11/08/2017 10:14 GMT+7

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm: Cần hài hòa lợi ích quốc gia, khu vực

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Là người gắn bó với ASEAN từ những ngày đầu khi Việt Nam gia nhập tổ chức này, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm chia sẻ dù vui mừng trước sự lớn mạnh của hiệp hội nhưng ông vẫn trăn trở về sự đoàn kết của ASEAN.

Nguyên Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ 2 từ phải sang) và các bộ trưởng ASEAN tại lễ kết nạp Việt Nam là thành viên ASEAN ngày 28-7-1995 - Ảnh: TL
Nguyên Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ 2 từ phải sang) và các bộ trưởng ASEAN tại lễ kết nạp Việt Nam là thành viên ASEAN ngày 28-7-1995 - Ảnh: TL

Để duy trì sự đoàn kết, theo ông, các nước thành viên phải hài hòa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích chung của khu vực, đó chính là hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, mang lại sự thịnh vượng cho hơn 620 triệu người dân ASEAN.

Phải làm sao để lợi ích dân tộc hài hòa với lợi ích của khu vực. Ví dụ, hòa bình ổn định trong khu vực chính là lợi ích chung để giúp các nước phát triển. Do đó nếu lợi ích dân tộc của anh không phù hợp với lợi ích chung này thì anh phải chịu thiệt và nhượng bộ

Nguyên Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao NGUYỄN MẠNH CẦM

Cơ hội vàng không thể bỏ lỡ

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở quận Tây Hồ (Hà Nội), ở tuổi gần 90, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm vẫn nhớ như in những cột mốc lịch sử gắn với quá trình Việt Nam gia nhập và đồng hành cùng ASEAN.

Ông kể từ sau khi đổi mới năm 1986, ASEAN chính là cánh cửa hội nhập khu vực và thế giới đầu tiên của Việt Nam.

Ông và các nhà ngoại giao khác như nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã gắn bó và trưởng thành hơn từ các công việc liên quan đến tổ chức này.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đầu năm 1992, ông Mahathir có nói với ông rằng ASEAN khác hẳn Hiệp ước an ninh Đông Nam Á (SEATO) và ASEAN mong muốn Việt Nam gia nhập tổ chức này.

Vượt qua những rào cản, nghi kỵ ban đầu, tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) ở Manila tháng 7-1992, Việt Nam và Lào chính thức trở thành quan sát viên của ASEAN, theo đó Việt Nam được phép tham dự hội nghị AMM nhưng không tham gia sinh hoạt chính thức.

Từ quan sát viên trở thành thành viên chính thức của ASEAN thông thường phải mất 5 năm, nhưng ông Cầm cho biết bất ngờ vào đầu năm 1994, tổng thư ký ASEAN Ajit Singh người Malaysia lúc đó đã gặp riêng ông và nói rằng: “Các nước ASEAN rất mong muốn Việt Nam sớm gia nhập ASEAN, đề nghị nếu Chính phủ Việt Nam thấy đủ điều kiện và sẵn sàng gia nhập ASEAN thì xác nhận với chúng tôi tại hội nghị bộ trưởng ở Bangkok tháng 7-1994”.

“Sau đó, tôi báo cáo vụ việc này với Tổng bí thư Đỗ Mười và Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp lấy ý kiến. Tuy nhiên có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng ASEAN thực chất giống SEATO. Sau đó, anh Đỗ Mười giao cho Thường vụ Bộ Chính trị cân nhắc, quyết định” - nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại.

Trong khi chờ Thường vụ Bộ Chính trị ra quyết định về việc có nên gia nhập ASEAN hay không, ông Cầm vẫn lên đường dự Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ở Bangkok tháng 7-1994.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại buổi sáng hôm lên đường sang Bangkok dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN, Thường vụ Bộ Chính trị đã họp để ra quyết định. Nhưng buổi họp hôm đó, vắng mặt một đồng chí.

Sau khi trao đổi phân tích kỹ, những đồng chí có mặt đều nhất trí thông báo với ASEAN là Việt Nam đủ điều kiện và sẵn sàng tham gia ASEAN, đồng thời đồng chí Tổng Bí thư cử một đồng chí đi gặp đồng chí vắng mặt để xin ý kiến và dặn tôi cứ lên đường cho kịp họp, đồng chí sẽ điện sang cho tôi biết.

“Chiều hôm đó, tôi đến Bangkok, theo thông lệ, buổi tối có cuộc gặp các Bộ trưởng, nhưng chưa bàn công việc, chỉ thông qua chương trình cuộc họp. Suốt đêm hôm đó, tôi chờ mãi vẫn chưa có điện của Tổng Bí thư, nhưng tôi tin rằng đồng chí vắng mặt cũng nhất trí, nếu đồng chí không có ý kiến thì đa số các đồng chí trong Thường vụ Bộ Chính trị đã tán thành”, ông Cầm nhớ lại. 

Sáng hôm sau, dự cuộc họp chính thức nhưng vẫn chưa thấy điện của Tổng bí thư, ông Cầm cảm thấy vô cùng sốt ruột.

Vào phòng họp, chủ tịch hội nghị (bộ trưởng ngoại giao Thái Lan) nêu vấn đề đầu tiên: “Đề nghị bộ trưởng ngoại giao Việt Nam cho biết ý kiến Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập ASEAN chưa?”.

“Lúc đó, tôi có niềm tin rằng đa số các thành viên trong Thường vụ Bộ Chính trị chắc chắn sẽ ủng hộ việc gia nhập ASEAN nên dù chưa nhận điện của anh Đỗ Mười, tôi vẫn đứng dậy khẳng định Việt Nam đã cân nhắc kỹ, thấy mình có đủ điều kiện và sẵn sàng gia nhập ASEAN” - ông kể.

Sau khi ông Cầm xác nhận, các đại biểu tham dự hội nghị vỗ tay hoan nghênh và ghi vào biên bản, đồng thời thông báo tháng 7-1995, cuộc họp bộ trưởng ngoại giao tại Brunei sẽ tổ chức lễ kết nạp chính thức Việt Nam là thành viên thứ 7 của ASEAN.

“Chiều hôm đó, đi họp về tôi nhận được điện của Tổng bí thư, bức điện viết: Thường vụ nhất trí, anh nói với hội nghị ta sẵn sàng gia nhập” - nguyên Phó thủ tướng cười kể về vụ “vượt rào”.

Cần điều chỉnh nguyên tắc đồng thuận

Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm cũng là một trong 10 lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của hiệp hội tham gia phác thảo Hiến chương ASEAN năm 2005, được chính thức thông qua năm 2007, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc đồng thuận, 10 thành viên có tiếng nói ngang nhau, không phân biệt khoảng cách phát triển.

Tuy nhiên, theo ông, bây giờ tình hình quốc tế và khu vực biến đổi liên tục, cần phải xem xét và điều chỉnh lại hiến chương sao cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là sau “sự cố” Hội nghị AMM ở Campuchia năm 2012, khi lần đầu tiên ASEAN không đưa ra một tuyên bố chung của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN.

“Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, một số nguyên tắc cần phải được xem xét lại, trong đó có nguyên tắc đồng thuận và vai trò của nước chủ tịch ASEAN. Ví dụ, ASEAN vẫn đề cao nguyên tắc đồng thuận nhưng dù đồng thuận cũng phải phục tùng đa số, ý kiến phản đối có thể được bảo lưu” - ông Cầm nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông, nhiều nước cũng công nhận vai trò trung tâm của ASEAN, do đó thế giới phải chấp nhận ASEAN có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Nguyên Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm là người thay mặt Chính phủ Việt Nam đọc diễn văn tại lễ kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 7 của ASEAN tháng 7-1995 tại Brunei.

Ông cũng là một trong 10 đại diện của các quốc gia thành viên ASEAN được vinh danh và nhận giải thưởng Nhân dân ASEAN 2015 vì những đóng góp nổi bật cho quá trình hình thành cộng đồng ASEAN.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên