Phóng to |
Ca sĩ Thái Thùy Linh bay từ Hà Nội vào và nêu những bức xúc của mình tại tọa đàm - Ảnh: C.K. |
Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà sản xuất tên tuổi đương thời lẫn những cái tên còn rất mới của chương trình Bài hát Việt.
Nhạc sĩ Quốc Trung đã mở đầu cuộc trò chuyện bằng nỗi đau đứa con tinh thần mà mình thai nghén và thực hiện trong suốt bảy tháng trời, album Giấc mơ tôi của Uyên Linh, bị "luộc tan nát" chỉ trong thời gian một chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội.
Anh nói: "Sau họp báo giới thiệu album của Uyên Linh tại TP.HCM diễn ra vào 4g chiều thì tôi về và có mặt tại Hà Nội vào 8g30 tối. Vừa đáp xuống sân bay, mở Ipad ra tôi đã thấy album Giấc mơ tôi được chia sẻ tại cả ngàn trang mạng".
Những tiếng kêu cứu yếu ớt
Ðó là chuyện không chỉ của riêng êkip Quốc Trung mà bất cứ đơn vị, nhà sản xuất băng đĩa nào cũng gặp phải thời gian qua. Nghe và tải nhạc tràn lan, hoàn toàn miễn phí với tốc độ chóng mặt trên mạng đã "cướp ngôi vua" của băng đĩa lậu trong việc hủy diệt nền âm nhạc không chỉ tại VN. Trong phần chia sẻ của mình, nhạc sĩ Quốc Trung cũng nhấn mạnh chính điều này đã làm nhụt chí, cạn nguồn cảm hứng sáng tạo của các nhà sản xuất tử tế.
Giờ đây, đi đến đâu cũng nghe các nhà sản xuất kêu ca về một thực tế đầy phi lý như thế, nhưng chẳng ai có một hành động cụ thể nào để bảo vệ mình lẫn các sản phẩm của mình ngoài việc gửi các "đứa con tinh thần" cho các tổ chức như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV)... để các đơn vị này khai thác, thu phí giùm. Thế nhưng, cuộc "hôn nhân" này có vẻ đang trục trặc khi các nhạc sĩ, nhà sản xuất nhận ra nhiều điểm chưa hợp lý, khi các sản phẩm của mình được khai thác nhiều nhưng ít được bảo vệ.
Một ví dụ gần đây là việc ca sĩ Thái Thùy Linh - vừa là người biểu diễn, vừa là nhà sản xuất cho album Bộ đội của mình - dù đã ủy thác sản phẩm của mình cho VCPMC lẫn RIAV vẫn phải vác đơn đi kiện tám trang web cho nghe và chia sẻ nhạc trên mạng. Nhận ra cái sai trong việc sử dụng và cho chia sẻ vô tội vạ album Bộ đội trên mạng khi chưa được sự cho phép hay chấp thuận từ chủ nhân album cũng như của các đơn vị ủy quyền, một đơn vị đã chấp nhận bồi thường thiệt hại khoảng 10 triệu đồng cho Thái Thùy Linh. Nhưng bảy đơn vị còn lại thì làm lơ hoặc chỉ xin lỗi, "gỡ" album xuống khỏi trang mạng của họ và... huề.
Cũng có mặt tại tọa đàm, Thái Thùy Linh cho biết: "Tôi sẽ không khoan nhượng và tiếp tục đi kiện dù có bị trêu chọc là con kiến kiện củ khoai". Thế nhưng, không phải nhà sản xuất nào cũng đủ kiên nhẫn và quyết tâm như Thái Thùy Linh.
Trở lại vấn đề tác quyền
Tọa đàm đã có lúc chuyển hướng sang trách móc VCPMC khi không thật sự là một tổ chức bảo vệ cho quyền tác giả, tác phẩm. Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng hợp đồng giữa các nhạc sĩ và VCPMC là một hợp đồng rất bất lợi cho các tác giả, bởi trung tâm toàn quyền khai thác mà không cần thông báo cho nhạc sĩ.
"VCPMC giờ chuyển sang chức năng khai thác mà khai thác ở đây là sự khai thác tùy tiện theo kiểu thu được thì thu, không thu được thì thôi - nhạc sĩ phải chịu, đồng thời họ luôn kêu gào là việc thu tác quyền rất khó khăn. Tôi thấy điều này rất bất công khi VCPMC đã nhận sự ủy thác của các nhạc sĩ, có thu phí, thu được 40 tỉ đồng/năm thì họ lấy 10 tỉ. Vậy tại sao họ không xây dựng được một cơ chế với đủ năng lực có khung hình phạt kết hợp với luật pháp, có khung giá rõ ràng để thực hiện công việc đó?" - nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ thêm.
Ðã thế, trung tâm còn đi ký hợp đồng với một số nhà mạng thu tiền bản quyền của nhạc sĩ, vậy là mặc nhiên trung tâm đã cho họ quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ để rồi khi vi phạm xảy ra, trung tâm lại không có động thái phản ứng tích cực nào như ngăn cấm, chấm dứt hợp đồng hay thay mặt nhạc sĩ khởi kiện những vi phạm trên.
Một vài ý kiến cũng cho rằng VCPMC đã thu và trả tiền bản quyền một cách tùy tiện, làm các nhạc sĩ, nhà sản xuất nghi ngại. Một số câu hỏi về việc định giá hoặc mặc cả trong quá trình thu và trả phí tác quyền của VCPMC mà các nhạc sĩ cho là chưa hợp lý hoặc không thỏa đáng cũng được đưa ra tại tọa đàm, và nhạc sĩ Ðinh Trung Cẩn đã "gút" lại vấn đề bằng việc sẽ thu xếp có một buổi gặp gỡ giữa VCPMC với các nhạc sĩ để "gỡ rối" các thắc mắc này, cùng đi đến những thỏa thuận hợp tình hợp lý hơn cho cả đôi bên.
Các nhạc sĩ - nhà sản xuất gạo cội như Quốc Trung, Đức Trí, Lương Minh, Dương Khắc Linh, Quốc An... lẫn các gương mặt còn rất trẻ như Thanh Tâm, Hà Okio, Dương Cầm, Thành Vương, Đinh Mạnh Ninh... đều mong muốn có thể thành lập một câu lạc bộ những nhà sản xuất âm nhạc để có thể cùng bảo vệ lẫn nhau và chung tay gầy dựng một nền âm nhạc lành mạnh. Thế nhưng những câu lạc bộ dạng này chỉ có thể đơn thuần là một sân chơi cho những nhà sản xuất chân chính. Còn để bảo vệ được những nhà sản xuất âm nhạc giữa buổi giao thời trong việc sản xuất lẫn thưởng thức âm nhạc như hiện nay thì có lẽ cần phải có sự trợ giúp đầy thiện ý và rất nhiệt tình từ các cơ quan chức năng hay các đơn vị có thẩm quyền. |
QUỲNH NGUYỄN - CÁT KHUÊ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận