27/12/2003 14:20 GMT+7

Nhà nhiếp ảnh Đoàn Đức Minh: "Không nên sống một cuộc đời khuyết tật"

NGỌC LAN - NGUYỆT CẦM
NGỌC LAN - NGUYỆT CẦM

TTCN - Trong giới nhiếp ảnh TP.HCM và cả nước, không ai lạ gì tên tuổi Đoàn Đức Minh. Ông chủ của một studio ảnh trên đường Ba Tháng Hai (TP.HCM) cũng tự nhận (và được công nhận) là một nhà cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp về ảnh, đồng thời còn là người tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh ảnh của mình cùng các đồng nghiệp khác qua Internet. Và mặc dù cũng rất nhiều người biết anh là người khuyết tật, từng chụp rất nhiều ảnh người khuyết tật, đã đoạt các giải thưởng ảnh về người khuyết tật nhưng dường như đó không phải là tất cả những gì đáng nói nhất về anh...

VJ0JQoLB.jpgPhóng to
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Đức Minh trong những ngày hành nghề tại Para Games
TTCN - Trong giới nhiếp ảnh TP.HCM và cả nước, không ai lạ gì tên tuổi Đoàn Đức Minh. Ông chủ của một studio ảnh trên đường Ba Tháng Hai (TP.HCM) cũng tự nhận (và được công nhận) là một nhà cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp về ảnh, đồng thời còn là người tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh ảnh của mình cùng các đồng nghiệp khác qua Internet. Và mặc dù cũng rất nhiều người biết anh là người khuyết tật, từng chụp rất nhiều ảnh người khuyết tật, đã đoạt các giải thưởng ảnh về người khuyết tật nhưng dường như đó không phải là tất cả những gì đáng nói nhất về anh...

Đoàn Đức Minh bị khuyết tật ở chân trái từ thơ bé. Nhưng cái chân cà nhắc mà thời còn đi học tiểu học và trung học những kẻ xấu miệng gọi là “què” không làm cho anh phải lùi lại hay nép sang một bên mỗi khi đối mặt với người lành lặn. Nói như Đoàn Đức Minh, ngược lại, dường như cái khuyết tật đó còn tiếp thêm sức mạnh, giúp anh tự tin hơn: “Tôi không thưa ba, méc má về những câu chuyện trẻ con. Tôi tự giải quyết vấn đề theo cách riêng của mình. Vì đầu óc tôi đâu có bị khuyết tật. Tôi là một người bình thường”.

dFwIGtMk.jpgPhóng to
VĐV xe lăn Nguyễn Kiên và các đối thủ đang thi nhau bứt phá
Cách riêng của Đoàn Đức Minh là học phải luôn luôn nhất lớp, làm việc nhiều hơn mọi người để những người được coi là “bình thường” khác phải kém hơn, phải đeo bám theo anh.

Đoàn Đức Minh lặng lẽ và kiên trì đến cùng trong tất cả các công việc của mình. Chuyện khuyết tật không cản trở anh vào đại học nhưng lý lịch gia đình (chế độ cũ) một thời khiến anh chẳng dễ dàng gì kiếm một chỗ ngồi trong giảng đường. Đó là những năm sau giải phóng. Đường vòng mà Đoàn Đức Minh phải đi qua là ba năm làm thanh niên xung phong ở Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới tại La Ngà (Đồng Nai) những năm 1978-1981.

Thời gian làm cán bộ quản giáo trong rừng sâu giúp anh hiểu nhiều hơn về các mảnh đời, các thân phận đã chìm dưới đáy xã hội. Và cái khuyết tật ở chân không hề gây trở ngại cho một người tre muốn có được cơ hội vào đời bằng chính đôi chân của mình.

Với Đoàn Đức Minh, chỉ có khái niệm người làm việc và người không làm việc mà thôi. “Nếu người khuyết tật chịu học, chịu lao động và vươn lên để vượt qua những mặc cảm đó thì không ai từ chối quyền đó của họ. Không thể dùng chuyện khuyết tật để giải thích hay trốn tránh các thất bại” - Đoàn Đức Minh quả quyết. Những gì anh đạt được ngày nay minh chứng cho sự khẳng định ấy.

2N6kWf4f.jpgPhóng to
VĐV cử tạ
Khi nhận tấm bằng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp TP.HCM (khoa ngoại ngữ - Anh văn) năm 1988, Đoàn Đức Minh đã có thể lựa chọn hoặc trở thành một giảng viên tiếng Anh, hoặc một hướng dẫn viên du lịch; thậm chí anh cũng đã tính đến công việc của một chuyên viên vi tính khi mà chiếc máy vi tính và những công việc liên quan đến nó chưa thông dụng như hiện nay. “Nhưng tôi quyết định chọn nghề nhiếp ảnh vì nghề ảnh hết sức thú vị. Nhất là khi tôi đầu tư cho công việc, lao động nghiêm túc, không có lý gì tôi không thành đạt”. Đoàn Đức Minh luôn luôn chắc với những minh định như thế. Và đúng là anh đã thành đạt trong lĩnh vực đã chọn để theo đuổi suốt đời.

Có thể kể hàng chục giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài nước trong 10 năm gần đây. Ảnh của phóng viên ảnh tự do (freelance) này không chỉ xuất hiện trên các báo trong nước mà còn trên nhiều báo nước ngoài.

Những năm 1993-1994, ảnh của Đoàn Đức Minh đã được chọn đăng thường xuyên trên các tạp chí Wall Street Journal, FEER (tạp chí Kinh Tế Viễn Đông)... Và nếu ai đó muốn tìm những bưu ảnh đẹp về VN bán ở các nhà sách, chắc chắn họ không thể bỏ qua những tấm có tên Đoàn Đức Minh. Không chỉ thành danh với ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật, tên của anh nay còn được biết đến như một thương hiệu về ảnh quảng cáo với khách hàng là những công ty lớn như Citibank, Fujitsu, Saachi and Saachi.

Nrd8nvQY.jpgPhóng to
Chưa bao giờ nhà thi đấu môn bơi lặn ở Mỹ Đình lại đông vui như vậy trong một cuộc đua tài của người khuyết tật
Với đôi chân khập khiễng, anh đã có mặt ở gần như khắp mọi nơi trên đất nước để săn tìm cái đẹp và những khoảnh khắc đáng lưu giữ trong ống kính. Trong cuốn sách ảnh của anh có tên Việt Nam, captured in time (tạm dịch Việt Nam, chộp đúng lúc) do Trails of Indochina xuất bản năm 2002, Đoàn Đức Minh đã giới thiệu những hình ảnh được anh “chộp đúng lúc” từ Bắc chí Nam: một gia đình lao động năm người vợ chồng con cái chở nhau trên một xe gắn máy cũ trong cơn mưa bất chợt đến của Sài Gòn; mấy chú bé chăn trâu đùa giỡn trên một cánh đồng cỏ đang nở hoa tím ngát ở Phan Thiêt, Bình Thuận; những chiếc đèn lồng vừa thắp dưới mái ngói những ngôi nhà cổ của Hội An; một bà cụ đang tập thể dục dưỡng sinh buổi sớm trước quảng trường Lăng Bác Hồ tại Hà Nội... Những hình ảnh dung dị và gần gũi với người Việt cũng như với cả khách nước ngoài đến với VN.

Những năm gần đây, Đoàn Đức Minh hướng ống kính đến những người khuyết tật cũng như hoạt động thể thao người khuyết tật nhưng hoàn toàn không từ một đơn đặt hàng cụ thể nào: “Ảnh về người khuyết tật chỉ chiếm chừng 20% số lượng các sáng tác của tôi nhưng được tôi quan tâm với tất cả tấm lòng mình. Và tấm lòng ấy không cần phải bị khuyết tật mới có được”. Đoàn Đức Minh mong muốn những bức ảnh của anh về đề tài này chỉ dành riêng cho thế giới của người khuyết tật chứ chẳng để thỏa mãn cái nhìn của người bình thường.

Anh mơ ước những bức ảnh của mình không dừng ở những khoảnh khắc đẹp chợt lóe lên nơi những số phận không may, để rồi sau đó họ lại cam chịu trở về với cuộc đời nhiều khó khăn và phũ phàng ngoài sân thi đấu. Đoàn Đức Minh tin rằng những những hình ảnh đẹp và cảm động trong thi đấu thể thao hoàn toàn có thể trở thành một điểm tựa để người khuyết tật bứt ra khỏi số phận: “Vì không ai từ chối người khuyết tật quyền thu nạp kiến thức, văn hóa và tự tìm cách vươn lên trong cuộc sống”.

NGỌC LAN - NGUYỆT CẦM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên