Phóng to |
18 tuổi sang Pháp du học, giờ ông đã là một một nhà Thiên văn học, một giáo sư tiến sỹ nổi tiếng. Thế nhưng lúc nào ông cũng đau đáu một niềm thương nhớ quê hương.
Rời Hà Nội đi du học ở Đại học Sorbonne, Pháp năm 1950 khi mới 18 tuổi, giờ đây ông đã vào tuổi 73. Cái hồn quê với cây đa, bến nước, mái đình đã sống trong ông, đã theo ông sang tận xứ người.
Dạo chơi bên dòng sông Seine, ông nhớ về sông Hồng đỏ nặng phù sa, nhìn tháp Eiffel lại nhớ cầu Long Biên trong heo may gió, đi dưới Khải hoàn môn lại nhớ những hoa văn điêu khắc, đầu đao rồng phượng nơi mái chùa rêu phong cổ kính quê nhà. Ngồi trong Công viên Luxembourg nhìn lá vàng rơi trên những pho tượng trắng lại khắc khoải nỗi nhớ xứ Đoài mây trắng...
Đường đến những tinh vân
Làng Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Tây), "cái làng tưởng chỉ phát về nghề truyền thống chụp ảnh ai ngờ còn có người thành danh chói lọi thế" như câu thốt lên của một cụ già ngoài thất tuần trong làng khi trông thấy mấy người con thắp hương cho mộ cụ Phúc Lai dịp tiết thanh minh Kỷ Mão, là quê hương của ông, là nỗi niềm yêu dấu mà ông nặng mang trong suốt cuộc sống nơi xứ người. Nỗi niềm ấy bắt đầu nhen lên khi ông đi học tú tài ở Hà Nội.
Những người có tuổi ở phố Hàng Bông chắc không quên nhà số 94 giáp với hiệu bán đĩa hát Đa Phúc đầu phố Hàng Da. Đấy là hiệu ảnh Phúc Lai tức Central photo nhưng người trong phố lại quen gọi là "Nhà học trò" bởi lẽ trên căn gác nhà ấy là lũ trẻ con cháu cụ Phúc Lai (một nhà ảnh danh tiếng ở Bắc Việt Nam, một trong những đại lý đầu tiên của Kodak ở Hà Nội và Hải Phòng) học rất giỏi.
Cứ sau mỗi kỳ thi, khi Báo Tia sáng đăng danh sách các thí sinh trúng tuyển, ông cụ Phúc Lai lại cầm tờ báo lên để đọc cho cả nhà nghe: "Báo đăng rồi đây, Riệu đỗ măngxông t'rébiêng (loại giỏi), Quyền, Đạo phải cố lên, sang năm thi đíplôm cũng phải măngxông t'rébiêng đấy".
Hai em trai ông, Nguyễn Quang Quyền sau này trở thành Giáo sư, nhà giải phẫu học, nhân chủng học và nhân trắc học số một Việt Nam; còn Nguyễn Quý Đạo thì trở thành Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc phòng thí nghiệm hóa lý của Ecole Centrle, Tổng Biên tập Tạp chí Analusis, một tạp chí quốc tế về hóa phân tích của Pháp phát hành trên toàn cầu.
Nhà chỉ có 3 anh em mà về sau lại trở thành 3 nhà khoa học nổi tiếng, thật khó tìm một gia đình danh giá đến thế! Họ đều là trí thức lớn, hoàn toàn Việt Nam...
Sinh ở Hải Phòng, thuở nhỏ cậu bé Riệu thường hay lên ngọn đồi có Đài Thiên văn Phủ Liễn ở thị xã Kiến An nô đùa. Sau này, khi cùng người thân tản cư về vùng nông thôn, mỗi lúc ngắm dải Ngân Hà mờ ảo ban đêm, Riệu lại được các bác nông dân giải thích rằng đó là ông Thần Nông cúi rạp xuống chân trời gặt lúa...
Hình ảnh mái vòm cong Đài Phủ Liễn, quang cảnh bầu trời tuổi thơ với sự lãng mạn của những vì tinh tú có lẽ là chặng đầu tiên trên con đường đến với cung trăng và những ngôi sao, những tinh vân đầy ánh sáng lung linh và cũng đầy khó nhọc của ông. Và cả một hồn quê khôn nguôi... trong nỗi nhớ thương cố hương ông.
Ngọn nến trên trăng
Hiện nay, ông là Giám đốc Nghiên cứu Danh dự (Emeritus) của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) và công tác tại Đài Thiên văn Paris.
Với mục tiêu dùng những định luật vật lý để giải thích cơ chế tạo ra bức xạ vũ trụ và nghiên cứu những điều kiện lý - hóa có khả năng dẫn đến sự sống trong không gian vũ trụ, ông đã có những thành tựu nghiên cứu khoa học đăng trên nhiều tạp chí khoa học quốc tế về những bức xạ vô tuyến, hồng ngoại trong vũ trụ và sự tìm kiếm chất hữu cơ trong những thiên hà và những tinh cầu của dải Ngân Hà.
Ông cũng là người xác định chính xác vụ nổ trên chòm sao Thiên Nga. Ông kể lại: "9h sáng 2-9-1972, tôi vừa mới tới phòng làm việc thì chuông điện thoại reo vang. Một giáo sư đồng nghiệp ở Thụy Điển cho biết, Canada vừa phát hiện một vụ nổ trong vũ trụ nhưng chưa xác minh được nó ở đâu, trong hay ngoài Ngân Hà? Anh bạn hỏi tôi có thể tìm ra nó không.
Tôi hứa và lập tức gọi một kỹ sư phụ trách kỹ thuật nữa phóng xe xuống Nancay, cách đài thiên văn của tôi 180km vì ở đài thiên văn này có máy thu vô tuyến rất mạnh. Buổi trưa tôi đã có mặt ở Nancay và bắt tay ngay vào công việc.
Tối hôm đó, tôi đã xác định kết quả về khoảng cách và sau vài ngày theo dõi, lấy số liệu chính xác, tôi đã điện cho các đài thiên văn trên thế giới biết kết quả này. Vụ nổ đã xảy ra ở trên biên giới Ngân Hà, cách trái đất khoảng 30.000 năm ánh sáng trong chùm sao Thiên Nga và vì vậy được mang tên là Cygnus X3.
Cùng lúc ấy, các nhà thiên văn Mỹ lại công bố khoảng cách là 15.000 năm ánh sáng! Nhưng khoa học là sự chính xác, không thể có hai đáp án cho cùng một sự kiện. Cuối cùng thì kết quả của tôi được thừa nhận. Trong làng thiên văn, Cygnus X3 đang được quan tâm, vì thế ngay sau đó, tạp chí thiên văn lớn của thế giới Nature đã dành trọn số để giới thiệu vấn đề này".
Vũ trụ chỉ chứa 27% vật chất, còn lại 73% là năng lượng. Đa số vật chất lại là "vật chất tối" không nhìn thấy mà bản chất vẫn còn chưa được xác định, chỉ có 4% vật chất là những nguyên tử thông thường phát ra ánh sáng và bức xạ mà các nhà thiên văn nhìn thấy và quan sát được.
Và Ngân Hà cũng giống hàng tỉ thiên hà xoắn ốc khác trong vũ trụ, chỉ như một ánh nến tỏ tỏ mờ mờ. Tinh cầu ấy cách chúng ta hàng chục ngàn năm ánh sáng nên cái mà ta thấy chỉ là hình ảnh quá khứ của nó mà thôi.
Nhìn vào ánh sáng ấy, ông có thấy lại quá khứ đẹp và nhiều ước mơ, có thấy tuổi thơ hồn nhiên ở Việt Nam mộc mạc mà thắm tình, nơi còn có những "vụ nổ" của đạn bom?
Năm sau (1973), khi Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trao giải thưởng thiên văn học cho ông, ông đã dành một phần giải thưởng đó để gửi về nước ủng hộ cho cuộc đấu tranh đang gian khổ của nhân dân mình. Ông biết sự đóng góp đó là vô cùng nhỏ bé nhưng như người Việt vẫn nói: "của ít lòng nhiều".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận