25/06/2010 06:16 GMT+7

Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Ngày 24-6, Bộ Kế hoạch - đầu tư cùng UBND TP.HCM tổ chức hội nghị về nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở TP.HCM. Đến tham dự hội nghị có nhiều doanh nghiệp cùng đại diện lãnh sự quán Anh, Hà Lan, Hàn Quốc…

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài cho biết trong năm năm tới TP cần 300.000 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, lãnh đạo TP rất quan tâm đến chính sách thu hút đầu tư, nhất là trao đổi về chính sách mới: liên kết giữa nhà nước và tư nhân trong đầu tư (gọi tắt là hình thức PPP).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông nói từ nay đến năm 2020, cả nước cần 150-160 tỉ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, nếu chỉ trông chờ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA hoặc phát hành trái phiếu công trình thì chỉ đáp ứng 50-60%. Do đó cần phải huy động thêm nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước để cùng Nhà nước xây dựng công trình theo hình thức PPP. Theo đại diện Bộ Kế hoạch - đầu tư, sự cần thiết triển khai mô hình đầu tư PPP là do thời gian qua các hình thức đầu tư BOT, B.T… vẫn chưa thật sự thu hút mạnh vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông.

Giải đáp nhiều ý kiến của các doanh nghiệp về đầu tư theo mô hình PPP, ông Đặng Huy Đông khẳng định Nhà nước sẽ ưu tiên chọn các công trình có hiệu quả thu hồi vốn giao cho nhà đầu tư tư nhân. Chẳng hạn, Nhà nước sẵn sàng giao tuyến metro có lượng khách đi lại nhiều nhất cho nhà đầu tư, trong đó có thể hỗ trợ về chính sách thuế, mặt bằng, hỗ trợ tiền một lần hoặc trong nhiều năm. Hiện mô hình đầu tư PPP đang được trình Thủ tướng phê duyệt. Trong thời gian tới TP.HCM sẽ chọn thực hiện thí điểm một vài dự án hạ tầng giao thông và cả lĩnh vực y tế, giáo dục, điện lực…

Trả lời về các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông luôn bị trở ngại về đền bù giải tỏa khiến các nhà đầu tư ngán ngại, ông Nguyễn Thành Tài cho rằng Chính phủ đã ban hành nghị định mới quy định đền bù giải tỏa theo giá thị trường nên việc giải tỏa mặt bằng không đến nỗi ách tắc như trước đây.

Ông Đặng Huy Đông nói không thể chấp nhận một công trình đầu tư vốn lớn nhưng vì một vài căn hộ không giải tỏa được mà gây ảnh hưởng toàn dự án. “Tôi cho rằng đã có 80% số hộ đồng tình giải tỏa và chỉ còn 20% số hộ không đồng tình thì vẫn tiến hành giải tỏa, sau đó đã có tòa án giải quyết” - ông Đông nhấn mạnh.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên