Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và nhà thơ Hải Như tại nhà riêng Thủ tướng, năm 2016 - Ảnh: gia đình cung cấp |
Quê ở Nam Định nhưng thơ của Hải Như đã tôn vinh loài hoa sữa thầm lặng, bình dị lên thành một đặc sản Hà Nội, đưa màu hoa phượng rực rỡ thành hình ảnh của Hải Phòng.
Bao nhiêu thế hệ thanh niên đã chép vào sổ tay những câu thơ của ông.
“Mùa này Hà Nội mùa hoa sữa
Anh đợi em góc đường Nguyễn Du
Hoa sữa thơm mùi hương chờ đợi
Trăng đầu đông gợi trăng mùa thu…”.
“Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ
Ôi Hải Phòng thành phố quê hương
Ta yêu thành phố quê ta, như chính người thương yêu nhất
Những hẹn hò bên bờ sông Lấp
Những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm…”.
Nhưng đáng chú ý nhất và được ông đặt nhiều tâm huyết nhất trong đời thơ của mình là dòng thơ chính luận nhiều ý nghĩa xung quanh hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Tôi viết về con người Hồ Chí Minh. Tôi viết về những bài học làm người mà tôi học ở Bác Hồ. Thơ tôi không phải là thơ ca ngợi lãnh tụ” - nhà thơ Hải Như khẳng định về 41 bài thơ viết về Bác Hồ của ông như vậy.
Sinh thời, bất cứ khi nào ông cũng có thể trò chuyện về những bài học làm người mà ông đúc rút ra được từ hình ảnh Bác Hồ.
“Bác Hồ đứng
Người sau không bị khuất
Ta đứng (thường quên)
Che lấp bạn mình”.
“Bác không muốn dẫm lên mọi đường mòn có sẵn
Khi đích đã nhắm rồi
Người luôn luôn tạo cho mình một lối đi riêng”
Thơ Bác Hồ của Hải Như cũng có lối đi riêng, gây ra không ít tranh luận trong những thời kỳ mà cánh cửa văn học nghệ thuật chỉ là một cửa chính mở vào một đường thẳng.
“Hồ Chí Minh - hiện thân giữa nhân gian
Bay bổng như cung đàn
Nồng nàn như hương nắng
Trong trắng pha lê
Bình dị nét quê lề đất
Đừng ai mượn danh Người làm thần tượng ngụy trang
Đừng ai thần thánh hóa tấm gương Người
Người hiện hữu giữa đời thường rất thật
Người thích mặc áo nâu tươi màu đất…”
Nhà thơ Hải Như: thư ký tòa soạn báo Sông Lô - quân khu 10 Việt Bắc 1947. Học viên lớp báo chí cách mạng VN đầu tiên - khóa Huỳnh Thúc Kháng 1948 tại Việt Bắc. Sau hòa bình lập lại 1954, ông phụ trách trang văn nghệ báo Cứu Quốc. Sau khi chuyển vào TP.HCM sau 1975, ông nguyên là Phó tổng thư ký tòa soạn báo Giác Ngộ. Lễ viếng bắt đầu lúc 9g30 ngày thứ Bảy 1-7-2017 (nhằm 8-6 năm Đinh Dậu) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp. Lễ động quan lúc 7h thứ Hai ngày 3-7-2017 (tức 10-6 âm lịch). An táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận