25/08/2012 07:20 GMT+7

Nhà hư không dám sửa

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TT - Gần sáu năm qua, 220 hộ dân ở xã Tam Dân (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) phải sống trong cảnh “dở khóc dở cười” với dự án nhà máy bột giấy Quảng Nam do Công ty cổ phần giấy và bột giấy Incomex đầu tư.

HyDIzrJs.jpgPhóng to
Mái nhà ông Võ Nhượng (tổ 1, thôn Đàn Trung, xã Tam Dân) đã hư, ông phải dùng bạt che chắn để ở tạm - Ảnh: Lê Trung

Điều đáng nói là dự án này “treo” suốt sáu năm qua và nay có quyết định dừng không xây dựng nữa.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Ninh: có hơn 100ha đất của các hộ dân xã Tam Dân đã được quy hoạch, giải tỏa phục vụ dự án nhà máy bột giấy nói trên. Có 220 hộ dân của xã Tam Dân bị ảnh hưởng, trong đó có 157 hộ dân bị thu hồi đất sản xuất, 39 hộ bị giải tỏa trắng... Ngay khi dự án được công bố, người dân địa phương mừng ra mặt với hi vọng có công ăn việc làm trong tương lai.

Thế nhưng, dự án vẫn “nằm im” gần sáu năm qua, còn cuộc sống của người dân rơi vào khó khăn. Người dân cho biết trước đó có cán bộ về đo đạc, nắm số liệu đất đai, vườn tược chuẩn bị đền bù, giải tỏa, thông báo không cho phép người dân được tự ý xây cất nhà cửa, chuồng trại hoặc làm thủ tục sang nhượng đất cho con cái. Người dân phải thực hiện đúng như cam kết, nếu không sẽ không được hưởng đền bù. Nhà của bà Lương Thị Ký (xã Tam Dân) đã xuống cấp gần năm năm nay nhưng bà vẫn không được phép sửa chữa dẫu tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt, mái ngói xuống cấp. Ngay cả mảnh vườn bà cũng phải để hoang, không được trồng cây cối, rau củ... Ông Võ Đàm, trưởng thôn Dương Lâm, cho biết dự án lấn sâu vào khu nghĩa địa Gò Cát, nên ở thôn có người chết không được chôn ở đây mà người dân phải mua đất ở Núi Mỹ (xã Tam Dân) để chôn.

Cũng như nhà bà Ký, ngôi nhà cấp 4 của ông Võ Nhượng (thôn Đàn Trung) đã xuống cấp gần ba năm qua, toàn bộ mái ngói đã bể hết, ông Nhượng phải dùng bạt nilông che chắn. Bức xúc lắm nhưng ông Nhượng vẫn kiên nhẫn chờ đợi đền bù, nhưng rồi: “Chưa thấy nhà máy bột giấy hỗ trợ, đền bù gì cả mà giờ đã có quyết định chấm dứt xây dựng” - ông Nhượng thở dài.

Theo ông Nguyễn Phi Thanh - phó chủ tịch UBND huyện Phú Ninh: “Nhiều lần người dân gửi đơn kiến nghị lên chính quyền huyện phản ảnh tình trạng chậm thi công của nhà máy bột giấy Quảng Nam và chúng tôi đã nhắc nhở đơn vị thi công xúc tiến quy hoạch, bồi thường và ổn định cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, không biết lý do gì mà dự án vẫn giậm chân tại chỗ, càng ngày sự kỳ vọng của chính quyền huyện và người dân cứ trôi dần đi”.

Trước sự chậm trễ của nhà đầu tư, giữa tháng 8, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định thu hồi dự án nói trên. “Trước mắt, huyện sẽ xem xét sử dụng khu đất 100ha vào mục đích khác. Nhưng việc quan trọng là phải ổn định cuộc sống người dân nằm trong vùng dự án này. Huyện đang có hướng giao cho Phòng Kinh tế - hạ tầng Phú Ninh xây dựng một cụm công nghiệp theo chương trình quy hoạch nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 tại đây để đáp ứng việc làm cho người dân” - ông Thanh nói.

“Dự án nhà máy bột giấy lớn nhất”

Năm 2006, dự án nhà máy bột giấy Quảng Nam được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 673 tỉ đồng, công suất 115.000 tấn/năm, mỗi năm nhà máy sử dụng hơn 280 tấn nguyên liệu từ cây keo và bạch đàn. Ngoài ra, Công ty cổ phần giấy và bột giấy Incomex cũng đầu tư thêm 1.527 tỉ đồng để xây dựng nhà máy. Đây là dự án nhà máy bột giấy lớn nhất tại khu vực miền Trung - Tây nguyên.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên