Phóng to |
Thành chụp ảnh chung với giáo sư Louis Chen (người Singapore) tại trung tâm quốc tế vật lý lý thuyết ở Ý năm 2007 - Ảnh: Lê Văn Thành cung cấp |
Vào địa chỉ www.ams.org/mrlookup (Ams là tên viết tắt của American Mathematical Society tức Hội Toán học Mỹ, còn mr là Mathematical Review có nghĩa điểm báo toán học), gõ thêm họ tên không dấu Le Van Thanh, chúng ta có thể xem bất cứ bài báo nào của Lê Văn Thành, in trên tạp chí toán học nào, số bao nhiêu, vào năm nào, từ trang mấy đến trang mấy.
Sinh năm 1978, xuân Canh Dần này Thành bước sang tuổi 32. Ngay khi còn học cao học, Thành đã có công trình công bố quốc tế. Sau đó, Thành lần lượt được in thêm 15 công trình khác, phần lớn ở các nước phát triển. Ai cũng biết chỉ cần hai hoặc ba công trình ở tầm mức ấy là đã có thể bảo vệ luận án tiến sĩ. Thành hiện là một trong những nhà toán học có số công trình công bố quốc tế nhiều nhất ở Trường đại học Vinh. |
Với bài báo “Về luật mạnh số lớn đối với mảng hai chiều các biến ngẫu nhiên độc lập theo khối và trực giao theo khối” (On the strong law for two-dimensional arrays of blockwise independent and blockwise orthogonal random variables) do Thành viết với sự hỗ trợ của PGS.TS Nguyễn Thành Quang - chủ nhiệm khoa toán Trường đại học Vinh, trước khi đưa in trên tạp chí Probability and Mathematical Statistics (Xác suất và thống kê toán học) số 2-2005, bài báo ấy đã được các chuyên gia có thẩm quyền phản biện kỹ. Bởi thế mới được chuyên mục “điểm báo toán học” của Hội Toán học Mỹ ghi nhận.
Qua các công trình đã công bố, Lê Văn Thành biết GS Andrew Rosalsky, Đại học Florida (Mỹ), là một chuyên gia có tiếng đang nghiên cứu cùng lĩnh vực với Thành. Hầu hết các tạp chí toán học quốc tế đều bán một bài báo từ 10-45 USD. Là con một gia đình nông dân nghèo, mẹ mất sớm, cha ốm đau luôn, Thành không có tiền để mua các bài báo khoa học theo cung cách “chính tắc”. Thành đành vào trang web của mấy tờ tạp chí “gối đầu giường”, rồi download miễn phí bản tóm tắt các bài báo của Rosalsky, sau đó gửi email đề nghị ông cung cấp toàn văn các bài báo ấy.
“Hầu như ngày nào tôi cũng lên mạng, hễ nảy ra ý tưởng mới là gửi ngay email cho ông. Để giải quyết trọn vẹn một vấn đề khó, thường mất cả năm trời thư đi từ lại. Kết quả in được bài báo 12 trang trên tạp chí Stochastic Analysis and Applications (Giải tích ngẫu nhiên và ứng dụng) số 1-2006” - Thành kể. Giáo sư Rosalsky rất đỗi ngạc nhiên khi nhận được thư của một bạn trẻ nghiên cứu khoa học từ thành phố Vinh xa lắc. Ông liền mời Thành cộng tác để nghiên cứu về sự hội tụ đầy đủ theo trung bình của tổng các biến ngẫu nhiên độc lập trong không gian Banach.
Thành còn viết chung công trình với một số nhà toán học nước ngoài khác như Andrei Volodin (Canada), Ulrich Stadmueller (Đức)...
“Bản danh sách ISI”
Ngày nay, để đánh giá sự đóng góp của một nhà khoa học, nếu chỉ nêu lên số lượng công trình thì chưa đủ, còn phải căn cứ vào chất lượng các công trình ấy, được thể hiện qua chỉ số trích dẫn (citation index). Một công bố khoa học được nhiều đồng nghiệp trích dẫn là một công bố có hệ số ảnh hưởng (impact factor) cao.
Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information, viết tắt là ISI) được Eugene Garfield sáng lập năm 1960. Danh sách các tạp chí được ISI tuyển chọn (gọi tắt là danh sách ISI) dựa trên chỉ số trích dẫn. Danh sách ISI hiện là danh sách khách quan nhất, được chấp nhận rộng rãi trên thế giới. Hầu hết tạp chí khoa học có uy tín nhất đều được đưa vào danh sách ISI. Các tiêu chí đánh giá của ISI được hầu hết các tổ chức khoa học trên thế giới dùng làm nguồn tham khảo chính để xác định thực lực nghiên cứu của một nhà khoa học, một viện, một trường đại học, một nước. Để có tên trong danh sách ISI không phải là chuyện dễ. Chẳng hạn, tính đến năm 2003, Trung Quốc có 4.497 tạp chí khoa học nhưng chỉ mới có 67 tạp chí được chọn vào danh sách ISI. Và cho đến nay chưa có tạp chí khoa học nào của VN lọt vào danh sách ấy.
PGS.TS Nguyễn Thành Quang cho hay Thành đã công bố 16 công trình; không ít trong số đó được in trên các tạp chí thuộc danh sách ISI, nghĩa là các tạp chí được trích dẫn nhiều, có tầm ảnh hưởng rộng. “Nghiên cứu khoa học ở “tỉnh lẻ” dễ rơi vào tình trạng “ếch ngồi đáy giếng”! Thế nhưng Lê Văn Thành và nhiều bạn trẻ khác trong khoa toán chúng tôi (như Kiều Phương Chi 29 tuổi, Nguyễn Văn Đức 27 tuổi, Nguyễn Trần Thuận 22 tuổi...) tránh được tình trạng ấy. Bởi vì các bạn ấy dám mơ ước vươn ra thế giới. Và điều đáng quý hơn nữa là luôn khiêm tốn, coi thành công của mình chỉ mới là bước đầu tập dượt trên con đường dài, rất dài của khám phá, phát minh” - tiến sĩ Quang nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận