Phóng to |
Một điều hết sức nghịch lý là ở TP.HCM, các nhà thi đấu thể thao, sân vận động trở thành nơi tổ chức biểu diễn cho các sô ca nhạc lớn, có sức chứa từ 4.000 khán giả/đêm, mặc dù những nơi đó không phải là “ thánh đường” cho các hoạt động biểu diễn ca nhạc.
Túng phải biến
Tại TP.HCM có ba nơi được gọi là nhà hát: Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát TP và Nhà hát Bến Thành (nằm trong Trung tâm Văn hóa quận 1). Nhà hát TP được xây dựng cách nay hơn 100 năm, được giới chuyên môn đánh giá là nơi thiết kế tốt nhất về kỹ thuật cách âm, phục vụ tốt cho biểu diễn âm nhạc thính phòng, nhưng số lượng ghế chỉ mấp mé mức 500, quá ít để tổ chức một đêm diễn có đầu tư lớn về kinh phí. Giá vé dù có bán lên đến 1 triệu đồng/vé thì doanh thu cũng chỉ mới bằng 1/4 - 1/3 chi phí bỏ ra. Chẳng ai liều lĩnh để tổ chức sự kiện giải trí lớn ở nhà hát này nếu không muốn cháy túi.
Nhà hát Bến Thành cũng không hơn gì mấy về số lượng ghế so với Nhà hát TP. Hơn nữa, nhà hát này xây dựng chỉ nhằm phục vụ cho hoạt động biểu diễn đáp ứng yêu cầu của một trung tâm văn hóa cấp quận. Dù sau này được người Nhật tài trợ nâng cấp hệ thống kỹ thuật âm thanh nhưng nhà hát này vẫn là rạp hát nhỏ, không thể là nơi mà giới tổ chức sự kiện giải trí trong và ngoài nước có thể nghĩ tới.
Còn lại, Nhà hát Hòa Bình vẫn là điểm sáng hiện nay mà giới tổ chức biểu diễn thuộc hạng có máu mặt trong nước chọn lựa. Nhưng sức chứa hiện nay của Nhà hát Hòa Bình cũng chỉ dừng lại ở mức dưới 2.500 khán giả, muốn hơn nữa là không thể có. Với số ghế như vậy, Nhà hát Hòa Bình cũng chỉ đáp ứng được những chương trình biểu diễn có quy mô vừa phải. Đó là chưa kể nhà hát này còn trưng dụng khán phòng lớn biểu diễn ca nhạc để làm rạp chiếu phim dã chiến. Từ 16 giờ mỗi ngày (trừ những đêm diễn) nhà hát buông màn chiếu phim. Nghệ sĩ biểu diễn chỉ được sử dụng sân khấu để tập dượt từ sáng cho đến trước 16 giờ. Muốn tập dượt hoặc chạy chương trình vào ban đêm là rất khó khăn. Nhà tổ chức muốn đáp ứng yêu cầu phải chịu thêm khoản chi phí gần như một đêm diễn.
Sân khấu khá đắt khách hiện nay là Trung tâm Ca nhạc Lan Anh, bởi sức chứa khán giả tại điểm diễn này có thể lên đến hơn 3.000 người. Tuy nhiên, khán phòng sân khấu Lan Anh vẫn là nhà thi đấu thể thao nên khả năng cách âm không thể bằng một nhà hát, cho dù Trung tâm Ca nhạc Lan Anh đã đầu tư, nâng cấp rất lớn.
Chính vì vậy, giải pháp bất đắc dĩ mà những nhà tổ chức sự kiện giải trí phải chọn khi tổ chức chương trình có lượng khán giả từ 4.000 người trở lên là các nhà thi đấu thể thao. Vì là nhà thi đấu thể thao nên khả năng cách âm theo quy chuẩn của một nhà hát là gần như bằng không. Đây là nỗi ám ảnh của các chuyên viên kỹ thuật âm thanh, các nhạc sĩ biên tập âm nhạc, nhạc công trong những chương trình live show ca nhạc diễn ra trong các nhà thi đấu.
Thèm một nhà hát mở
Tại sao các tour diễn của các nghệ sĩ lớn trên thế giới chỉ đến các nước trong khu vực mà hiếm khi đến Việt Nam? Câu hỏi này được giải đáp là vì Việt Nam không có điểm diễn có sức chứa trên 5.000 người. Lâu nay những sô diễn lớn của một vài nghệ sĩ nước ngoài tại TP.HCM chỉ có thể diễn ra trên sân vận động. Nhưng sân vận động cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi chi phí cho một đêm diễn ở sân vận động tăng lên rất lớn so với nhà hát hay một điểm diễn dành cho hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp.
Đó là chưa kể sự cố thời tiết, sự cố mất điện, đền bù thiệt hại sân cỏ... Thậm chí, gặp mùa giải thi đấu là không được phép dựng sân khấu biểu diễn... có thể gây thiệt hại lớn cho nhà tổ chức. Sự cố diễn viên- ca sĩ Hàn Quốc Ahn Je Wook phải hủy sô diễn tại sân vận động Thống Nhất, trở về nước là do UBND TP.HCM không chấp thuận cho diễn trên sân vận động này vì sợ thiệt hại cơ sở vật chất tại đây.
Một nhà tổ chức sự kiện giải trí tại Việt Nam cho biết rất nhiều công ty tổ chức biểu diễn trên thế giới muốn đưa sô diễn của họ đến Việt Nam, nhưng sau khi đến khảo sát, ai nấy đều lắc đầu. Các nhà tổ chức biểu diễn trong nước cũng chào thua. Muốn đầu tư lớn thì phải có lượng khán giả lớn mới mong thu đủ bù chi. “Cái khó bó cái khôn”. Ai cũng mơ đến một nhà hát mở, với sức chứa dao động mở từ 2.000 lên đến 10.000 khán giả như nhiều nước khác trên thế giới, nhưng xem ra quá khó. Tiền để đầu tư xây dựng không thiếu nhưng thiếu mặt bằng và thiếu quy hoạch.
Một TP lớn mà không có nổi một nhà hát tầm cỡ quốc tế thì nhà tổ chức biểu diễn nào dám mơ đến hội nhập quốc tế! Hoạt động tổ chức biểu diễn của Việt Nam vì thế quẩn quanh vẫn chỉ là văn nghệ khóm phường so với thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận