![]() |
Đạo diễn Xuân Huyền |
* Thưa, nghe nói ông là người nổi tiếng "khó tính" và đã trả lại nhiều kịch bản. Thế nhưng ông lại thích Nhà có ba chị em viết về đề tài gia đình, với câu chuyện giản dị?
- Đây là câu chuyện về hạnh phúc gia đình, xoay quanh những quan niệm về hạnh phúc. Tôi đã dựng Bến bờ xa lắc, Những nẻo đường trần gian, Tôi đi tìm tôi... và vừa dựng Cát bụi cho Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đi theo đường hướng ấy. Tôi thích đi vào những đề tài giản dị nhưng thấm đẫm chất nhân văn.
Đây là kịch bản viết khá chắc tay. Có những pha lãng mạn và mê say đến mức điên cuồng như cảnh Quân gặp Nhiên. Đoạn này hay, giống như cảnh Lê Thu Hạnh viết về người đàn bà trong Bến bờ xa lắc tần ngần đứng trước gương thử bộ đầm...
Chỉ các cây bút nữ mới diễn tả được những nỗi niềm, những trạng huống như thế. Mà có lẽ, phải trải nghiệm mới viết thuyết phục được. Đó là những trang viết của cuộc sống nhưng phải của người có tài năng.
* Gây tiếng vang với Bến bờ xa lắc - câu chuyện kịch khá gần gũi với Nhà có ba chị em. Vậy những liên tưởng của ông khi so sánh hình ảnh những người phụ nữ trong hai vở diễn này?
- Nhân vật nữ chính trong Bến bờ xa lắc của Lê Thu Hạnh không hài lòng với cuộc sống, xuất phát từ việc: người phụ nữ quan niệm hạnh phúc của họ là phải được tham gia công tác xã hội, tham gia kinh tế với gia đình chứ không phải chỉ là người phục vụ, người hưởng thụ. Đó là bi kịch của người phụ nữ có trình độ, muốn vươn lên khỏi quan niệm cổ hủ.
Còn Nguyễn Thu Phương muốn lý giải sự hình thành những quan niệm về hạnh phúc. Chủ nghĩa thực dụng tạo nên nhiều luồng tư tưởng mới mẻ, và người phụ nữ cũng đứng trước những sự xáo trộn đó... Có người trở thành nạn nhân. Có người tìm cách vẫy vùng.
* Kịch bản được viết theo dạng "phản đề", nói về hạnh phúc nhưng lấy những người không tròn trịa, những gia đình không đầm ấm để người ta thấy được mặt sau của nó. Cách đặt vấn đề như vậy cũng dễ chấp nhận và dễ xem hơn.
"Con người ngày càng lún sâu vào những mâu thuẫn của mình. Tôi khát vọng cái anh có nhưng anh cứ đi tìm đâu đâu. Phải biết trân trọng giá trị hạnh phúc mình có, chứ đừng so bì, tị nạnh với ai. Người xem chắc sẽ thấy nhiều gia đình, nhiều con người như thế chung quanh mình". |
- Anh nói đúng! Những con người đến với hạnh phúc từ điểm xuất phát chênh vênh thì kết quả cũng không trọn vẹn.
Cô Quỳnh, người thú nhận là trước khi lấy chồng đã "có hàng tá mối tình, dắt mũi cả lô đàn ông, chán chê rồi mới dừng lại", nên sau này bị một bà Việt kiều cuỗm mất chồng. Cô Tú một lần sang đò nhưng vẫn không suy nghĩ chín chắn khi đi bước nữa, nghe tán ngon ngọt, lấy rồi mới vỡ lẽ.Còn cô Nhiên, ngay cả khi xuất phát điểm đúng, có hạnh phúc trong tay vẫn mãi chạy theo những cái đâu đâu...
Kết thúc kịch, tác giả viết: "Hôn nhân là việc hệ trọng, không phải thích lấy ai thì lấy, thích bỏ ai thì bỏ".
* Những xung đột kịch không đến mức gay gắt, không có những hồi gay cấn, hồi hộp. Ông sẽ tạo những điểm nhấn cần thiết gây hấp dẫn cho vở diễn này ra sao?
- Tôi sẽ tập trung khai thác "tuyến ngầm" trong các nhân vật, cụ thể là những khát vọng của họ.
Sương mới lớn ước ao một mái ấm nhưng mẹ đã đi lấy chồng và lại không gặp hạnh phúc. Tú muốn có một gia đình ổn định, nhưng chồng cô lao theo đề đóm. Quỳnh mong có gia đình, có hạnh phúc, được giúp đỡ mọi người nhưng vẫn muốn được sống tự do. Còn Nhiên đi chênh vênh giữa hạnh phúc và ngoại tình. Không phải cô ta muốn ngoại tình, không phải cô ta muốn phản bội chồng. Cô vùng vẫy, cô muốn chồng phải như ý cô, theo ước vọng của cô...
Vì những lỗi lầm của họ chưa đến độ trầm trọng nên hậu quả cũng chưa đáng tiếc. Tôi muốn khai thác xung đột trong tính cách mỗi cá nhân hơn là mối quan hệ giao đãi giữa các nhân vật với nhau. Đó chính là mạch ngầm của vở. Tôi muốn lấy những điều tâm huyết từ cuộc sống để trò chuyện với người xem chứ không đưa ra những cái gọi là câu khách đơn thuần.
* Xin ông "bật mí" về thiết kế sân khấu và diễn viên?
- Vở có bảy hồi nhưng chỉ dựng một cảnh là phòng khách gia đình. Cảnh quán cà-phê Thiên Thai chỉ tách ra một chút. Tôi dựng cho Đoàn 1, Lan Hương vào vai Quỳnh, Minh Hằng vào Tú, Quách Thu Phương vào Nhiên, Anh Tú vào Vinh, Xuân Tùng vào vai Quân, An Ninh vai Sinh...
* Đã dựng hàng trăm vở vậy ông có hồi hộp lo lắng cho số phận vở kịch khi công diễn?
- Không. Khi dựng vở, tôi luôn tin nó sẽ hay. Không hay không làm. Chỉ hay ở mức nào mà thôi (cười).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận