối với chủ nhân các nhà vườn khi có nhu cầu tách hộ, hoặc phát sinh nhu cầu về nhà ở - một nội dung quan trọng trong chính sách bảo vệ nhà vườn Huế. Hiện nội dung dự thảo nói trên đã được trình Sở Tư pháp tỉnh thẩm định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận