![]() |
Các nguyên đơn Trần Thị Mai Liên và Lại Quang Hà tại phiên tòa kiện nhà thầu Obayashi - Ảnh: chi Mai |
Trong đơn khởi kiện gửi tòa án, phía nguyên đơn đòi Công ty Obayashi phải bồi thường 120 triệu đồng. Tại phiên tòa, nguyên đơn đã nâng yêu cầu bồi thường lên 136 triệu đồng.
Làm sập nhà rồi bỏ mặc
Theo bà Trần Thị Mai Liên, nhà số 6/1 (tổ 18, ấp Cây Bàng 1) của bà nằm sát con rạch Ông Cậy. Ngay từ khi nhà thầu Obayashi cho ngăn dòng chảy để đào hầm, từ cuối năm 2006, dòng nước rạch Ông Cậy trở nên chảy xiết, gây sụt lở căn nhà. Gia đình ông Hà, bà Liên đã nhiều lần liên hệ nhà thầu yêu cầu công ty phải có biện pháp khắc phục sự cố, đền bù cho gia đình nhưng phía công ty vẫn bỏ lửng. Tháng 2-2007, căn nhà bị hư hỏng trầm trọng khiến cả gia đình bà phải dọn đi nơi khác.
Bà Liên nói: “Chỉ hai tháng sau khi gia đình tôi dọn đi, căn nhà đã bị kéo đổ sụp xuống sông”. Bà Liên đòi bồi thường các khoản thiệt hại gồm tiền trị giá căn nhà, tiền thuê nhà để ở suốt từ tháng 2-2007 đến nay, thiệt hại về tinh thần cho gia đình và khoản chi phí giám định căn nhà để phục vụ việc xét xử.
Trước tòa, ông Nguyễn Đỗ - đại diện nhà thầu Obayashi - nói phía công ty không đồng ý bồi thường các khoản mà nguyên đơn đã nêu, chỉ đồng ý “hỗ trợ” cho gia đình bà Liên 5 triệu đồng. Theo đại diện nhà thầu, công ty không chịu trách nhiệm về những thiệt hại của gia đình bà Liên. Hội đồng xét xử hỏi ông Đỗ: “Có phải trước khi khởi công công trình hầm Thủ Thiêm, tháng 11-2005 phía công ty đã mời công ty kiểm định tới giám định chất lượng nhà của nhiều hộ dân xung quanh công trình?”.
Ông Đỗ thừa nhận có mời Trung tâm Kỹ thuật 3 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) kiểm định nhiều căn nhà, trong đó có nhà của gia đình ông Hà và bà Liên. Tòa hỏi công ty mời kiểm định để làm gì? Ông Đỗ giải thích là nhằm đánh giá hiện trạng các công trình lân cận công trình để làm cơ sở xem xét việc thi công sau này có ảnh hưởng gì đến các công trình lân cận hay không, nếu có thì làm căn cứ để bồi thường. Ông Đỗ còn cho biết sau khi có khiếu nại của người dân, tháng 8-2007 phía công ty cũng đã cho kiểm định lại căn nhà của gia đình bà Liên một lần nữa.
Chủ tọa đã công bố kết luận của hai bản giám định do chính nhà thầu Obayashi tiến hành cho thấy trong kết quả kiểm định ban đầu khi công trình chưa thi công, căn nhà của gia đình bà Liên “không có hư hại nào”. Thế nhưng đến kết quả kiểm định lần hai thì sàn nhà đã bị bong bật hoàn toàn, nhà bị nghiêng về phía sông từ 1,5-1,8m và có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Tòa chất vấn: “Chính công ty đã thừa nhận qua kiểm định thấy nhà của người dân bị hư hỏng nặng, vậy sao còn không đồng ý bồi thường?”.
Đến lúc này, ông Nguyễn Đỗ lại trả lời: “Do nhà của bà Liên là nhà tạm bợ, xây dựng bằng vật liệu gỗ, tôn trên sông nên dễ bị hư hỏng chứ không phải do việc thi công của nhà thầu”. Hội đồng xét xử đã công bố một kết luận kiểm định khác, việc kiểm định này do tòa án trưng cầu trong quá trình thụ lý vụ kiện, cho thấy bên cạnh lý do căn nhà 6/1 ấp Cây Bàng 1 của bà Liên có kết cấu không chắc chắn, xây dựng trên nền đất yếu thì nguyên nhân chính dẫn đến vụ sập nhà là do ảnh hưởng từ quá trình thi công hầm Thủ Thiêm của nhà thầu Obayashi.
Thoái thác nghĩa vụ bồi thường
Tranh luận tại tòa, luật sư của phía nhà thầu Obayashi lại cho rằng căn nhà của bà Liên thuộc diện phải giải tỏa, bồi thường của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhà nước đã bỏ tiền ra để bồi thường về đất, nhà cho người dân rồi nên bà Liên không có quyền kiện đòi công ty phải bồi thường. Nếu muốn kiện, theo luật sư, Nhà nước phải đứng ra kiện công ty chứ người dân không có quyền! Luật sư cũng cho rằng khoản tiền mà gia đình bà Liên phải bỏ ra để thuê nhà ở trong hơn hai năm cũng không thuộc trách nhiệm của công ty.
Tòa đã cho mời đại diện UBND quận 2 để thẩm vấn. Theo UBND quận 2, căn nhà của bà Liên thuộc diện giải tỏa của dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, còn công trình hầm Thủ Thiêm thuộc một dự án khác (đại lộ đông - tây). Hai dự án này không liên quan gì với nhau, thuộc hai nguồn vốn đầu tư khác nhau. Bà Liên cũng bức xúc: “Nếu căn nhà của tôi không bị sập vì công trình hầm Thủ Thiêm, tới bây giờ cả gia đình chúng tôi vẫn còn được ở trong ngôi nhà này vì dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa khởi công. Nhiều hộ dân khác không bị sập nhà hiện cũng vẫn đang được ở tại đây”. Theo bà Liên, chính vì nhà bị sập, gia đình bà mới phải nhận tiền đền bù để di dời sớm trong khi nhà tái định cư chưa có, phải thuê nhà để ở.
Theo luật sư Trần Thị Bích Phượng, người bảo vệ cho nguyên đơn, nhà thầu Obayashi viện lý do Nhà nước đã hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị giải tỏa để miễn trách nhiệm bồi thường của công ty đối với các hộ dân bị sập nhà là không có cơ sở. Luật sư Phượng cũng bức xúc: “Suốt nhiều năm qua, gia đình bà Liên đã nhiều lần liên hệ để đòi bồi thường mà phía nhà thầu vẫn bỏ mặc”.
Hội đồng xét xử tuyên bố sẽ tuyên án vào ngày 16-7. Trong ngày 14-7, tòa đã lên lịch xét xử vụ kiện nhà thầu Obayashi của một hộ dân khác ngụ tại ấp Cây Bàng nhưng phải dời lại vào ngày 31-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận