Các nhân viên tại nhà hàng June’s - Ảnh: GUARDIAN
Nhà hàng này ra đời từ mong muốn xóa bỏ những kỳ thị vì hiểu sai về lây nhiễm virus HIV của một nhóm thành viên thuộc tổ chức phi lợi nhuận Casey House, tổ chức chuyên hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho những người bệnh HIV/AIDS.
Ý tưởng thành lập nhà hàng June’s nảy ra với nhóm sáng lập để "phản ứng" lại với kết quả một cuộc thăm dò dư luận, theo đó chỉ một nửa người dân Canada chấp nhận ăn đồ ăn do một người nhiễm HIV nấu.
Tọa lạc tại thành phố Toronto, theo hãng tin Reuters, June’s bắt đầu phục vụ những món ăn đầu tiên của họ từ 7-11. Sửa soạn, nấu nướng những món ăn ngon của nhà hàng chính là các đầu bếp nhiễm virus HIV. Nhóm sáng lập nhà hàng muốn chứng minh một cách thuyết phục rằng không bao giờ có chuyện lây nhiễm virus HIV qua khâu chuẩn bị, nấu nướng đồ ăn như một số người lầm tưởng.
Trên những tấm tạp dề có in các thông điệp kiểu như "Hôn người có H + nấu ăn" và "Tôi đã nhiễm virút HIV từ món mì - đừng bao giờ nói vậy!", 14 đầu bếp nhiễm HIV phục vụ các thực khách đã đặt bàn trước, với món ăn Thái Lan.
Theo trưởng nhóm Joanne Simons, chỉ sau hai ngày khai trương, nhà hàng đã phục vụ 200 khách hàng với phiếu đặt chỗ trước giá 98 USD. Toàn bộ số phiếu đặt trước do nhà hàng phát ra đã bán hết trong chưa đầy hai tuần. Trước nhu cầu khách hàng khá tốt như vậy, chị Simons cho biết có thể nhóm Casey House sẽ sớm mở thêm một nhà hàng tương tự.
"Chúng tôi rất muốn có thể mở một nhà hàng như thế ở những nơi như New York, San Francisco và London" - chị nói. Theo báo Guardian (Anh), đây là nhà hàng đầu tiên trên thế giới có toàn bộ nhân viên là những người nhiễm HIV. "Chúng tôi muốn đối diện với thái độ kỳ thị vô lý vẫn tồn tại dai dẳng xung quanh căn bệnh HIV/AIDS" - chị cho biết.
Sau khi khai trương nhà hàng June’s, Casey House đã nhận về nhiều phản hồi cả tích cực lẫn tiêu cực trên mạng xã hội. Rất nhiều câu hỏi đã đặt ra, trong đó có người hỏi rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu có nhân viên nào đó lỡ cắt phải tay họ khi đang làm bếp?
Chị Simons trả lời giản dị: "Chúng tôi xử lý việc đó cũng giống như khi chuyện đó xảy ra với bất cứ ai: là người hỗ trợ họ đầu tiên, dọn dẹp khu vực xung quanh, vứt bỏ những gì bị dính máu và dọn dẹp các khu vực bề mặt. Chúng tôi sẽ làm như vậy bất kể việc người bị đứt tay chảy máu đó có nhiễm HIV hay không, vì đó là chuyện rất bình thường".
Ông Trevor Stratton, năm nay 52 tuổi, từng nhận được kết quả xét nghiệm HIV dương tính 27 năm trước. Hơn một nửa cuộc đời sống chung với virus HIV, ông thừa nhận một thực tế buồn: "Tôi vẫn luôn công khai bệnh của mình, ngay cả khi sử dụng các ứng dụng hò hẹn trực tuyến. Và người ta thường không muốn nói chuyện với tôi, câu đầu tiên họ sẽ hỏi là "vì sao anh nhiễm bệnh?"".
Trở thành đầu bếp trong nhà hàng June’s với ông Stratton là cơ hội để giúp mọi người quan tâm hơn tới vấn đề mà theo ông hầu như đã bị bỏ quên trong những năm gần đây. "Chúng tôi cần bạn bè, được thừa nhận như một nhóm dân cư. Nhưng không ai để tâm, nên chúng tôi cần làm việc, cố gắng để mọi người chấp nhận" - ông nói.
Theo kết quả nghiên cứu thực hiện năm 2015 của Cơ quan Sức khỏe cộng đồng Canada, kể từ năm 2005 số ca nhiễm virus HIV ở Canada có chiều hướng giảm. Trước đó, đã có lúc tỉ lệ lây nhiễm ở Canada tăng vọt lên mức trung bình mỗi ngày có 7 người bị chẩn đoán nhiễm HIV.
Trên phạm vi thế giới, theo Tổ chức Y tế thế giới, kể từ khi đại dịch HIV/AIDS bùng phát vào những năm 1980, tới nay đã có hơn 70 triệu người nhiễm virus HIV và 35 triệu người đã chết vì căn bệnh này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận