Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (hàng đầu, cầm micro) trong một buổi góp ý phim về chủ quyền biển đảo ở Đài truyền hình TP.HCM - Ảnh: L.ĐIỀN
Đây là tập thứ ba trong mạch công trình hệ thống lại những bài khảo cứu đã công bố rải rác, bổ sung và chỉnh lý, tác giả có khiêm ý gọi là "tạp ghi", kỳ thực những bài viết của nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Đầu luôn là các đề mục gây chú ý cho học giới, và hơn thế, luôn được viết ra với tấm lòng tha thiết với ngành khoa học xã hội của nước nhà.
Nhìn về đô thị Sài Gòn
Có những vấn đề tồn tại lâu, từng được nhiều lần nhiều giới tham gia nhưng chưa giải quyết rốt ráo như trường hợp tên gọi Sài Gòn, cụ Nguyễn Đình Đầu cũng đặt lại vấn đề, mặc dù cũng chưa thể xác quyết một cách chốt lại, nhưng chính thao tác này lại cung cấp cho người đọc dữ liệu về quá trình bàn thảo để tìm hiểu sự ra đời tên gọi Sài Gòn.
Cũng trong cái nhìn về đô thị Sài Gòn, cụ Nguyễn Đình Đầu nêu ý kiến về việc cần phải có "giải pháp triệt để" nhằm tránh cho TP.HCM ngập lụt vào mùa mưa, trong đó ngoài những phân tích về các giải pháp, ý tưởng và nỗ lực của nhiều chính quyền từng áp dụng cho Sài Gòn trong lịch sử.
Cụ gióng tiếng kêu "Giải pháp chống ngập lụt chưa được thực hiện" như một niềm kỳ vọng vào nỗ lực của chính quyền đương thời, cần xem việc chống ngập cho thành phố là việc phải làm cho được, chứ không thể để hiện tình trầm kha mãi.
Mặc dù tự nhận mình chỉ là người "tập viết ra những tạp ghi có liên quan đến địa lý và lịch sử dân tộc", nhưng một số vấn đề được tác giả Nguyễn Đình Đầu tiếp cận theo hướng mới mẻ.
Chẳng hạn ông tiếp cận vấn đề kiến trúc và phân bố cư dân tại TP.HCM theo hướng tìm hiểu "tinh thần cộng đồng của dân tộc - tôn giáo - nghề nghiệp" từ những người dân nhiều thế hệ đã đến và định cư tại đây.
Vấn đề hóa ra thật thú vị, bởi một đô thị tự thân nó chứa đựng nhiều thành phần cư dân và trên phương diện khách quan tạm đặt bên ngoài các chính sách, thì chính các yếu tố tôn giáo, nghề nghiệp, dân tộc... có ảnh hưởng không nhỏ đến việc tìm nơi và phương cách cư trú.
Ảnh: L.ĐIỀN
Các cuộc thay đổi tên đường ở Sài Gòn - TP.HCM
Cũng có những đề tài thoạt xem thấy có vẻ như là những quan tâm chuyên biệt của tác giả, nhưng khi đọc qua, mới biết tận trong sâu xa suy nghĩ khi tìm kiếm tư liệu để viết các thiên khảo cứu này, cụ Nguyễn Đình Đầu dường như có điều ngụ ý dành cho các thế hệ mai sau cùng tiếp tục cái công việc không hề vô bổ ấy.
Chẳng hạn cụ tỉ mỉ liệt kê các cuộc thay đổi tên đường ở Sài Gòn - TP.HCM kể từ tháng 8 năm 1975 với hàng loạt con đường thay tên mới. Có ý tứ gì trong việc chọn tên mới thay tên cũ? Theo dõi từ năm 1975 đến năm 2000, tức sau 25 năm, cụ Nguyễn Đình Đầu "đọc" ra được khối điều thú vị.
Rồi tác giả gọi tên bài viết của mình là "Tên đường phố biểu hiện ý nghĩa thống nhất quốc gia - hòa giải dân tộc", một vấn đề có lẽ sẽ còn làm nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố phải để tâm đến, bởi chính hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của nước nhà đã đặt ra cho chúng ta vấn đề "hòa hợp hòa giải dân tộc" mà nếu không thực tâm làm việc, thì rồi mọi thứ sẽ "bày tất cả ra đường" cho người thiên hạ trông vào.
Thao thức về chủ quyền biển đảo
Tập sách có một mảng nội dung vốn là trọng tâm nghiên cứu của ông: những tư liệu từ giáo hội Công giáo liên quan đến lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Bạn đọc có thể tìm thấy ở đây những công bố đáng kể như "Theo giáo sĩ thừa sai, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam"; "Thêm tư liệu quý hiếm về Hoàng Sa và Trường Sa"; hay các bài khảo cứu "Biển Đông, cù lao Ré, Bãi Cát Vàng, Bãi Cát Dài"; "Góp ý về ba địa danh Cochin China, Paracel Islands, Spratly Islands"... để thấy chủ quyền biển đảo vẫn là niềm thao thức khôn nguôi trong tâm tư của một nhà nghiên cứu nay đã tròn trăm tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận