28/02/2020 10:39 GMT+7

Nhà nghiên cứu 98 tuổi ra mắt 'rừng Nho bể Thánh' đất Nam Bộ

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Cách gọi "rừng Nho bể Thánh" nhằm chỉ những nơi có mật độ Nho gia - thánh hiển, tức những người có học thời xưa tập trung đông đảo. Đất Nam Bộ trong cái nhìn của không ít người chừng như vẫn xem nơi này chưa có chiều sâu Nho học.

Nhà nghiên cứu 98 tuổi ra mắt rừng Nho bể Thánh đất Nam Bộ - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư và tập sách mới - Ảnh: L.ĐIỀN

Tuy nhiên, với tập sách Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư ở tuổi 98 đã làm được một việc thật lý thú: đưa bạn đọc "diện kiến" 262 nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ.

Tác giả dày công khảo cứu từ nhiều nguồn tài liệu, chủ yếu từ bộ Quốc triều hương khoa lục, Đại Nam thực lục và các tài liệu lưu trữ Pháp văn, để dựng lại toàn bộ tiểu sử và hành trạng của tất cả các môn đệ Nho gia chính thống từng ứng thí đỗ đạt.

Bạn đọc có thể tìm thấy ở đây những tư liệu được "chính thống hóa" về các nhân vật lịch sử vốn lâu nay được biết đến thông qua các giai thoại truyền khẩu, được nhận ra những nhân vật đặc biệt của Nam Bộ còn ít người biết đến.

Như Bùi Văn Phong (khoa thi hương năm 1837 Trường Gia Định) với tài kinh bang tế thế đã giúp vua nhiều kế sách; hay Phạm Duy Trinh (khoa thi hương năm 1825 triều Minh Mạng Trường thi Gia Định) từng dâng sớ thỉnh an, định thưởng phạt về khai hoang ở Nam Bộ, mở đồn điền, chiêu mộ người dân tộc thiểu số...

Nhà nghiên cứu 98 tuổi ra mắt rừng Nho bể Thánh đất Nam Bộ - Ảnh 2.

Và một điều đáng quý là trong khi có những nhà khoa bảng chỉ xuất hiện vỏn vẹn trong 1 trang sách, tác giả Nguyễn Đình Tư đã dành đến 38 trang để viết về Phan Thanh Giản - nhà khoa bảng quan trọng, là vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ.

Ở kỳ thi hội năm 1826, quan trường Huế lấy 9 người đỗ đều hạng thứ (trung bình), chính điều này khiến vua Minh Mạng không vui, và đích thân vua ngự xem bài thi rồi cho ý kiến.

Ý kiến vua Minh Mạng bấy giờ có một điểm tối quan trọng, có thể xem là quan điểm hòa hợp hòa giải dân tộc sớm nhất trong lịch sử Việt Nam: "Nay thiên hạ một nhà. Nam Bắc đều là tôi con của trẫm. Cho nên Nam hiền thì dùng Nam, Bắc hiền thì dùng Bắc. Không phải có thiên tư".

Chính ý kiến đó đã khiến quan trường chọn lại và lấy thêm Phan Thanh Giản đỗ khoa thi hội này, đây là bước đệm quan trọng để ông thi tiếp kỳ thi điện và đỗ đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân. Phan Thanh Giản là vị tiến sĩ khai khoa của đất Nam Bộ chính là cơ duyên như vậy.

Tác giả Nguyễn Đình Tư còn nhìn thấy ở cuộc đời Phan Thanh Giản một mối nghiệp với đất Nam Bộ, khi năm 1866 họ Phan dâng sớ xin nghỉ hưu nhưng vua quở không cho, thành ra mới phải chịu trách nhiệm để mất 3 tỉnh miền Tây vào năm 1867, dẫn đến cuộc tuyệt thực và tự tử của ông.

"Ôi cái nghiệp của ông đã trói chặt ông với cái nghiệp của 6 tỉnh Nam Kỳ, muốn thoát ra cũng không được!", đây là lời cảm thán hiếm hoi mà cụ Nguyễn Đình Tư đã dành cho nhân vật trong sách của mình.

Từ điển ‘đạo văn’ bị tiêu hủy nhưng tác giả vẫn nhất quyết giấu mặt Từ điển ‘đạo văn’ bị tiêu hủy nhưng tác giả vẫn nhất quyết giấu mặt

TTO - Cuốn ‘Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam’ đang bị thu hồi, tiêu hủy do vi phạm bản quyền. Tuy sách bị tiêu hủy nhưng 2 trong số 3 tác giả vẫn chưa chính thức lộ diện vì ‘tác giả còn trẻ, sợ ảnh hưởng tới sự nghiệp’.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên