![]() |
Ngôi nhà cổ của anh Nguyễn Đức Nhuận bình dị phía ngoài nhưng lộng lẫy bên trong |
Mặc dù đã có một ngôi nhà ba tầng rộng lớn, đầy đủ tiện nghi nằm bên hông khách sạn Deawoo, nhưng anh Nguyễn Đức Năm vẫn mong mỏi tìm mua một ngôi nhà cổ về làm chỗ thờ phụng gia tiên. Ba mươi năm chơi đồ cổ khuân về không biết bao nhiêu cổ vật, nhưng anh vẫn thiếu một “mái nhà xưa” mà tuổi thơ của anh đã trôi qua êm đềm.
Những người hoài cổ
“Lòng nhà tôi đang ở rộng 5,2m nên phải tìm mãi mới mua được một ngôi nhà cổ phù hợp. Đó là nhà của một nhà nho thuộc dòng họ Đinh ở làng Hồ (Thụy Khuê). Vì con đông, đất chật nên phải bán chứ họ quí ngôi nhà này lắm”. Anh Năm kể lại ngày dỡ nhà chủ cũ không cho dỡ nóc mà bắt dỡ từ hiên dỡ lên, vì đối với họ ngôi nhà cả trăm tuổi này quá đỗi thiêng liêng.
Anh phải thuê 10 thợ mộc, 40 lao động đào hố sâu hàng mét đánh tụt chân cột rồi cần mẫn tháo dỡ từng chi tiết của ngôi nhà trong sáu tháng mới xong. Dỡ đã kỳ công nhưng để đưa được toàn bộ ngôi nhà lên sân thượng trên tầng 3 để dựng còn khó hơn. Cầu thang chật, đám thợ phải dùng tời điện cẩu từng bộ phận lên lắp ghép. Mất một năm trời anh mới dựng xong ngôi nhà ba gian hai chái dài 13m, đóng đinh tre, lợp ngói âm dương nằm lọt trên sân thượng có chiều dài 10m.
Tốn gần 100 triệu đồng dựng ngôi nhà nhưng đó mới chỉ là cái vỏ, anh lại tìm mua ba đôi câu đối, ba bức hoành phi cổ để trang hoàng. Gian giữa ngôi nhà được bố trí làm nơi thờ tự với khám thờ, ngũ sự (đỉnh đồng, hai nến cùng chân đế, hai hạc) và bộ thất bửu (bảy loại binh khí) là đồ cổ hoàn toàn. Riêng bộ thất bửu anh mua lại của một người ở Sơn Tây khi đã xác định chắc chắn ngày trước nó thuộc sở hữu của gia đình Ngô Đình Cẩn. Ngoài sập gụ, tủ chè, bộ tràng kỷ cổ được anh bố trí ngay gian bên cạnh làm nơi tiếp khách.
Đặc biệt trong ngôi nhà này còn có sự hiện diện của chiếc giường cổ sơn son thếp vàng ròng của hoàng cung nhà Nguyễn mà anh mua được từ ba năm trước. Dựng xong nhà, anh còn thuê thợ làm mới một ngôi nhà khác theo đúng nguyên bản đặt dưới sân làm nơi tiếp khách. Anh cho biết ngoài hai ngôi nhà một mới, một cũ, anh đang nhờ người tìm một ngôi nhà gỗ lim năm gian ở Thanh Hóa để đem về dựng trên mảnh đất rộng hơn 360m2 cách ngôi nhà anh ở không xa. Với anh, ngôi nhà cổ với những đồ vật cổ xưa là một thế giới riêng để anh hoài cổ.
Đam mê chơi nhà cổ nhưng thiếu đất dựng nhà, nhiều người Hà Nội đang sống trong nội thành phải dựng nhà trên sân thượng giống như anh Năm. Và nó được coi là những ngôi nhà cổ có chỗ đứng độc đáo ngay tại thủ đô.
Nhà cổ lại về phố cổ...
![]() |
Bộ thất bửu trong ngôi nhà cổ trên sân thượng của anh Nguyễn Đức Năm |
Trước đây, người dựng nhà chủ yếu là giới văn nghệ sĩ nhưng bây giờ các thương gia, người làm dịch vụ nhà hàng, người nước ngoài sống ở Hà Nội cũng lùng mua những ngôi nhà cổ có diện tích vài trăm mét vuông có giá từ 200 triệu đến cả tỉ đồng để ở, làm nhà hàng, dựng quán. Phần lớn những ngôi nhà cổ đều dựng trên những trang trại, nhà nghỉ gia đình nằm ở ngoại thành. Riêng trong nội thành, năm 2004 anh Đức đã dựng nhà trên sân thượng cho hai người ở ngõ Quỳnh (quận Hai Bà Trưng). Hiện nay nguồn nhà cổ đang được dân buôn săn lùng từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Tây về bán cho dân chơi.
Bình thường mỗi ngôi nhà có giá từ 30 - 300 triệu đồng. Tuy nhiên, một số nhà đẹp tọa lạc gần công viên nước (Gia Lâm) cũng có cái xấp xỉ tiền tỉ. Anh Đức cho biết có một ngôi nhà cổ mua từ Thổ Hà (Bắc Ninh) vê, sau khi dựng lên hoàn hảo theo ý một chủ nhà tại thủ đô đã ngốn mất 1,3 tỉ đồng. Chủ nhân ngôi nhà còn nhờ bên bảo tàng về giám định gắn một biển đồng công nhận niên đại ngôi nhà.
Nguồn nhà cổ ở Hà Nội đang hiếm dần, những ngôi nhà còn lại tập trung nhiều trong gia đình người dân các làng cổ quanh ngoại thành nằm ở khu vực Nhật Tân, dọc theo đường Lạc Long Quân, khu vực quận Hoàng Mai, nhưng người có nhà cũng bắt đầu giữ nhà không muốn bán. Để có nguồn nhà cung cấp cho khách, người kinh doanh nhà cổ mở rộng phạm vi săn nhà về các tỉnh.
Giới buôn nhà cổ cho biết những ngôi nhà thờ của giáo dân vùng Thanh Hóa xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 rộng 150 - 300m2 (được mua và bán) chiếm số lượng lớn nhất trong năm 2004, bởi người chơi nhà đang thích những ngôi nhà cao, cân đối, diện tích sử dụng lớn. Những ngôi nhà này không chỉ về Hà Nội mà được chuyển về dựng ở các tỉnh miền Trung, TP.HCM. Năm ngoái, dân buôn nhà cổ “lé mắt” khi có khách hàng từ TP.HCM ra mua và yêu cầu chuyển vào cùng lúc 17 ngôi nhà cổ thuộc loại “kinh khủng” về kích thước và giá cả.
Gìn giữ nếp xưa...
![]() |
Bà Nguyễn Thị Quyên trong ngôi nhà cổ của mình |
Anh Nhuận cho biết dù có sửa chữa, cải tạo nhưng vẫn giữ lấy dáng nhà xưa. Bên cạnh ngôi nhà anh xây mấy gian phòng nhỏ để làm phòng bếp, nơi để xe, công trình phụ. Mọi sinh hoạt còn lại đều diễn ra trong ngôi nhà cổ. “Tôi thừa khả năng để xây dựng một ngôi nhà hiện đại nhưng không thể có được cảnh gia đình đủ cả ông bà, con cháu quây quần đầm ấm mỗi tối như ở trong ngôi nhà này” - anh nói.
“Ngôi nhà này do các cụ để lại, nó lưu giữ nhiều kỷ niệm của gia đình nên ai hỏi mua tôi cũng không bán” - bà Nguyễn Thị Quyên (80 tuổi) bộc bạch khi tôi vào thăm ngôi nhà cổ dựng từ năm Mậu Dần (1878) thời vua Tự Đức. Ngôi nhà năm gian dài 14m với tổng diện tích 105m2 mà bà đang sống cùng cậu con trai nằm trong làng Mai Dịch (quận Cầu Giấy) đã làm không ít người chơi nhà cổ phải ước ao khi còn nguyên vẹn đủ bộ cửa bức bàn, 30 chiếc cột (chu vi mỗi cột 85-90cm) xếp theo bôn hàng (còn gọi là nhà tứ trụ) làm bằng gỗ lim, các họa tiết chạm trổ hoa lá cách điệu hình rồng từ bàn thờ đến các bộ phận.
Mặc dù không nhiều tiền nhưng năm 2004, bà Quyên cũng dành dụm tiền để tôn cao móng và sơn lại nhà theo chất liệu cũ. Mất bảy tháng trời ngôi nhà mới hoàn thành, khang trang, cao ráo hơn nhưng mọi thứ trong nhà vẫn giữ nguyên từ cái sập gụ cho đến bộ tràng kỷ, bức hoành phi, câu đối. Cạnh ngôi nhà cổ, bà xây một ngôi nhà gạch nho nhỏ để làm nhà bếp cùng công trình phụ. Ngôi nhà cổ thường ngày êm đềm với cuộc sống của hai mẹ con lại đầm ấm, linh thiêng khi con cháu trở về sum vầy trong ngày lễ tết.
Nhà cổ các nơi đang về Hà Nội nhưng không bằng lượng nhà đang vơi đi. Nhiều người có nhà cổ phải bán nhà vì không có tiền bảo quản, vì đất chật con đông. Nhưng cũng ở Hà Nội vẫn có người gìn giữ ngôi nhà cổ để sinh sống. Với họ, nhà cổ là nếp xưa cần phải giữ gìn. g
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận