17/09/2019 17:00 GMT+7

Nhà đất đồng sở hữu: Người mua "cầm dao đằng lưỡi"

Phùng Dung (TH)
Phùng Dung (TH)

Việc mua nhà đất chung sổ đứng tên đồng sở hữu không còn hiếm lạ trên thị trường và vẫn được nhiều người lựa chọn bởi đa phần những sản phẩm này có giá bán thấp hơn giá thị trường.

Nhà đất đồng sở hữu: Người mua cầm dao đằng lưỡi - Ảnh 1.

Việc mua nhà đất đồng sở hữu dù tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng vẫn diễn ra khá phổ biến trên thị trường. Ảnh minh họa

Anh Nhật Minh (TP.HCM) chia sẻ, năm 2009, vợ chồng anh chọn mua ngôi nhà chung sổ đỏ với 3 ngôi nhà khác vì không thích ở chung cư và cũng không muốn phải đi vay mượn nhiều tiền để mua đất, xây nhà. 

Ngôi nhà anh chị chọn mua nằm trong hẻm ô tô vào được ở quận Tân Bình, diện tích đất 33m2, gồm một trệt, hai lầu. 

Người bán cho anh chị làm nghề kinh doanh bất động sản, thường đi tìm mua những mảnh đất lớn sau đó phân lô, xây nhà nhỏ và bán lại. 

Vì quá ưng căn nhà nên anh chị xem nhẹ vấn đề pháp lý. Hơn nữa, người bán cũng cam kết không có vấn đề gì khi chung sổ, anh chị vẫn được mua bán và sửa chữa nhà bình thường.

Đến đầu năm 2014, công ty của vợ anh chuyển về quận 7 nên quãng đường đi làm hàng ngày rất xa, lại thường xuyên bị tắc đường. Hàng ngày, vợ anh mất hơn 1 tiếng để đi làm nên cuối ngày khi về nhà chị thường mệt mỏi, cáu bẳn, bỏ bê cơm nước, việc nhà. 

Vì để thuận tiện hơn, vợ chồng anh quyết định chuyển nhà về gần chỗ làm của vợ, đồng thời cũng tiện cho con đi học ở trường quốc tế gần đó. Tuy nhiên, do chung sổ đỏ nên việc bán nhà vướng phải rất nhiều rắc rối. 

Anh chị chỉ được bán khi tất cả người đồng sở hữu đồng ý. Một gia đình vì có hiềm khích với nhà anh nên không muốn giúp. Anh phải nhờ tổ trưởng khu phố sang thuyết phục. 

Còn một gia đình đã cho thuê lại nhà để ra nước ngoài sống. Anh phải mất hơn 1 tháng dò hỏi địa chỉ của họ để gửi thư trao đổi.

Cuối cùng, sau nửa năm, anh mới bán được nhà với giá thấp hơn giá thị trường. Dù có nhiều khách đến xem nhưng hầu hết đều e ngại vấn đề pháp lý nên anh Minh đành bán cho chính người hàng xóm có hiềm khích với gia đình mình.

Không riêng trường hợp của anh Minh, việc mua nhà đất đồng sở hữu diễn ra khá phổ biến trên thị trường vì giá bán rẻ. Tuy nhiên, hình thức này được cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Cụ thể, khi mua nhà đất chung sổ, người mua sẽ như "cầm dao đằng lưỡi", rất dễ vướng vào tranh chấp, thậm chí mất trắng nếu không tỉnh táo, cẩn trọng. 

Điểm trừ lớn nhất của việc mua bán nhà đất đồng sở hữu là thủ tục giấy tờ phức tạp, mất nhiều thời gian. 

Mọi thủ tục như mua bán, chuyển nhượng, xin giấy phép xây dựng, thế chấp, ủy quyền, thừa kế… liên quan đến đất đều phải được tất cả các đồng sở hữu đồng ý. Nếu một trong số các bên sở hữu không đồng ý, việc giải quyết sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Ngoài vấn đề thủ tục, khi mua nhà đất đồng sở hữu, người mua cũng sẽ gặp bất lợi nếu sau này muốn bán lại vì giá bán thường thấp hơn mặt bằng giá thị trường và việc tìm khách mua cũng khá khó khăn. 

Quan trọng hơn về mặt pháp lý, nhà đất đồng sở hữu thường không đủ điều kiện tách sổ nên người bán có thể bán giá rẻ cho nhiều người với hợp đồng viết tay, không có văn bản công chứng và người mua chỉ cầm sổ đứng tên người bán. 

Giao dịch này là không hợp pháp, do đó, nếu xảy ra bất trắc, người mua sẽ là người phải chịu thiệt đầu tiên.

Điều 126 Luật Nhà ở 2014 quy định việc mua bán nhà thuộc sở hữu chung như sau:

"1. Việc bán nhà ở thuộc sở hữu chung phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu; trường hợp có chủ sở hữu chung không đồng ý bán thì các chủ sở hữu chung khác có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật. Các chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua, nếu các chủ sở hữu chung không mua thì nhà ở đó được bán cho người khác.

Trường hợp có chủ sở hữu chung đã có tuyên bố mất tích của Toà án thì các chủ sở hữu chung còn lại được quyền bán nhà ở đó; phần giá trị quyền sở hữu nhà ở của người bị tuyên bố mất tích được xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì các chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc bán phần quyền sở hữu nhà ở và điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì phần quyền đó được bán cho người khác; trường hợp vi phạm quyền ưu tiên mua thì xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự".


Phùng Dung (TH)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên