02/04/2007 12:35 GMT+7

Nhà thơ Bằng Việt: 100 bài thơ hay nhất thế kỷ - chỉ 50% là xứng đáng

Theo Nông Thôn Ngày Nay
Theo Nông Thôn Ngày Nay

100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 được công bố vào Ngày thơ Việt Nam 2007 đã khiến nhiều người thắc mắc. Mới đây, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân xuất bản cuốn sách gồm 100 bài thơ được chọn. Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội, thành viên Hội đồng tuyển chọn - cho biết, ông cũng bất ngờ với kết quả này.

SUaGwaHA.jpgPhóng to
Nhà thơ Bằng Việt
100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 được công bố vào Ngày thơ Việt Nam 2007 đã khiến nhiều người thắc mắc. Mới đây, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân xuất bản cuốn sách gồm 100 bài thơ được chọn. Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội, thành viên Hội đồng tuyển chọn - cho biết, ông cũng bất ngờ với kết quả này.

100 bài thơ hay nhất thế kỷ - liệu đã là hay nhất?

* Là 1 trong 5 người trong Hội đồng tuyển chọn của cuốn sách (cùng với các nhà thơ Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa và nhà văn Lê Lựu), tại sao ông lại bất ngờ trước kết quả này?

- Vì kết quả ấy, tôi cũng không biết. Từ lúc thành lập Hội đồng vào cuối tháng 9 năm ngoái cho đến tận bây giờ, Ban Tổ chức cuộc bình chọn vẫn chưa hề tổ chức một cuộc họp nào giữa các thành viên hội đồng. Vì thế, bàn bạc thế nào, triển khai ra sao và thống nhất những gì là không hề có. Chính tôi cũng không bằng lòng với điều đó, mặc dù rất tán thành ý tưởng tổ chức một cuộc bình chọn thơ dành cho công chúng.

* Vậy ông đã tham gia vào đó như thế nào?

- Vào dịp tổng kết giải thưởng của Hội Văn hóa Doanh nhân mà tôi có trong Ban giám khảo, anh Lê Lựu mời tôi tham gia Hội đồng tuyển chọn. Mỗi thành viên nhận một chồng photocopy rất cao, gồm trên dưới 1.000 bài thơ được công chúng chọn gửi về để kiểm tra, sắp xếp... Sau khi nhận xét và trả lại chồng bản thảo, giáp Tết, tôi có nhận được danh sách 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 với yêu cầu khá vội vàng: Đây là bản cuối cùng, đề nghị xem và cho ý kiến nhanh vì Nguyên tiêu đã công bố rồi! Nhưng sau đó cũng không thấy người bên anh Lựu đến lấy lại danh sách và ý kiến.

Tôi còn phải tự đi mua sách xem thế nào, 43.000 đồng một cuốn. Kết quả trong sách lại không đồng nhất với danh sách mà chúng tôi nhận được, và có những điều mà tôi nghĩ rằng chưa đạt tiêu chí ban đầu.

* Ông có thể đưa ra vài dẫn chứng?

- Thứ nhất, bài thơ Nguyễn Trãi trước giờ tru di của Trần Mạnh Hảo đã bị thay. Người ta thay luôn bằng bài Đêm mưa của Tô Hoàn. Thứ hai, tôi nghĩ rằng không thể đưa hai nhà thơ Nguyễn Khuyến và Tú Xương vào đây được, dù tác phẩm rất hay nhưng đó là các tác giả nửa sau thế kỷ XIX. Nhưng vì không có cuộc họp nào nên tôi không đưa ý kiến này ra được.

Thứ ba, tất cả đều chằn chặn mỗi người 1 bài. Mà theo danh sách tôi được nhận, có người được công chúng chọn 2 bài. Như vậy là Ban tổ chức muốn "bình quân chủ nghĩa" nên đã tự cắt bớt bài. Mà chỗ cắt được thay bằng bài nào, của ai cho đủ con số 100 thì tôi cũng không được biết.

* Theo ông, vì sao Ban tổ chức lại làm việc như vậy?

- Số lượng danh sách bình chọn gửi về khá nhiều nhưng xử lý chỉ có vài người, hình như là phóng viên của Tạp chí Văn hóa Doanh nhân. Chính các bạn ấy cũng nói, nhiều quá, không làm xuể, có thể có những sai sót nhưng không thể kiểm soát nổi. Bao nhiêu là phiếu, hàng nghìn bảng biểu, nhìn lâu hoa cả mắt! Hội đồng tuyển chọn thì không họp, không hội ý bàn bạc gì thì làm sao mà chỉnh sửa, góp ý được?

* Vậy ông đánh giá thế nào về chất lượng cuốn sách này?

- Tôi thấy, chỉ 50% là xứng đáng - với những tên người, tên tác phẩm đã in sâu vào tâm trí nhiều thế hệ bạn đọc, đã xuất hiện trong nhiều tuyển thơ, sách giáo khoa... Số còn lại thì phải bàn. Ngoài ra, cũng phải thấy rằng, cách chọn của công chúng yêu thơ có những lúc không thể hoàn toàn tin cậy. Một cuốn sách mà có những 50% chưa đạt thì thật khó chấp nhận.

* Ông nghĩ thế nào về việc tổ chức bình chọn lại?

- Nếu còn muốn giữ cái tên rất ý nghĩa đó thì nên làm lại với những tiêu chí rõ ràng hơn, sự lựa chọn phải tinh tế hơn và các công đoạn, các phần việc phải bảo đảm, với tiến độ làm việc và thời gian phù hợp chứ đừng vội vã. Theo tiêu chí nào thì phải trung thành với tiêu chí đó, như chọn theo quan điểm trách nhiệm công dân hay quan điểm nghệ thuật thuần túy, hoặc theo tính cách tân và tiếng vang, sự bùng nổ của tác phẩm trong giai đoạn văn học của nó...

Theo Nông Thôn Ngày Nay
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên