16/07/2007 04:05 GMT+7

Nhà thơ Phạm Nguyên Tường: Tôi mang ơn Áo Trắng

LAN HOÀI thực hiện
LAN HOÀI thực hiện

AT - Đã “phì nhiêu” hơn nhiều so với bức ảnh đang điều hành GĐAT Huế cách đây gần 15 năm (đăng lại trên AT số 1 bộ mới), nhưng dung mạo của anh thì vẫn vậy: trẻ con, cười hiền và to cao... không đụng hàng.

CQxX7CAs.jpgPhóng to

Phạm Nguyên Tường ở Luxembourg

Đó là thạc sĩ, bác sĩ xạ trị khoa Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế và chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế, trong một buổi chiều tháng sáu trò chuyện nhâm nhi bên ly cà phê Vườn Thiên Đàng ở Huế...

Kỷ niệm khó quên của anh đối với Áo Trắng?

- Tôi khởi sự làm thơ... tình vào những năm còn học cấp III. Tôi yêu sớm mà! Hồi đó tôi cuồng si với thơ lắm. Làm nhiều, chép cho bạn bè đọc, cả nhờ thầy cô đọc hộ. Chỉ có điều, gửi đi khắp nơi mà không có tờ báo hay tạp chí nào in cho. Đang chán nản với “tài năng” của mình, thì đúng vào một ngày đẹp trời, hồi đó tôi đang còn học năm thứ nhất khoa Anh, Đại học Sư phạm Huế, tôi bất ngờ nhìn thấy Áo Trắng số 1 trên quầy báo.

Tôi mua về, đọc nghiến ngấu và hiểu ngay rằng đây chính là tờ báo của tôi. Ngay trong đêm ấy tôi chép một chùm thơ gửi về AT. Và bài thơ Nốt si của tôi được đăng ngay trên Áo Trắng số 2, tháng 9-1990. Với tôi, “ánh chớp” mà hai chữ Áo Trắng đập vào mắt tôi ngày đó là kỷ niệm rứt ruột mà tôi suốt đời không thể nào quên! Để được trưởng thành như ngày hôm nay, tôi thật sự mang ơn Áo Trắng!

*“Thời gian làm trưởng GĐAT Huế, anh tâm đắc điều gì?

- Suốt mười năm làm trưởng GĐAT Huế, tôi có thêm nhiều bạn bè, được sống cùng nhau những tháng ngày tươi vui, thân ái, và... mộng văn chương đầy trời! Điều mà tôi tâm đắc nhất, là tôi đã may mắn có được sự tín nhiệm tuyệt đối của tất cả mọi thành viên GĐAT, sự ủng hộ của Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Huế, và đặc biệt là sự bảo trợ “không hoàn lại” của nhà văn Đoàn Thạch Biền. Nếu không có những sự giúp đỡ đó, tôi tin rằng, không một mô hình GĐAT hay CLB sáng tác nào có thể thành công.

* Các bạn sinh viên đã sinh hoạt GĐAT Huế nay lập nghiệp nhiều nơi, có còn liên lạc với nhau?

- Huế là nơi tập trung nhiều trường đại học, nên điều dễ hiểu là phần lớn thành viên GĐAT là sinh viên. Sau khi ra trường, có người ở lại Huế nhưng cũng có những bạn đi xa hay về quê lập nghiệp. Nhưng dù “đi đâu về đâu”, chúng tôi vẫn liên lạc rất thường xuyên, với một sợi dây tình cảm bền chặt mà có lần trên Áo Trắng tôi đã gọi đó là “tình-thì-là”: không phải là tình ruột rà máu mủ, không phải là tình yêu... nhưng là một thứ tình..., một thứ tình... lạ lắm! Tôi cũng thật sự vui mừng khi biết rằng tất cả chúng tôi đều đã trưởng thành, phần lớn đều có một cuộc sống thành đạt và hạnh phúc.

* Công việc của anh dạo này thế nào? Quĩ thời gian quá hạn hẹp có còn chỗ cho thơ?

- Tôi đã in ba tập thơ, vậy mà thời gian này tôi làm quá ít thơ, mặc dù cảm xúc thì vẫn tràn đầy và tươi nguyên. Thỉnh thoảng tôi chỉ viết được một vài tùy bút, ghi chép tản mạn. Nhiều người quen nói rằng thơ tôi đã hết. Bản thân không dám tin điều đó, nhưng rõ rằng đây là một thời kỳ khó khăn của tôi. Công việc hàng ngày ở bệnh viện quá nhiều, tôi lại đang làm nghiên cứu sinh, cuối ngày phải chạy về phòng mạch tư, nói như anh Đoàn Thạch Biền, là để “kiếm ăn”... Rồi thỉnh thoảng lại thêm những sự vụ của một chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh... Bao nhiêu công việc đối chỏi nhau như thế đã xé nát tôi, không cho tôi yên.

* Là một bác sĩ, tất nhiên anh có những bài thơ về ngành Y chứ?

- Thật buồn cười là không giống những người bạn bác sĩ của tôi, Lê Minh Khôi, Đặng Như Phồn... tôi không có bài thơ nào “ra hồn” về ngành của mình cả, hay thậm chí về những bệnh nhân ung thư đau đớn và khốn khổ mà tôi đã và đang điều trị... Cũng chẳng hiểu vì sao nữa.

* Với cương vị là chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên- Huế, anh có kế hoạch gì giúp đỡ các cây bút trẻ ở Huế?

- Chức “chủ tịch” này là cả một sự ưu ái và ủng hộ lớn lao của các cô chú, anh chị nhà văn “cây đa cây đề” đáng kính ở Huế. Mặt khác, dù là chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh nhưng tôi cũng là một nhà văn trẻ, (Trời, với ba mươi sáu tuổi đầu!) nên không lý gì tôi không quan tâm đến “lực lượng của mình”. Qua những chương trình hoạt động mà chúng tôi đã tổ chức như Festival thơ (dành nhiều cho thơ sinh viên, thơ trẻ...), các trại sáng tác, và đặc biệt là GĐAT Huế hiện nay do Lãm Thắng phụ trách, tôi tin các cây bút trẻ ở Huế sẽ tìm thấy cơ hội cho con đường văn chương của mình, như chúng tôi ngày trước...

* “Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này.

W1BbD4rs.jpgPhóng to

Áo Trắng số 5 (ra ngày 15-7-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LAN HOÀI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên