02/02/2015 13:54 GMT+7

Nhà báo Kenji Goto: Người có mặt cùng những nỗi đau

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Để lại mẹ già, vợ hiền và hai đứa con gái nhỏ, một sự nghiệp đã vững chắc ở Nhật Bản, nhà báo Kenji Goto lên đường đến vùng đất dữ Trung Đông để đưa tin về những nỗi đau bị lãng quên nơi đây.

Nhiều người mang nến và bảng ghi dòng chữ
Nhiều người mang nến và bảng ghi dòng chữ "giải thoát Kenji" đến trước văn phòng thủ tướng Nhật hôm 30-1 - Ảnh: Reuters

Kenji Goto là một nhà báo nổi tiếng tại Nhật Bản bởi ông thường dấn thân đến những nơi mà người khác e ngại.

Goto quan tâm đến nỗi đau của những người dân thường không chỉ ở Trung Đông mà còn tại các khác như  điểm nóng AIDS ở châu Phi.

Ông nhiều lần thực hiện bản tin cho các hãng truyền thông Nhật Bản tại những điểm xung đột Afghanistan, Somali, Iraq…

Năm 2005, Goto từng viết cuốn sách về trẻ em ở Sierra Leone có tựa "We Want Peace, Not Diamonds” (tạm dịch: Chúng tôi muốn hòa bình, không phải kim cương)

“Tôi muốn gần gũi với mọi người, đó là cách tốt nhất để tiếp cận - nhà báo Nhật có nụ cười vô tư, thân thiện, giải thích - Bằng cách đó, tôi có thể nói chuyện với họ, nhìn thấy điều họ thấy, cảm nhận được nỗi đau và hy vọng”.

Đó là lý do ông luôn có mặt tại các trại tị nạn, trại trẻ mồ côi, nơi nhiều đứa trẻ đang sống trong đói khát và ngủ cùng ác mộng.

Nhưng Goto luôn nói rằng ông không phải là phóng viên chiến trường.

Nhà báo Henry Tricks của tờ Economist nói về Goto: Ông ấy đưa tin về cuộc chiến theo một cách khác. Thay vì nói về việc thắng bại, ông kể câu chuyện của những người dân thường, đặc biệt là trẻ em, bị đẩy vào vòng xoáy xung đột”.

“Sự mạnh mẽ của họ khơi nguồn cảm hứng cho ông - ông Tricks kể - khi hỏi Goto làm cách nào ông có thể đến được những nơi quá nguy hiểm để đưa tin, ông luôn nói rằng ông đi theo bước chân của những người dân thường, hòa vào cuộc sống của họ. Họ đã chỉ lối cho ông”.

Một quyết định liều lĩnh

Trong một đoạn băng quay vào 10-2014 tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, ông Goto giải thích rằng ông cảm thấy mình có trách nhiệm phải kể với thế giới về các câu chuyện nỗi đau ở những vùng chiến tại Syria.

"Người dân Syria đã đau khổ trong ba năm rưỡi. Vậy là quá đủ - ông Goto, 47 tuổi, giải thích - Vì vậy, tôi kể câu chuyện về những gì Nhà nước Hồi giáo (IS) muốn". Chuyến đi cũng nhằm giải cứu ông Yukawa, người ông đã gặp ở Syria năm 2013.

Vì vậy, Goto vượt biên giới vào Syria và thẳng hướng về phía thủ phủ Raqaa của nhóm Hồi giáo cực đoan này bất chấp lời khuyên của người bạn Alaaeddin Al Zaim. “Làm vậy không an toàn đâu” - Al Zaim cảnh báo.

Nhưng nhà báo người Nhật đã tin rằng mình sẽ an toàn vì Tokyo là một bên trung lập và không tham gia bất các chiến dịch quân sự chống IS. "Tôi không phải người Mỹ. Tôi không phải là người Anh. Tôi là người Nhật - Goto nói - Tôi có thể đi."

Ông Goto cũng nói rằng sẽ tự chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra. “Nó khá nguy hiểm … nhưng xin đừng có ấn tượng xấu về người dân Syria” – ông nói. Ông cũng trấn an gia đình, bạn bè và hứa sẽ trở về.  

“Chồng tôi là một người tốt bụng và thật thà. Anh ấy muốn đến Syria để đưa tin về nỗi khổ của người dân. Tôi tin là Kenji cũng muốn tìm hiểu về tình hình của ông Haruna Yukawa – vợ ông Goto, bà Rinko giải thích.

Nhưng đó dường như đã là một sai lầm. Ông Goto lẫn Yukawa sau đó bị IS đem ra đòi tiền chuộc 200 triệu USD và sau đó đòi trao đổi tù nhân. Cả hai cuối cùng bị IS chặt đầu.

Làn sóng phẫn nộ

Toàn bộ vụ bắt cóc và sát hại nhà báo Goto thu hút sự quan tâm lớn tại Nhật Bản và trên thế giới. Ngay sau khi xuất hiện thông tin, hàng chục ngàn người đã tham gia một trang kêu gọi ủng hộ nhà báo Goto do nhà làm phim Taku Nishimae lập trên Facebook.

“Kenji luôn sống trong tim chúng ta, trong công việc hàng ngày” - ông Nishimae viết.

Hàng ngàn người cũng ký tên vào đơn yêu cầu chính phủ Nhật Bản phải mạnh tay hơn để giải cứu nhà báo Goto. Nhiều người đã biểu tình trước văn phòng thủ tướng Shinzo Abe, mang theo các tấm biển viết “Tôi là Kenji”.

Trong khi đó, vụ giết hại đã tạo nên làn sóng căm phẫn, tiếc thương tại Nhật Bản nhưng cũng có một số chỉ trích hành động của các con tin.  

BBC đưa tin nhiều người đã tham gia kêu gọi không xem ảnh hành quyết nhà báo Goto mà thay vào đó lan truyền hình ảnh của ông khi tác nghiệp tại những vùng khủng hoảng nhân đạo, đưa tin về người dân thường bị kẹt giữa những làn đạn.

Việc các đài truyền hình liên tục đưa hình ảnh trong đoạn băng ghi cảnh xử tử, gọi đó là mối đe dọa trực tiếp đối với người Nhật, khiến nhiều người tức giận.

Cộng đồng Nhật Bản cũng kêu gọi cánh truyền thông không bao vây gia đình ông Goto và ông Yukawa.

Một số người quay sang công kích chính phủ, cho rằng Tokyo đã quá thờ ơ khi ông Abe chỉ nói sơ qua về nỗi đau khổ của gia đình hai nạn nhân trong bài phát biểu, thậm chí không nói  gì về các thành tựu của cả hai. Ngay từ đầu, nhiều người đã chỉ trích cách chính phủ xử lý hợp lý vụ bắt cóc con tin.

Thủ tướng Nhật tuần trước thừa nhận chính phủ đã biết về vụ bắt cóc ông Goto từ tháng   11-2014, trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử sau đó. Một số thậm chí cho rằng chính việc ông Abe đến Trung Đông và công khai cam kết hỗ trợ 200 triệu USD đã tạo cơ hội để bọn khủng bố đưa ra đe dọa.

Giới chuyên gia nhận định sự thay đổi liên tục cách thức đe dọa, đưa ra các yêu sách khác nhau rồi sẵn sàng sát hại con tin cho thấy bản chất thực sự của IS là một nhóm khát máu chứ không phải muốn thương lượng. Một số khác cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy có sự xáo trộn trong nội bộ IS.

Trong vụ giết hại con tin Nhật, việc ghi hình trong nhà sử dụng hình nền giả hoặc ghi hình trên đồi, cho thấy IS có thể đã không bám trụ ở Raqqa (Syria) nữa.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên