12/10/2010 09:42 GMT+7

Nguyên tắc sống 6: Đừng coi những điều đáng quý trọng như rác

MARK ALBION
MARK ALBION

TTO - Đừng quý trọng những thứ rác rưởi của bạn và coi như rác những điều đáng quý trọng. Đó là một trong những nguyên tắc sống.

QaLPOgBG.jpgPhóng to

Rất dễ đánh mất hướng đi của bạn, chệch ra khỏi con đường số phận của bạn khi quá chạy theo điều có vẻ như quan trọng và bỏ mặc điều thật sự có ý nghĩa với bạn. Tất cả đều là biết những ưu tiên của bạn và sống vì chúng.

Tại buổi họp mặt lần thứ 25 của lớp đại học (lần này tôi ở đến cuối buổi!), tôi gặp lại một anh bạn học mà tôi vừa đọc về anh ấy trong câu chuyện được đăng trên trang bìa của tạp chí Forbes. Anh ấy và cộng sự kinh doanh của mình trông rất tuyệt trên trang bìa. Câu chuyện nêu bật rằng họ vừa mới bán công ty của mình với giá hàng trăm triệu đô la, mỗi người sở hữu 50%. Tôi ôm chầm lấy anh ấy và nói những lời chúc mừng từ tận đáy lòng. Anh ấy cám ơn tôi một cách ân cần và hỏi là liệu chúng tôi có thể tìm một nơi yên ắng để trò chuyện. Chúng tôi đã làm như vậy.

Sau đó anh ấy nói với tôi: “Mark, bạn thân nhất của tôi từ thời thơ ấu và tôi đã xây dựng công ty đó cùng nhau từ lúc sơ khai, nhưng chúng tôi đã có những bất đồng trước khi quyết định bán. Ngay khi chuyện bán buôn được hoàn thành, anh ấy nói anh ấy không bao giờ muốn nói chuyện với tôi nữa. Con tim tôi tan nát. Mọi việc còn tồi tệ hơn khi vợ và ba đứa con của tôi đã không màng gặp tôi trong suốt những năm đó. Bây giờ, họ chỉ đối xử với tôi như với một cái máy đánh bạc, nói chuyện với tôi chỉ khi nào họ muốn tiền. Tôi đã không thấy được những gì tôi thật sự cần trong cuộc đời, và bây giờ tôi ước gì tôi có thể thay đổi nó, nhưng tôi không thể.”

Tôi ôm anh ấy một lần nữa và nói chuyện với anh ấy suốt buổi họp mặt, chăm chú nghe những điều anh ấy nói về việc gia đình đã đối xử với anh ấy như thế nào. Như bạn có thể đoán, vợ anh ấy sau đó đã li dị anh, còn những cô con gái thì trở nên xa lạ.

Sự thách thức ghê gớm nhất bạn có thể phải đối mặt là làm cách nào đưa sự nghiệp của mình tiến lên phía trước mà không để gia đình lùi lại phía sau. Bạn sẽ thấy thành công là đa chiều, bao gồm một thu nhập tốt, công việc tốt, tình trạng gia đình tốt, và thường là những đứa con. Như một người vừa mới tốt nghiệp cao học quản trị kinh doanh (QTKD) gần đây đã nói với tôi: “Tiến sĩ Mark, ước mơ của tôi là nuôi dạy những đứa con của mình sao cho chúng đủ thành công về mặt kinh tế, để chúng có thể trang trải được những liệu pháp cần thiết để chịu đựng được tôi.”

Mỉa mai, nhưng người phụ nữ này hiểu được cô ấy bị điều khiển như thế nào và khó khăn như thế nào để định hướng thành công, để sống tất cả những phần của một cuộc sống tốt đẹp - ít nhất cùng một lúc. Cô ấy đã trải nghiệm chuyện vòng đời, văn hóa và những tiếng nói ngầm của xã hội có thể lôi kéo bạn đi xa đến mức nào. Bạn tập trung vào công việc của mình, nơi bạn có thể bị thay thế. Nhưng nơi duy nhất bạn thật sự không thể bị thay thế là ở nhà.

Những người đạt được nhiều thắng lợi có thể bị chệch ra ngoài lề bằng nhiều cách khó thấy vì không trân trọng những gì họ có và luôn luôn dồn sinh lực vào những gì họ không có. Như những người Polynesi thường nói: “Có phải bạn đang đứng trên những con cá voi để bắt những con cá sộp?” (Are you standing on whales fishing for minnows?)

Bạn không cần một buổi thảo luận chuyên sâu khác về công việc và gia đình. Bạn biết khó khăn như thế nào để có thể làm cho mọi chuyện được ổn thỏa. Bạn thực sự cần làm rõ những ưu tiên trong kế hoạch số phận của mình. Bạn có thể dùng bốn chuẩn đo “cuộc sống tốt đẹp” được giới thiệu ở phần đầu của chương này. Tự ghi điểm của bạn ở mức bạn hiện đang đạt được và mức bạn muốn đạt tới. Kế hoạch tiếp theo của bạn bao gồm việc bạn sẽ tạo ra những sự chuyển tiếp cần thiết như thế nào.

Vượt khỏi những vấn đề công việc và gia đình, tôi muốn chia sẻ với bạn hai ví dụ công việc mà có thể đánh đổ những ưu tiên của bạn, thậm chí bạn thường không hề nhận thức về nó. Những thạc sĩ QTKD đặc biệt nhạy cảm với cả hai. Đầu tiên là câu thần chú của sự tăng trưởng. Những nhu cầu của sự tăng trưởng có thể thúc đẩy bạn tạo ra công việc mà không hề cùng đường hướng với những ưu tiên và những mục tiêu cuộc đời của bạn.

Bạn nghĩ có bao nhiêu thạc sĩ QTKD tôi cố vấn yêu cầu tôi giúp đỡ xây dựng một công ty nhỏ hơn? Ngay sau khi tôi nghe họ kể về những mệt mỏi với công việc, những khát khao được dành thêm thời gian cho gia đình, hay những vấn đề sức khỏe vì làm việc quá tải, chúng tôi hầu như luôn luôn tìm cách để thu nhỏ công ty, kiếm được lợi nhuận nhiều hơn và điều hành dễ dàng hơn, và thường có nhiều tác động hơn đối với những thách thức xã hội của toàn nền công nghiệp.

Thực ra, phần lớn những công ty sản xuất nhỏ mà tôi biết đều gặp vấn đề này. Định hướng để đạt được 100% công suất buộc họ phải thúc đẩy nhân công và những đơn hàng, thường không phải từ những khách hàng tốt nhất. Điều này chỉ dẫn đến áp lực nhiều hơn, tinh thần giảm sút, và việc thiếu hụt tiền mặt.

Chúng tôi tìm cách để giảm những hoạt động xuống, để xem, 75% công suất, giữ những khách hàng tốt, và làm cho không khí công ty được thoải mái. Chúng tôi tái định hình chuỗi giá trị bằng cách đánh giá lại những giả định ngầm về việc công ty cần hoạt động như thế nào. Kết quả là việc điều hành tốt hơn, nhiều lợi nhuận hơn, và nhiều niềm vui hơn khi làm việc cho công ty.

Những công ty dịch vụ có thể cũng gặp phải cùng một vấn đề, thường bị điều khiển bởi nhu cầu tăng thu nhập trên đầu nhân công. Một đồng nghiệp trong giới QTKD đến gặp tôi sau khi cô bị ung thư. Từ việc bằng bất kì giá nào cũng phải phát triển công ty nghiên cứu thị trường của mình, cô ấy đã nhận thấy như sau: “Số lượng chi trả cho phí hoạt động thật kinh khủng. Nó sẽ phá hủy văn hóa của bạn.”

Cô ấy điều hành công ty 6 năm tuổi của mình ở mức thu nhập 80 ngàn đô la một nhân công trước khi bị ung thư. Mô hình kinh doanh mới của cô ấy là thuê bên ngoài làm những mảng dịch vụ không phải là chuyên môn đặc biệt của cô và giảm thời gian đi lại của cô đến 80%. Công ty hoạt động với chi phí chỉ bằng nửa số phải trả trước đây nhưng trong hai năm đã đạt tới mức 180 ngàn đô la một nhân công.

Những thạc sĩ QTKD nghĩ “tăng trưởng, tăng trưởng, tăng trưởng,” không phải “thu nhỏ lại, thu nhỏ lại, thu nhỏ lại.” Bài thi cuối khóa tài chính của tôi lúc còn học lớp cao học QTKD là trường hợp điển hình đầu tiên mà tôi thấy yêu cầu là phát triển một kế hoạch tài chính để thu nhỏ công ty lại. Sau này, khi vị giáo sư ấy đã trở thành đồng nghiệp của tôi, ông đã nói với tôi rằng 90% sinh viên trong lớp không bao giờ nhìn thấy “sự xoay chuyển”. Các sinh viên “một cách máy móc” phát triển những kế hoạch tài chính để phát triển công ty ngay cả khi nó đang gặp rắc rối nghiêm trọng.

Như với hầu hết những chuyên gia, bạn tin vào những khuôn mẫu văn hóa về ý nghĩa của việc “tiến lên phía trước”, về bộ mặt của sự thành công. Lớn hơn không phải luôn luôn tốt hơn. Tốt hơn là tốt hơn. Nó tương tự như những sự nghiệp. Ví dụ thứ hai là câu thần chú của thăng tiến, điều tôi đã gọi trong Chương 1 là Nguyên tắc Paul.

Rất nhiều bạn bè của tôi ở tuổi năm mươi, vẫn còn làm trong ngân hàng đầu tư, đã thực hiện việc “thăng tiến lùi”: đi lùi xuống từ quản lý, trở lại làm giao dịch, công việc họ luôn luôn thích thú. Những người khác có sự nghiệp trong những ngành công nghiệp trải dài từ xây dựng đến sản phẩm tiêu dùng đã không đồng ý thăng tiến. Họ muốn tiếp tục được làm công việc họ yêu thích, tránh di chuyển gia đình, hay muốn thật giỏi những gì họ đang làm. Những thạc sĩ QTKD không kiên nhẫn, nhưng ngày nay, nhiều người nhận ra rằng khi ở nguyên một vị trí lâu hơn, sự thỏa mãn cá nhân có thể phát triển.

Chìa khóa là đừng theo đuổi yêu cầu của Wall Street vì ánh sáng chói lọi của sự tăng trưởng nhưng hãy theo đuổi ánh sáng đúng với bạn - kích cỡ đúng chỉ vừa một người, bạn, và kế hoạch số phận của bạn. Tương tự áp dụng để biết rõ những ưu tiên sự nghiệp của bạn: biết bạn thích làm việc như thế nào, và làm nó cách của bạn.

Tôi gặp nhiều vấn đề khi chọn lựa làm cái gì và không làm cái gì dưới vai trò là một giáo sư Trường Kinh Doanh Harvard. Tôi nhớ một giáo sư kì cựu quan tâm hỏi tôi về những ưu tiên của tôi. Ông ấy là trưởng môn marketing năm thứ nhất. Lúc đó, ở tuổi 32, tôi đang làm việc cật lực cho một nghiên cứu điển hình mà tôi tự hào nói rằng nó vẫn còn được sử dụng tại những trường kinh doanh 25 năm sau. Tuy nhiên, buổi trò chuyện dẫn đến một bất đồng quan trọng.

Ông ấy cảm thấy tôi dành quá nhiều thời gian ngoài số giờ quy định để giúp đỡ các sinh viên. Ông đã hỏi tôi sẽ làm gì nếu “cậu đang làm việc với trường hợp của dầu gội Suave, trường hợp mà cả hàng chục ngàn sinh viên và nhà quản trị sẽ đọc và học từ đó và một sinh viên gõ cửa phòng cậu”. Tôi đã nói rằng tôi sẽ xếp công việc của tôi lại và giúp sinh viên đó. Ông giải thích rằng tôi đã đưa ra một câu trả lời sai. Hãy yêu cầu người sinh viên đó trở lại trong giờ quy định, và trường hợp nghiên cứu điển hình “quan trọng” của tôi sẽ được hoàn tất sớm hơn.

Mọi điều ông ấy nói đều đúng. Nhưng không giống như sự quy phục trước những lời khuyên khác mà tôi đã nhận được trong suốt những ngày ở Harvard, tôi nhận ra rằng lời khuyên này không phù hợp với tôi. Tôi đã bỏ hàng giờ giúp đỡ những sinh viên của tôi vượt ra khỏi marketing. Tôi đã giúp đỡ họ về cuộc sống. Tôi đã nuôi dưỡng những hạt giống của những điều mà cuối cùng trở thành ơn kêu gọi của tôi. Một cách vô thức, tôi đang coi trọng những điều quan trọng đối với tôi và những ý nghĩa cơ bản của thành công.

Tôi muốn kết luận nguyên tắc sống này và chương này bằng một lời nhận xét của một người đã có những ưu tiên của mình rõ ràng. Một vài năm trước, tôi gặp một người đoạt giải Nobel đã sống gần hết tuổi 70. Ông ấy thân thiện, là một người biết lắng nghe, và dĩ nhiên, thông minh. Chắc hẳn ông ấy phải cảm thấy rất tuyệt vời khi một đời cống hiến cho nhân loại đã được công nhận. Và ai có thể tranh cãi gì nữa về sự đo lường thành công đó, về cảm giác đặc biệt đó?

Tôi đã hỏi cảm giác của ông như thế nào khi đạt Giải Nobel. Câu trả lời của ông là: “Nó rất tuyệt. Nó cung cấp ngân quỹ cho một nghiên cứu quan trọng chúng tôi đang tiến hành. Nhưng cậu biết điều gì thật sự làm tôi cảm thấy đặc biệt không? Tôi lớn lên ở Brooklyn, New York, trên tầng bốn của một khu nhà giàu. Mỗi ngày, khi tôi đi học về lúc 3 giờ chiều, mẹ của tôi sẽ ở ngay chân cầu thang với một ly sữa và một cái bánh quy sô cô la mỏng nóng hổi vừa mới nướng dành cho tôi. Đó mới là đặc biệt.”

Bạn là người đặc biệt. Hãy sử dụng hai chương đầu như là một hướng dẫn, bây giờ bạn nên có một sự hiểu biết sâu sắc về bản thân mình và những gì bạn muốn. Đã đến lúc bạn phải bước vào thương trường, với một vài lời cảnh báo để bước đi của bạn được dễ dàng trên con đường số phận của mình.

Những câu hỏi cho kế hoạch số phận

* Nhìn vào bốn chuẩn đo bạn đã dùng ở đầu chương này để đánh giá “cuộc sống tốt đẹp”, bạn xếp hạng chúng như thế nào theo thứ tự ưu tiên? Bạn có đang dùng thời gian của mình theo cách trân trọng sự xếp hạng đó?

* Bạn xoay sở như thế nào trước một xung đột giá trị với người thuê bạn làm việc? Những giá trị cá nhân nào không bị xâm phạm?

* Bạn làm thế nào để thu nhỏ những yêu cầu công việc của mình nhưng chúng vẫn có nhiều tác động hơn?

MARK ALBION
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên