Là nhà thiết kế sáng lập nhãn hiệu thời trang cao cấp Mai’s, có khách hàng từ khắp các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Nhật, người Việt kiều Úc đã sang ngũ tuần và là mẹ của năm đứa con này vẫn còn rất trẻ như chưa tới 40 tuổi. Ở bà có một sự quyến rũ lặng lẽ mà lan tỏa của một phụ nữ hạnh phúc, đã đạt được không ít thành công từ chính hai bàn tay trắng của mình.
Phóng to | |
Nhà thiết kế Mai Lâm (trái) và các mẫu trang phục do bà thiết kế |
* Xin bà cho biết đã khởi đầu nhãn hiệu Mai’s như thế nào?
- Tôi theo chồng về Việt Nam đầu tư ở Công ty thép Việt Úc từ đầu những năm 1990, nhưng vẫn đi về giữa Sài Gòn và Úc, mãi khi có người con thứ năm thì mới chuyển hẳn về sống ổn định tại đây. Khi bạn bè sang Úc, tôi hay giúp họ may đồ, thậm chí thiết kế cho họ luôn. Sau sáu tháng, một năm, họ hỏi sao tôi không mở công ty riêng đi? Ừ, thì làm! Hai năm đầu tôi chỉ vừa làm vừa chơi, chủ yếu giúp cho bạn bè. Khi có được một cơ hội thuê mặt bằng tốt ở khách sạn Continental thì boutique Mai’s ra đời, không chỉ chuyên về thời trang, mà còn cả phụ trang và các sản phẩm trang trí nội thất tinh tế.
Khi định vị sản phẩm cho thương hiệu Mai, tôi nghĩ ngay đến ý tưởng dùng lịch sử và văn hóa để tạo ra thời trang thông dụng, có cái sắc sảo của thẩm mỹ đương đại được phát triển trên một nền tảng văn hóa sâu sắc. Tôi chọn con đường “hàng độc” trước để hướng đến đối tượng am hiểu về nghệ thuật, cho họ đánh giá và góp phần tạo nên tên tuổi cho mình, coi như là đi từ trên đi xuống. Những năm qua, Mai’s đã đi vào ổn định, bắt đầu chuyển nhượng thương hiệu trong nước và ngoài nước bằng nhãn hiệu tầm trung hơn là Mai Mai, còn Mai’s vẫn là dòng cao cấp. Mai’s không chỉ là thời trang. Tôi muốn được thiết kế cả không gian sống đích thực cho các bạn!
* Thiết kế lối sống là một khái niệm còn mới tại Việt Nam, đòi hỏi một sự am hiểu tổng quan về những lĩnh vực hướng đến một đời sống cao cấp. Những gì bà sáng tạo ra cho thấy một cảm quan được cập nhật chuẩn xác về văn hóa Việt qua nhiều thời đại cùng sự bay bổng của trí tưởng tượng. Vậy bà lấy nguồn cảm hứng từ đâu?
- Tôi trưởng thành trong một gia đình có điều kiện và được thụ hưởng nền tảng văn hóa chuẩn mực Việt Nam nên có thể đã ý thức được một lối sống tinh tế. Những suy nghĩ, thói quen đó theo tôi rời Việt Nam sang Úc năm 22 tuổi, khi tôi mới chập chững vào đời sau nhiều biến cố lớn. Tôi quan niệm rằng “chẳng thà không có, còn nếu có cái gì thì phải thật đáng, phải là hàng độc, hàng giá trị. Tính là vậy nên nhiều khi tôi cứ tự làm hết. Tôi tự mua vải đắt tiền về, tự cắt tự may. Thấy người già bỏ bàn ghế cũ ngoài đường, tôi mang về sửa lại, đồ cũ biến thành đồ… cổ! Rồi tôi làm vườn, thiết kế nhà cửa, ẩm thực…
Mọi thứ, một khi không nhìn dưới góc độ những chuyện “phải làm”, đều trở thành cơ hội tốt để đặt dụng công và sức sáng tạo vào. Tôi có đến năm người con, mà cho con ăn vốn là việc rất khó. Thế là tôi chế ra đủ loại xốt để giúp chúng thèm ăn, ăn ngon miệng mà lại bổ dưỡng. Đối với tôi, không có chuyện nấu ăn, mà là nghệ thuật ẩm thực, không có chuyện ăn kiêng giảm cân, mà là ăn lành mạnh và bổ dưỡng. Rau cải sống khó ăn ư? Pha chút chao đỏ làm xốt để chấm là tuyệt vời ngay! Dựa trên những kinh nghiệm sẵn có, tôi mang đến cho người khác kinh nghiệm sống mới hấp dẫn hơn.
* Nhưng kinh nghiệm làm việc cho một Tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới như Hilton cũng giúp bà nhiều chứ?
- Dĩ nhiên rồi! Tôi đã từng rửa hàng chồng chén dưới nước nóng và thuốc tẩy bằng tay trần vì găng tay không vừa, giặt đồ, lượm lại từng cái hoa bỏ của khách sạn để bán, điêu khắc băng đá, trang trí thức ăn, chạy đua với thời gian, đoạt được những giải thưởng về ẩm thực, một mình xoay xở ở xứ người, tìm được tình yêu đích thực cho mình và sống hạnh phúc mãi với gia đình năm đứa con (cười).
* Thật là những thăng trầm đáng nhớ!
- Những ngày tháng đầu sang Úc, tôi chẳng có nghề ngỗng, không biết tiếng gì, phải làm ở xưởng cá của người Việt suốt ba tháng, rồi rửa nồi ở một nhà hàng nhỏ. Khi nơi này đóng cửa, người ta thương tình giới thiệu tôi sang rửa chén, giặt đồ ở khách sạn Hilton. Khi làm việc, tôi quan sát thấy có những người đầu bếp khắc tượng bằng nước đá, bằng bơ. Hồi nhỏ, tôi nghịch như con trai, toàn bắn ná đổi lấy điểm để về khỏi bị la, nhưng lớn lên thì bắt đầu bị thu hút bởi những việc tỉ mẩn, khéo tay như vậy.
Thế là một ngày tôi đánh bạo xin phụ trách một cục đá nhỏ rồi khắc một con cá đang búng mình bay lên. Tôi khoét rỗng bụng cá và đặt vào một chén trứng cá caviar. Ông sếp khen, rồi hỏi còn gì nữa không? Tôi bèn lấy icing sugar - loại đường bột để rắc trang trí bánh kem, khi pha với nước thì cứng như xi măng - đổ thành một khung hình, có hoa văn xung quanh, rồi xin chân dung của ổng, xin sữa và chocolate pha thành màu nâu trắng để vẽ. Tuy hình ra không giống lắm nhưng sếp tôi rất thích. Tôi bèn xin tiếp củ cải để gọt thành một… vườn hồng! Ông sếp vẫn muốn giữ tôi làm công việc giặt đồ rửa chén nhưng vì thấy tôi làm tốt quá nên cho thử vào phụ bếp.
Hai tuần sau khi làm bếp, tôi mang huy chương ẩm thực về cho khách sạn, rồi lên ngay demichef, vị trí mà người bình thường phải mất tới bảy năm. Những cuộc thi như thế đều có mười hai giám khảo, người xem kẽ hở (lòi chỉ, lòi kem), người xem khẩu vị, người kiểm tra về an toàn thực phẩm (không được dùng phẩm màu), người đánh giá về trang trí, thiết kế. Không năm nào đi thi mà tôi không mang về giải thưởng cho Hilton. Đây cũng là cái nôi dạy tôi rất nhiều về nghệ thuật tạo ra ý tưởng, tổ chức, dàn dựng, cắm hoa, kinh doanh để sau đó tôi bung ra cửa hàng hoa đầu tiên và bắt đầu tự kinh doanh.
* Do đâu mà bà có ý tưởng kinh doanh hoa?
- Chồng tôi thích tặng hoa cho tôi lắm. Một ngày nọ, chúng tôi phát hiện ra số vốn cần để kinh doanh hoa không lớn, vì mua hoa ở vườn trồng chỉ bằng 1/6 giá bán ngoài tiệm. Trong khách sạn lớn, mỗi cuối tuần đều có tiệc, mỗi tiệc mấy chục bàn, mỗi bàn là một bình hoa có giá ít nhất 45 AUD. Xong tiệc là người ta bỏ hoa đi, dù hoa tuyển vẫn còn rất tươi tốt. Tôi mua lại chỗ hoa vứt đi đó vào ngày thứ Bảy chỉ tốn 50 AUD vì nó là rác, rồi mang về cắm lại thật đẹp để bán cho các đám cưới, tiệc tùng khác.
Dần dần, tôi nhập khẩu hoa từ Việt Nam sang, nhập những thứ không có ở Úc về, lấy hoa đổi hoa, tránh được tỷ giá biến động của thị trường. Kế đó tôi phát triển tiếp những cửa hàng bán quà lưu niệm, chocolate. Khoảng 85% lượng hoa nhập về được tôi phân phối cho năm cửa tiệm của mình, 15% còn lại để cung cấp cho bên ngoài. Trước khi về Việt Nam định cư, tôi đã sang hết lại tiệm.
* Rồi lại mở đầu một dự án khác hết sức táo bạo về thiết kế lối sống?
- Tôi nghĩ đó là một phát triển tự nhiên, nhằm tổng kết lại những gì tôi đã từng trải qua và biến chúng thành một đam mê, để một lần nữa lại dấn thân theo đuổi và đó có thể là đam mê cuối cùng của cuộc đời tôi. Tôi nghĩ bằng cách liên tục sáng tạo trong những lĩnh vực mình ưa thích, tôi đang thực hiện một sứ mệnh cao cả là mang văn hóa Việt Nam đến với bạn bè khắp năm châu.
Việt Nam mình đẹp và giàu, là con dân Việt ai cũng ý thức và tự hào về điều đó cả. Các cảm hứng sáng tạo của tôi dựa hoàn toàn trên lịch sử của đất nước mình. Ví dụ tìm được một cái áo thổ cẩm, tôi muốn mặc nó ngay chứ không muốn treo lên ngắm, chỉ ra đường chỉ, kiểu may thế này thế kia là của dân tộc thiểu số nào. Thế cho nên đồ tôi thiết kế phải mặc được, mà đã mặc thì trở nên đặc biệt.
Tôi cũng muốn đồ tôi may thì người mặc giữ được lâu trong tủ áo, chứ không phải bỏ đi khi khuynh hướng thời trang có thay đổi. Vì vậy, ngoài đẹp, trang phục còn phải bền, tuổi đời ít nhất năm năm, có thể mười, hai mươi năm nếu giữ kỹ. Muốn vậy, nó phải trải qua rất nhiều công đoạn, nhuộm trà, cà phê - những màu không phải là hóa chất. Nhưng quan trọng nhất là chúng không bao giờ bị lỗi mốt. Ví dụ, nếu khuynh hướng thời trang hiện tại đang là ống túm thì phải tránh đi, không làm. Nhưng tôi tạo cho cái quần có cơ hội thu nhỏ lại nếu muốn và khi cần thì nó lại trở về kiểu bình thường. Đồ tôi làm toàn làm bằng tay, hết sức công phu, để vượt được thời gian, giống như... đồ cổ vậy!
* Mọi người có ý kiến thế nào về quan niệm khá đặc biệt của bà về thời trang?
- Ôi họ thích lắm chứ! Vừa rồi Malaysia có mời cả nhóm sáng tạo của chúng tôi sang trình diễn một ngày trong tuần lễ thời trang của họ, làm một chương trình về lịch sử Việt Nam và một chương trình về cái nhìn của mình đối với văn hóa lịch sử của Malaysia. Đó là cách trao đổi văn hóa hết sức sinh động.
Tôi thấy dạt dào cảm hứng sau chuyến đi này. Tôi có thể làm một Fashion TV của riêng mình, căn cứ vào lịch sử văn hóa của mình, hoặc nghiên cứu, tham khảo văn hóa các nước khác và làm thời trang dựa trên cảm hứng đó để đảm bảo tính hiện đại và thông dụng hơn. Nhiều nước còn không có được một bản sắc ăn mặc riêng của mình. Lần ngược lại dòng lịch sử, hoặc tham khảo những nền văn hóa khác biệt để tạo nên những tác phẩm pha trộn, có thể mặc thường ngày cũng là một nét tôn vinh văn hóa của quần áo và của người mặc. Tất cả những sáng tạo của tôi đều dựa trên lịch sử văn hóa và lịch sử cá nhân nên hết sức gần gũi và mang thẩm mỹ cao.
* Từ những gì bà chia sẻ, có lẽ gia đình là nguồn cảm hứng lớn lao nhất đối với bà?
- Tôi không ước ao gì hơn đối với gia đình hiện tại vì đó là một giấc mơ đẹp đã trở thành sự thật. Có bao nhiêu thời gian, tâm huyết, tôi dành hết cho các con mình. Những đứa trẻ lớn nhanh lắm, mà thời gian mất đi đâu có thể bù lại được, tôi luôn gần gũi theo sát bên các con mình, từ thay tã, đút cơm chứ không giao cho vú nuôi. Khi người ta lao vào kiếm tiền, quay qua quay lại, con đã trưởng thành, nhưng sợi dây kết nối với cha mẹ không có.
Nhớ lại hồi một thân một mình ở trại tị nạn, tôi gặp một anh chàng mới mười mấy tuổi, trẻ hơn tôi nhiều, cứ lẽo đẽo theo tôi, rồi tuyên bố chắc nịch rằng người này là vợ tôi! Ai cũng bảo anh ấy khùng, nhưng anh ấy cứ lẳng lặng để ý vì biết tôi không có cưới hỏi ràng buộc gì và đã có một con. Và phải đợi đến năm năm sau đó, với tất cả những sự quan tâm chăm sóc và tặng hoa hai lần mỗi tuần, cuối cùng tôi mới nhận lời lấy anh. Đó là một tình cảm pha trộn nhiều cung bậc, tình bạn, tình yêu, cả một điều gì đó gần như là sự bảo bọc của mẹ dành cho con vì anh nhỏ tuổi hơn nhiều. Nhưng anh là một người đàn ông chân chính. Hai vợ chồng bắt đầu từ tay trắng. Anh biết cá tính của tôi, rất rộng lượng và lãng mạn. Hai tính cách đó làm cho tình yêu sống mãi và giúp người vợ trẻ mãi.
* Những bước đi tiếp theo của bà là gì?
- Tôi định làm talkshow năm nay, bán ra nước ngoài để quảng bá Việt Nam. Tôi muốn nhiều người phỏng vấn tôi, để tôi có cơ hội truyền lại những gì mình biết cho thế hệ trẻ. Ai muốn biết về thời trang, vườn tược, ẩm thực, thậm chí tâm lý… là tôi sẵn sàng tư vấn một cách ngắn gọn, súc tích và hiệu quả. Tôi muốn tổ chức những câu lạc bộ liên quan đến thời trang, có lớp học về cách tổ chức gia đình, làm ăn, kinh doanh. Tôi muốn cho bạn bè thế giới biết giá trị tâm hồn và năng lực lao động thủ công tuyệt vời của người Việt Nam!
* Xin cảm ơn bà và chúc cho những dự tính của bà nhanh chóng trở thành hiện thực!
Phóng to | |
Các mẫu trang phục của nhà thiết kế Mai Lâm |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận