Phóng to |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Mẹ Mười vẫn lên dây thiều...
Mười chín năm trước, khi theo dõi ca mổ tách Việt - Đức, chúng tôi đã bắt gặp đôi mắt đỏ hoe của mẹ Mười - chị Nguyễn Thị Mười, nguyên nữ hộ sinh trưởng Bệnh viện Từ Dũ, người chăm sóc "hai con" Việt - Đức khi mới chuyển từ Hà Nội về.
Khi Việt bị viêm não sang Nhật điều trị, chị đã khóc hết nước mắt. Và sáng nay 6-10, từng kỷ niệm của chị với Việt lại hiện về. Chị kể trong nước mắt:
Phóng toChia tay một nửa thân mình: Nguyễn Đức (phải) và vợ đưa tiễn thi hài của anh trai Nguyễn Việt từ phòng tang lễ của Bệnh viện phụ sản Từ Dũ về làng Hòa Bình, nơi Việt đã sống nhiều năm qua. Ảnh: Minh Đức"Lúc đó là 12 giờ đêm, mình đang ngủ ở nhà, nghe điện thoại mình nghĩ ngay có chuyện, nhưng không ngờ... Hồi đầu hôm Việt vẫn chưa đến nỗi, cho ăn cữ tối, khoảng 7 giờ Việt có ho, ói nhớt. Đêm, tôi vô thấy bên cạnh giường cấp cứu vẫn có món đồ chơi là cái hộp vuông nhỏ xíu, cứ lên dây thiều là phát ra tiếng nhạc êm dịu mà thường ngày các cô thường dùng để ru Việt ngủ”. Sau khi lau người, mặc quần áo cho Việt xong, dù biết Việt đã vĩnh viễn yên nghỉ, nhưng mẹ Mười vẫn lên dây thiều để bên con: "Tôi vẫn muốn Việt được nghe bản nhạc ấy lần cuối cùng để dỗ cho cháu ngủ...".
Chị Trương Thị Ten - nguyên nữ hộ sinh trưởng của làng Hòa Bình - có mặt ngay trong đêm khi vừa được biết Việt trở nặng. Chị cũng là người thức suốt đêm cùng với má ruột của Việt ngay từ ngày Việt ngã bệnh 2-6-2007.
Má ruột và chị gái của Việt khóc ngất. Đứng bên cạnh là ông Nishimura Yoichi, thành viên Hội Vì sự phát triển hai cháu Việt - Đức, không thể diễn đạt bằng tiếng Việt để chia buồn cùng bà, cứ cúi đầu lắng nghe bà khóc. Cách đây không lâu, tháng 12-2006, ông cùng vợ chung vui trong đám cưới của Đức và cũng là người vận động các tổ chức ở Nhật giúp đỡ hai cháu trong nhiều năm qua.
"Đức phải sống luôn cả phần anh Việt"
Tại buổi họp báo sáng 6-10, bác sĩ Trương Quốc Việt - trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ - cho biết khi tách cặp song sinh Việt - Đức trước đây, với hi vọng cứu Đức nên tất cả đều tập trung cho Đức. Đức có hậu môn, Việt phải dùng hậu môn nhân tạo. Bàng quang thì dành cho Đức 3/4, Việt chỉ 1/4. Bộ phận sinh dục cũng dành cho Đức, nên Việt phải tiểu bằng ống sonde đặt trực tiếp vô bàng quang. Phần lớn thành bụng cũng dành cho Đức, phải dùng da nhân tạo vá cho Việt, việc chăm sóc trong ba năm đầu sau mổ gặp rất nhiều khó khăn. Trên thế giới chưa có ca nào sau tách có đời sống thực vật mà nuôi sống được. Nhưng bệnh viện vẫn nuôi dưỡng Việt được 19 năm 2 ngày. |
Trong góc phòng tang lễ, vợ chồng Nguyễn Đức ôm nhau khóc. Nhớ hơn 10 tháng trước, Đức đã dắt cô dâu đến phòng anh Việt, tặng hoa và báo tin vui cho anh. Hai vợ chồng ngồi bên giường kể rằng ngày cưới có hơn năm trăm người đến dự, hàng trăm báo đài trong và ngoài nước dự và đưa tin.
Khi ấy, đôi mắt Việt nhấp nháy. Đức nghĩ rằng Việt vui khi nghe tin đó dù 19 năm qua Việt sống đời thực vật. Đã có hai năm, đời sống thực vật của Việt khiến Đức hoảng hốt.
Đó là khi hai anh em còn dính liền nhau. Mỗi khi di chuyển, Đức đều kéo người anh bại não của mình theo. Có lúc sinh mạng Đức bị đe dọa khi Việt tưởng như trút hơi thở cuối cùng.
"Tôi luôn khao khát hai anh em được tách rời ra, tôi muốn hai anh em đều được tung tăng cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Nhưng khi được tách ra rồi, tôi hiểu sẽ chỉ còn mình tôi được sống bình thường. Còn anh đã nhường nhiều bộ phận trên cơ thể cho tôi và sống như một cái cây" - Đức nói trong nước mắt.
Trong dòng người đến viếng, ngoài những vị bác sĩ trong kíp mổ năm nào, có rất đông bạn bè Nhật Bản. Các hãng thông tấn của nhiều nước, đặc biệt là Nhật Bản, đã chia sẻ tin buồn đến bạn bè trên thế giới.
Nhiều thành viên của Tổ chức "Vì sự phát triển của hai cháu Việt - Đức" đã bật khóc khi không kịp đến VN để nhìn Việt lần cuối. Nhìn cảnh Việt nằm thiêm thiếp như ngủ trước khi tẩn liệm, ai cũng rơi nước mắt. Chiếc quan tài quá dài so với một cơ thể gần như không có đôi chân.
Đến nhìn Việt lần cuối, đôi mắt nữ hộ sinh Đặng Thị Phụng đỏ hoe. Chị kể cách đây một tháng, khi bệnh chuyển nặng, nước mắt Việt chảy ra. Chắc là Việt đau đớn quá. Nhìn cảnh ấy, các bác sĩ và nữ hộ sinh đều khóc. Khi ấy, Việt được đưa qua phòng hồi sức. Và không ngờ... Đó là lần nước mắt của Việt chảy sau 19 năm và cũng là lần cuối cùng.
Trong quan tài của Việt chỉ có "tài sản quí nhất" là búp bê hình ông già Noel và bộ đồ chơi có nhạc. Đây là món quà Việt thích nhất khi còn sống nên mẹ Mười đã chuẩn bị để ru cho Việt ngủ. Đức nói: "Đức phải sống luôn cả phần của anh Việt. Một người anh có số phận nghiệt ngã đã nhường phần thân thể cho em. Vì vậy, Đức càng phải cố gắng sống tốt hơn".
Hành trình của Việt
Cặp song sinh Việt - Đức sinh ngày 25-2-1981 tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kontum. Ngày 6-1-1983, Việt - Đức được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Ngày 22-5-1986, Việt bị hội chứng não cấp, sốt cao và hôn mê. Việt - Đức được đưa sang Nhật điều trị từ ngày 19-6 đến 29-10-1986 trở về VN, Việt đã khỏi bệnh nhưng mất vỏ não. Nguy cơ chết đột ngột của Việt luôn đe dọa mạng sống của Đức, nên ngày 4-10-1988 ca mổ Việt - Đức được tiến hành, kéo dài 15 giờ với sự tham gia của 70 giáo sư - bác sĩ đã thành công vang dội, được cả thế giới biết tiếng và được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1991. Việt sống đời sống thực vật và được nuôi dưỡng tại làng Hòa Bình Từ Dũ. Ngày 27-5-2007, Việt ngã bệnh, sốt cao, ăn uống kém. Đến ngày 2-6 Việt có biểu hiện viêm phổi nặng, ói, tăng tiết đàm nhớt nhiều. Các BS chia 3 ca 4 kíp trực 24/24 theo dõi, nhưng do suy giảm sức khỏe ở một người bại não, Việt đã không qua khỏi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận